HỌP BÁO THƯỜNG KỲ LẦN THỨ 07
(Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2008)
I. THÔNG BÁO:
1. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao tham dự một số hoạt động của HĐBA Liên hợp quốc (15 - 19/7/2008)
Từ ngày 15 - 19/7/2008, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sẽ tham dự một số hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sẽ chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về vấn đề Trẻ em trong Xung đột vũ trang (CAAC) vào ngày 17/07. Dự kiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon sẽ tham dự phiên thảo luận này.
Trong dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm sẽ có các cuộc tiếp xúc với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Chủ tịch Đại hội đồng và lãnh đạo một số cơ quan của Liên hợp quốc và đại diện một số nước.
2. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 41 (20 - 25/7/2008)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 41, Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC), Tham vấn Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 15 (ARF-15), diễn ra từ ngày 20-24/7/2008 tại Xinh-ga-po.
Tại các hội nghị này, các Ngoại trưởng ASEAN và các nước đối thoại sẽ thảo luận phương hướng và biện pháp thực hiện mục tiêu Cộng đồng ASEAN, chuẩn bị cho Hiến chương ASEAN có hiệu lực, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài và trao đổi ý kiến về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI:
1. Phóng viên Akahata (Nhật Bản): Xin cho biết thông tin quá trình điều tra việc PCI hối lộ cho quan chức Việt Nam trong khuôn khổ các dự án ODA? Lập trường của Việt Nam về việc nước ngoài hợp tác điều tra chống tham nhũng?
Trả lời:
Quan điểm của Việt Nam về vấn đề chống tham nhũng là rất nhất quán. Đảng và Nhà nước Việt Nam coi công tác chống tham nhũng hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng.
Hành vi tham nhũng hối lộ: đưa hối lộ cũng như nhận hối lộ, là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức và chưa nhận được yêu cầu nào từ phía Nhật Bản về vấn đề này.
2. Phóng viên AP (Mỹ): Xin cho biết vì sao Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất không được tham dự lễ tang của Hòa thượng Thích Huyền Quang, Liệu ông Thích Quảng Độ có được phát biểu không ?
Trả lời:
Như tôi đã nhiều lần khẳng định ở Việt Nam không có tổ chức nào mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ban sáng lập Tu viện Nguyên Thiều, môn đồ, pháp quyến và gia đình tổ chức tang lễ cho Đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang theo đúng nghi lễ Phật giáo, phù hợp với truyền thống dân tộc.
Nhân đây tôi cũng chính thức bác bỏ thông cáo báo chí của Tổ chức theo dõi nhân quyền nói nhà nước Việt Nam can thiệp vào tang lễ Hòa thượng Thích Huyền Quang.
Với tư cách là một công dân và một đệ tử phật giáo, ông Thích Quảng Độ sẽ được tham dự lễ tang. Việc tham gia lễ tang là quyền của ông ta.
3. Phóng viên DPA (Đức): Phản ứng của Việt Nam về Thông cáo báo chí của Tổ chức theo dõi nhân quyền nói báo chí bị ngăn cản không được tham dự đưa tin về tang lễ của ông Thích Huyền Quang?
Trả lời:
Các phóng viên báo chí Việt Nam và nước ngoài được tham dự đưa tin tang lễ của Hòa thượng Thích Huyền Quang. Theo tôi biết, nhiều phóng viên nước ngoài tại Việt Nam sẽ tham dự và đưa tin về tang lễ này.