Đoàn nước ngoài đến Việt Nam:
+ Tổng thống Xlô-va-kia thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-18/10/2006:
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống nước Cộng hoà Xlô-va-ki-a I-van Ga-xpa-rô-vích (Ivan Gasparovic) sẽ sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 đến 18 tháng 10 năm 2006. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Xlô-va-ki-a kể từ năm 1993.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống I-van Ga-xpa-rô-vích nhằm củng cố và tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Xlô-va-ki-a; đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt, nhất là quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Đoàn Việt Nam ra nước ngoài:
+Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 18-22/10/2006
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 18-22/10/2006. Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể từ khi nhậm chức tháng 7/2006. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là vị khách nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng mới của Nhật Bản Shinzo Abe.
Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua phát triển trên mọi lĩnh vực. Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Nhật Bản, tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Chuyến thăm cũng là dịp để thiết lập mối quan hệ trực tiếp giữa hai Thủ tướng mới của hai nước.
TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA PHÓNG VIÊN
+ Phóng viên Reuters hỏi: Xin cho biết Việt Nam có hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc hoặc của các nước áp dụng cấm vận vũ khí và tài chính đối với CHDCND Triều Tiên không?
Trả lời:
Việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân đã gây thêm căng thẳng, không có lợi cho hoà bình, ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Chúng tôi mong rằng Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ xem xét một cách thận trọng để đạt được sự đồng thuận về các biện pháp giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên một cách hoà bình, góp phần vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Chúng tôi mong các bên sớm trở lại đàm phán 6 bên, giải quyết các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên, trong đó có vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.