NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ NGOẠI GIAO LÊ DŨNG
TRẢ LỜI PHÓNG VIÊN NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 2003
Phóng viên AFP hỏi: Đề nghị cho biết đoàn Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN sẽ họp vào tháng tới tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a) gồm bao nhiêu người và do ai làm trưởng đoàn? Vấn đề quan trọng nhất mà đoàn Việt Nam mong đợi tại Hội nghị là gì? Lập trường của Việt Nam như thế nào đối với Hiệp ước Ba-li II và đặc biệt là đối với Cộng đồng An ninh ASEAN? Lập trường của Việt Nam đối với Mi-a-ma và bà Aung San Suu Kyi?
Trả lời:
Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 9 và các Hội nghị Cấp cao ASEAN + 3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và ASEAN + 1 (riêng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ) tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a từ ngày 7 đến 8 tháng 10 năm 2003.
Chúng tôi trông đợi Hội nghị sẽ đánh dấu một bước phát triển quan trọng của ASEAN. Hội nghị sẽ thông qua những phương hướng cơ bản để tiếp tục tăng cường và củng cố đoàn kết và hợp tác ASEAN trên cơ sở phát huy các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, thúc đẩy hợp tác ASEAN một cách toàn diện phù hợp với các ưu tiên của ASEAN, đặc biệt là tăng cường nỗ lực duy trì hoà bình, an ninh, gia tăng liên kết khu vực và thu hẹp khoảng cách. Việt Nam hoan nghênh ý tưởng ký Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II với nội dung khẳng định lại các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, tăng cường đoàn kết thống nhất trong ASEAN với 3 trụ cột chính là hợp tác an ninh, kinh tế, văn hoá và xã hội, hướng tới xây dựng ASEAN đoàn kết, vững mạnh như đã nêu trong Tầm nhìn 2020 và Kế hoạch hành động Hà Nội.
Liên quan đến ý tưởng thành lập Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Việt Nam cho rằng đây là một sáng kiến quan trọng vì việc xây dựng một ASEAN với mức hợp tác an ninh, chính trị cao hơn trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của ASEAN như đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực sẽ góp phần thúc đẩy hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Đông Nam Á. Liên quan đến Mi-an-ma, Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Mi-an-ma, cũng như các đóng góp của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy tiến trình hoà hợp, hoà giải dân tộc ở Mi-an-ma trên cơ sở tôn trọng quyền tự quyết của các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ mỗi nước.