Những thành tựu trong năm 2004 và triển vọng năm 2005 của Việt Nam
NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM LÊ DŨNG
TRẢ LỜI PHÓNG VIÊN NGÀY 2 THÁNG 12 NĂM 2004
AP: Xin cho biết những thành công và hạn chế của Việt Nam trong năm 2004 là gì? Triển vọng của Việt Nam trong năm 2005 như thế nào? Sự kiện nào trên thế giới có ảnh hưởng lớn nhất đến Việt Nam trong năm 2004?
Trả lời:
Bước sang năm 2004, kinh tế thế giới trên đà hồi phục khả quan tuy vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi tình hình chính trị an ninh ở nhiều khu vực và quốc gia không ổn định, giá năng lượng biến động mạnh, giá dầu lửa dao động ở mức cao. Hơn nữa, sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố, xung đột vũ trang, dịch bệnh, thảm hoạ môi trường đặt ra nhiều thách thức đối với sự ổn định kinh tế thế giới và của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đối với Việt Nam, nhiều khó khăn, thách thức phát sinh liên tiếp tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội như: dịch cúm gia cầm lan rộng, thiên tai nặng nề, giá cả một số một số mặt hàng nhập khẩu quan trọng tăng cao do giá dầu biến động. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách như vậy, song Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng:
Một là, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao về nhiều mặt gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội có hiệu quả. So với năm 2003, GDP tăng 7,6%, sản lượng công nghiệp tăng 15,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 24%, vốn đầu tư của toàn xã hội đạt gần 36% GDP, vốn đầu tư trực tiếp đầu tư nước ngoài tăng 35%, khách du lịch nước ngoài tăng 13%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng trên dưới 9% so với 12% năm 2003.
Hai là, Việt Nam có môi trường chính trị ổn định và an ninh, an toàn xã hội được bảo đảm. Điều này tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và phát triển.
Ba là, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Hàng loạt chính sách vĩ mô liên quan đến thuế, hải quan đất đai, thủ tục hành chính được Chính phủ ban hành, khuyến khích và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước. Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua nhiều văn bản pháp luật liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư.
Bốn là, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu trong việc tăng cường đa phương, đa dạng hoá quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng thị trường, tranh thủ viện trợ, đầu tư, công nghệ và từng bước chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi phát triển và nâng cao năng lực quản lý, điều hành vĩ mô, gia tăng khả năng thích ứng với sự biến động của kinh tế thế giới.
Năm là, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ và toàn diện các hoạt động đối ngoại của mình và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Đặc biệt Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Á -Âu Lần thứ 5 ( ASEM-5) tại Hà Nội tháng10/2004, mở ra giai đoạn phát triển mới thúc đẩy sự hợp tác giữa hai châu lục. Những kết quả đó đã góp phần nâng cao và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sang năm 2005, trước mắt Việt Nam còn nhiều nhiệm vụ lớn lao: tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề xã hội như xoá đói giảm nghèo, cải thiện hệ thống giáo dục, y tế..., đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy lui nạn tham nhũng. Năm 2005 sẽ là năm Việt Nam tiến sâu vào con đường hội nhập vì Việt Nam đã bước vào ngưỡng cửa của việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ AFTA vào năm 2006 và đẩy mạnh đàm phán để gia nhập WTO. Việt Nam đã kết thúc đàm phán với nhiều đối tác và hy vọng các cuộc đàm phán sắp tới với các đối tác khác, trong đó có các bạn hàng lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a sẽ diễn ra thuận lợi, mở đường cho Việt Nam sớm gia nhập WTO.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|