Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân

Ngày 13 tháng 5 năm 2005, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến báo cáo của Tổ chức theo dõi nhân quyền ngày 13/5/2005:

Thông tin của "Tổ chức theo dõi nhân quyền" (Human Rights Watch) đưa ra là bịa đặt. Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ.

Ở Việt Nam không có vấn đề đàn áp tôn giáo, không có việc "cưỡng bức bỏ đạo”, không có ai bị giam giữ vì lý do tôn giáo.

Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân. Việc ban hành và đưa vào thực hiện những văn bản pháp quy mới đây về tôn giáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chức sắc, tín đồ tôn giáo, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, thực hành đức tin của mình phù hợp với pháp luật.

Liên quan đến những người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trở về từ Căm-pu-chia, chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam là không phân biệt đối xử, trừng phạt những người trở về vì tội vượt biên trái phép. Những người trở về sẽ nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương để nhanh chóng ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Thời gian qua, chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận 35 người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia tự nguyện trở về Việt Nam, trong khuôn khổ thỏa thuận chung giữa Việt Nam-Căm-pu-chia và UNHCR ký ngày 25/1/2005. Chính quyền địa phương đã giúp đỡ, tạo điều kiện để những người trở về sớm ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Việt Nam tiếp tục hợp tác với Căm-pu-chia và UNHCR để thực hiện những thoả thuận đã đạt được tại Biên bản Ghi nhớ về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Căm-pu-chia./.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn