Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 23/2/06


Đoàn nước ngoài vào Việt Nam

1. Chủ tịch Hạ viện Cộng hoà Séc thăm Việt Nam từ 25-28/2/2006:

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, đoàn đại biểu Quốc hội Cộng hoà Séc do Chủ tịch Hạ viện Lubomír Zaorálek dẫn đầu sẽ sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 25 -28/2/2006.

Chuyến thăm là nhằm tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hoà Séc, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt là quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội.

2. Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Pê-ru Oscar Maúrtua de Romaña từ ngày 23-25/2/2006:

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Bộ trưởng Ngoại giao Peru Oscar Maúrtua de Romaña sẽ thăm Việt Nam ngày từ ngày 23-25/2/2006.

Chuyến thăm nhằm góp phần tăng cường hiểu biết, bàn các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác các mặt giữa hai nước cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.

Đoàn Việt Nam ra nước ngoài

3. Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải thăm Căm-pu-chia từ 6-8/3/2006:

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia Xăm-đéc Hun Sen, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Căm-pu-chia từ ngày 6-8/3/2006.

Chuyến thăm là nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Căm-pu-chia theo phương châm mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thoả thuận "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài", triển khai thực hiện các thoả thuận cấp cao về hợp tác toàn diện giữa hai nước, và trao đổi một số vấn đề trong quan hệ song phương và đa phương hai bên cùng quan tâm.

4. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm chính thức các nước Nam Mỹ từ 5-15/3/2006 :

Nhận lời mời của Lãnh đạo Quốc hội các nước Cộng hoà Liên bang Bra-xin, Cộng hoà Ác-hen-ti-na, Cộng hoà Vê-nê-xu-ê-la, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dẫn đầu sẽ đi thăm hữu nghị chính thức Bra-xin từ ngày 5-9/3 ; Ác-hen-ti-na từ ngày 10-12/3  và Vê-nê-zu-ê-la từ ngày 13-15/3/2006.

Chuyến thăm là nhằm phát triển quan hệ chính trị hợp tác nhiều mặt giữa nhân dân và Quốc hội Việt Nam với nhân dân và Quốc hội 3 nước, đặc biệt là về kinh tế-thương mại với Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Vê-nê-xu-ê-la nói riêng và khu vực Mỹ La tinh nói chung, tăng cường hợp tác và phối hợp giữa cơ quan lập pháp của Việt Nam với các nước tại diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế cũng như tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.

5. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đi An-giê-ri họp Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam-An-giê-ri từ 25-27/2/2006 :

Từ ngày 25-27/2/2006, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch phân ban Việt Nam, sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam đi Angiêri để dự kỳ họp lần thứ bảy của Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam-An-giê-ri.

Mục đích của kỳ họp lần này là nhằm kiểm điểm việc thực hiện những nội dung của kỳ họp trước và bàn những phương hướng hợp tác mới. Chuyến đi còn nhằm thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước trên các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, thuỷ sản, y tế, xây dựng, ngân hàng và đặc biệt là dầu khí.

PHẦN TRẢ LỜI CÂU HỎI :

1. Phóng viên DPA hỏi : Xin khẳng định thông tin chính quyền địa phương tại Hà Giang đã tiến hành một cuộc đàn áp chống người theo đạo Tin Lành tại Tỉnh? Liệu có phải cuộc đàn áp này là do chính quyền trung ương ra lệnh không hay là do chính quyền tỉnh Hà Giang tự tiến hành?

Trả lời :

Chúng tôi không có thông tin như phóng viên hỏi. Tuy nhiên, chúng tôi xin khẳng định hoàn toàn không có việc « chính quyền trung ương chỉ thị địa phương đàn áp người theo đạo Tin Lành ».

Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân. Nhiều văn bản pháp quy đã được ban hành, trong đó có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với đạo Tin lành. Chỉ thị nêu rõ "Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, tự do theo đạo và không theo đạo của mọi công dân; nghiêm cấm việc ép buộc đồng bào theo đạo hoặc bỏ đạo”. Các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương quán triệt triển khai việc thực hiện các văn bản pháp quy về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tạo điều kiện cho tín đồ của các tôn giáo được thực hiện đức tin của mình.

2. Phóng viên Bloomberg và AP hỏi: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam đối với kết luận của EC và với khả năng đánh thuế bổ sung đối với giày nhập khẩu từ Việt Nam vào Cộng đồng Châu Âu?

Trả lời:

Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá các sản phẩm giày mũ da vào Châu Âu. Các doanh nghiệp sản xuất giày da của Việt Nam hoạt động theo các quy luật của kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng. Chính phủ Việt Nam không can thiệp và không bao cấp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực hợp tác với các điều tra viên của Ủy ban Châu Âu trong quá trình điều tra.

Chúng tôi mong rằng Ủy ban Châu Âu sẽ có những quyết định khách quan, công bằng đối với các sản phẩm giày mũ da của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, tránh làm ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động Việt Nam, cũng như người tiêu dùng ở EU, ngành công nghiệp bán lẻ giày dép của EU và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực giày dép của EU đang hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

3. Phóng viên Bloomberg hỏi: Chính phủ Hoa Kỳ nói rằng đã nối lại cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam lần đầu tiên sau 3 năm. Xin cho biết bình luận về việc nối lại cuộc đối thoại nhân quyền và Việt Nam nhìn nhận như thế nào về cuộc đối thoại trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nói chung?

Trả lời :

Ngày 20/2/2006, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền vòng 11 giữa đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Vòng đối thoại lần này giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được tiến hành trong bối cảnh quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều tiến triển quan trọng trên nhiều lĩnh vưc, đặc biệt là sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. Nhân chuyến thăm, lãnh dạo hai nước đã nhất trí : " phát triển mối quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi" và "tiếp tục đối thoại thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề cùng quan tâm".

Trong cuộc đối thoại lần này, Việt Nam nêu rõ chính sách, tình hình thực hiện quyền con người, tự do tôn giáo ở Việt Nam; trả lời các quan tâm của phía Hoa Kỳ về vấn đề tôn giáo và nhân quyền; đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các nước đặc biệt quan tâm” về tự do tôn giáo. Phía Hoa Kỳ cũng trả lời những quan tâm của phía Việt Nam về chính sách cũng như những biện pháp Chính phủ Hoa Kỳ đang thực hiện để giải quyết những vấn đề nhân quyền, tôn giáo của phía Hoa Kỳ.

Qua cuộc đối thoại, hai bên đã đạt được sự nhất trí về quyết tâm tăng cường quan hệ giữa hai nước, tiếp tục đối thoại để tăng cường hiểu biết, thu hẹp các khác biệt./.

 

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer