Thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 12/7/07
PHẦN THÔNG BÁO
1. Đoàn Đảng, Nhà nước Việt Nam đi Lào dự dự Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt-Lào và 45 năm Ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt – Lào (16-20/7/2007):
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nước Lào Chum-ma-li Xay-nha-xỏn, đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Việt Nam đi Lào dự Lễ kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào từ ngày 16-20/7/2007. Cùng đi với đoàn có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.
Chuyến đi nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai Nhà nước, khẳng định ý nghĩa quan trọng và thành quả to lớn của hai sự kiện trên, đặc biệt là việc ký kết và thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào trong 30 năm qua cũng như trong thời gian tới.
Trong thời gian ở Lào, đoàn sẽ chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn, Thủ tướng Chính phủ Bua-xỏn Bụp-phả-văn, Chủ tịch Quốc hội Thong-xỉnh Thăm-mạ-vong.
2. Đoàn Phó Chủ tịch nước Lào sang Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt – Lào và 45 năm Ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt – Lào (17/7/2007):
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào (Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) Bun-nhăng Vo-la-chít sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Lào sang Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào từ ngày 16-20/7/2007.
Chuyến đi thể hiện sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước Lào đối với các sự kiện trên, đặc biệt là việc ký và thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt-Lào, đánh dấu bước phát triển quan trọng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong những năm qua, và góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới.
Trong thời gian ở Việt Nam, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào Bun-nhăng Vo-la-chít sẽ có cuộc hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; chào Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
PHẦN TRẢ LỜI CÂU HỎI:
1. Phóng viên Ria Novosti hỏi: Xin cho biết bình luận của Việt Nam về việc Nga và Việt Nam ngày 6/7/2007 đã ký thoả thuận liên quan đến việc Nga gia nhập WTO. Việc đạt được thoả thuận về các điều kiện để hàng hoá hai nước tiếp cận thị trường của nhau có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam nói chung và hợp tác kinh tế-thương mại với Nga nói riêng?
Trả lời:
Việt Nam và Liên bang Nga là đối tác chiến lược và là bạn hàng truyền thống của nhau. Trong vài năm trở lại đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt khoảng 1 tỷ USD. Tuy vậy, quan hệ kinh tế- thương mại vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của Lãnh đạo và nhân dân hai nước. Hiện nay, hai nước còn nhiều cơ hội thuận lợi để tăng cường hợp tác.
Ngày 6/7 vừa qua, bên lề Hội nghị Bộ trưởng thương mại APEC tại Ô-xtrây-li-a, Thứ trưởng Thương mại Việt Nam Nguyễn Cẩm Tú và Thứ trưởng Bộ phát triển kinh tế và thương mại Liên bang Nga Vi-ta-li Xa-vê-li-ép đã ký chính thức Bản ghi nhớ về việc Liên bang Nga gia nhập WTO, trong đó Việt Nam khẳng định hoàn toàn ủng hộ Liên bang Nga gia nhập WTO trong năm 2007 trên cơ sở không phải chịu các điều kiện phân biệt đối xử. Liên bang Nga và Việt Nam công nhận lẫn nhau nền kinh tế thị trường của hai nước.
Việc Nga sớm gia nhập WTO tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại song phương theo những nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế chung, thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường rộng lớn của nhau, góp phần quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế của mỗi nước trong thời kỳ mới.
2. Phóng viên AFP hỏi: Gần đây có một số vụ khiếu kiện tại thành phố Hồ Chí Minh về việc đền bù, giải toả đất đai. Xin cho biết chính quyền sẽ giải quyết việc này thế nào?
Trả lời:
Thời gian qua, để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, đất nông nghiệp ở một số địa phương đã được thu hồi cho việc xây dựng các dự án. Việc thu hồi đất cũng như việc đền bù, tái định cư cho người dân được triển khai theo các quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình của địa phương.
Liên quan đến một số trường hợp khiếu nại của người dân về việc đền bù, giải toả đất đai ở một số địa phương, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương rất quan tâm và tích cực xem xét từng trường hợp cụ thể, sẵn sàng đối thoại và tìm biện pháp giải quyết thoả đáng trên tinh thần tạo thuận lợi cho việc ổn định cuộc sống của người dân, đồng thời, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|