Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Wednesday, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thanh tra của EU và Cục Thực phẩm, Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA nhận xét là Việt Nam hoàn toàn tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu EU và Hoa Kỳ


NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ NGOẠI GIAO LÊ DŨNG
TRẢ LỜI PHÓNG VIÊN NGÀY 19 THÁNG 8  NĂM 2005 

 

Câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tin nói rằng vài mẫu cá basa nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ có chứa một loại thuốc kháng sinh, thuộc nhóm fluoroquinolones, mà cho là không được phép có trên thực phẩm?

Trả lời:

Các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết Việt Nam đã thực hiện việc kiếm soát các chất kháng sinh trong sản xuất và kinh doanh thủy sản tương đương với các quy định của châu Âu, Hoa Kỳ và các thị trường khác như Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Thụy Sĩ…. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu của Việt Nam đã tuân thủ các yêu cầu về chất lượng trong đó có các quy chuẩn về sử dụng chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản. Chất fluoroqinolones nằm trong danh mục cấm sử dụng do các cơ quan chức năng Việt Nam ban hành.

Chính phủ Việt Nam đã chỉ thị các Bộ, ngành có liên quan đến ngành nuôi trồng, chế biến các sản phẩm thủy sản của Việt Nam phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ về việc kiểm soát các chất kháng sinh dùng trong sản xuất và kinh doanh thủy sản không chỉ cho xuất khẩu mà cả cho người tiêu dùng Việt Nam.

Chỉ thị số 07/2002/CT-TTg ngày 25/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật” đã nghiêm cấm sử dụng các loại kháng sinh có hại cho sức khỏe con người trong sản xuất và kinh doanh thủy sản. Chính phủ giao cho các Bộ, trong đó có Bộ Thủy sản, chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc thực hiện chỉ thị này trong sản xuất kinh doanh thủy sản. Bộ Thủy sản đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc kiểm soát các kháng sinh có hại trong nuôi trồng và sản xuất thủy sản, đối với các sản phẩm xuất khẩu cũng như sản phẩm tiêu thụ nội địa.

Tháng 2/2005, Bộ Thủy sản đã có Quyết định 07/2005/QĐ-BTS quy định danh mục 17 loại kháng sinh cấm sử dụng, tương đương với 10 loại bị cấm sử dụng ở Châu Âu và 11 loại bị cấm ở Hoa Kỳ; và danh mục 34 loại hạn chế sử dụng trong đó có Flouroqinolones, tương đương với danh mục các kháng sinh bị hạn chế sử dụng ở châu Âu và Hoa Kỳ. Tháng 3/2005, Bộ trưởng Bộ Thủy sản có Chỉ thị số 03/2005/CT-BTS "Về việc tăng cường kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh có hại trong hoạt động thủy sản” với các biện pháp quản lý từ các tỉnh, thành phố đến các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh nhằm bảo đảm uy tín cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Ngày 18/8/2005, trên cơ sở cập nhật thông tin về các loại kháng sinh do Hoa Kỳ bổ sung vào danh mục cấm sử dụng, Bộ Thủy sản đã ban hành quyết định số 26/2005/QĐ-BTS công bố danh mục 11 loại kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolones cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và Bắc Mỹ.

Cục Quản lý Chất lượng và An toàn Vệ sinh Thực phẩm Thú y Thủy sản (NAFIQAVED), Bộ Thủy sản chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát việc sản xuất thuốc, thức ăn cho nuôi trồng, chăm sóc và chữa bệnh cho thủy sản nuôi. Các biện pháp kiểm tra được thực hiện trong toàn bộ quá trình nuôi, mẫu kiểm tra kháng sinh được lấy trước khi thu hoạch và trong quá trình chế biến. Sản phẩm cũng được kiểm soát chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, còn tồn tại những yếu tố khách quan và chủ quan khiến cho đôi khi vẫn phát hiện thấy một số mẫu sản phẩm có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt. Có trường hợp là do sai số kỹ thuật giữa các phòng thí nghiệm của Việt Nam và nước ngoài hoặc do lô hàng đã bao gồm những sản phẩm không đồng nhất.

Đối với những lô hàng bị phát hiện có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, các cơ quan chức năng của Việt Nam điều tra từng khâu trong hệ thống liên hoàn từ nơi sản xuất đến nơi chế biến; yêu cầu các doanh nghiệp có liên quan phải có các biện pháp khắc phục cụ thể, và phải thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và của nước nhập khẩu. Nếu phát hiện trong sản phẩm có kháng sinh bị cấm, các cơ quan chức năng của Việt Nam quyết định đình chỉ sản xuất của doanh nghiệp cho đến khi doanh nghiệp tìm được nguyên nhân và có biện pháp khắc phục một cách hiệu quả. Sản phẩm của doanh nghiệp đó còn tiếp tục bị giám sát chặt chẽ trong thời gian tiếp theo cho đến khi khôi phục được uy tín của mình.

Hoạt động kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản của Việt Nam cũng đã được các đoàn thanh tra hàng năm của Ủy ban Liên minh Châu Âu (lần gần đây nhất là tháng 5/2005), thanh tra của Cục Thực phẩm, Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA (lần gần đây nhất là tháng 7/2005) nhận xét là hoàn toàn tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu EU và Hoa Kỳ.

Vì lợi ích của người tiêu dùng cũng như lợi ích của các nhà sản xuất và kinh doanh thủy sản, các cơ quan chức năng Việt Nam đã và sẽ tăng cường hơn nữa việc áp dụng những biện pháp hết sức nghiêm ngặt để phát hiện và ngăn chặn những sản phẩm không đảm bảo quy chuẩn./.

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer