Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ lần thứ 16 năm 2011 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao


     Bộ Ngoại giao
Vụ Thông tin Báo chí

HỌP BÁO THƯỜNG KỲ LẦN THỨ 16
(Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2011)

PHẦN THÔNG BÁO

1. Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước Cộng hòa Phi-líp-pin từ ngày 26-28/10/2011.

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Phi-líp-pin Ben-níc-nô A-ki-nô III (Benigno S. Aquino III), Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Phi-líp-pin từ ngày 26-28/10/2011.

Chuyến thăm Phi-líp-pin lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Phi-líp-pin, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ trao đổi phương hướng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giao dục, văn hóa… và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.  

 2. Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhật Bản. 

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản I-ô-xi-hi-cô Nô-đa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 30/10 – 2/11/2011.

Dự kiến trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trao đổi với lãnh đạo Nhật Bản các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, ODA, du lịch, văn hóa giáo dục… nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

3.  Đoàn Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội chợ ASEAN – Trung Quốc lần thứ 8 tại Quảng Tây và thăm tỉnh Quảng Tây, Phúc Kiến từ ngày 20-24/10/2011.

Nhận lời mời của Chính phủ Trung Quốc và Lãnh đạo tỉnh Quảng Tây, Phúc Kiến (Trung Quốc), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội chợ ASEAN-Trung Quốc lần thứ 8 tại Quảng Tây và thăm hai tỉnh Quảng Tây, Phúc Kiến từ ngày 20-24/10/2011.

Dự kiến Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu tại Khai mạc Hội chợ ASEAN-Trung Quốc, gặp Lãnh đạo Trung Quốc, Lãnh đạo tỉnh Quảng Tây, tỉnh Phúc Kiến để trao đổi về các vấn đề quan hệ song phương và hợp tác với các địa phương Trung Quốc.

4. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội nghị Bộ trưởng Mê Công – Hàn Quốc được tổ chức từ 27-28/10/2011 tại Hàn Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Mê Công – Hàn Quốc lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 27-28/10/2011 tại Seoul (Hàn Quốc). Việt Nam tham gia Hội nghị lần này nhằm tiếp tục đóng góp vào hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Công và hợp tác Mê Công – Hàn Quốc. 

Theo chương trình, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận một số nội dung chính như Củng cố hợp tác kinh tế và phát triển giữa các nước Mê Công và Hàn Quốc; Củng cố hợp tác về các vấn đề chính trị giữa các nước Mê Công và Hàn Quốc; Cơ chế làm việc của hợp tác Mê Công – Hàn Quốc… 

5. Đối thoại chiến lược Việt Nam – Anh lần thứ nhất (24-28/10).

 Trên cơ sở Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Anh (tháng 9/2010), triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Việt Nam – Anh năm 2011, nhận lời mời của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Gê-rê-mi Bờ-rao-nơ (Jeremy Browne), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ thăm Anh và tiến hành Đối thoại chiến lược Việt Nam – Anh lần thứ nhất từ ngày 24-28/10/2011. Hai bên sẽ đánh giá tình hình hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian vừa qua, bước đầu xác định nội dung Kế hoạch hành động năm 2012, trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

PHẦN TRẢ LỜI CÂU HỎI

Câu hỏi:

Đề nghị cho biết ý nghĩa của việc ý nghĩa của việc Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển? Các bước cụ thể tiếp theo là gì?

Trả lời:

 “Việc ký kết “Thỏa thuận về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” có ý nghĩa hết sức quan trọng, là bước tiến tích cực trong quá trình đàm phán giải quyết các vấn đề trên biển. Thỏa thuận đã xác định các nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên liên quan. Để có thể tìm kiếm một giải pháp quá độ tạm thời hay giải pháp lâu dài cho các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đòi hỏi nỗ lực và thiện chí của cả hai bên, cần tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) như đã được nêu trong Thỏa thuận”.

Câu hỏi:

Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam đối với những bình luận của một số báo chí nước ngoài chỉ trích Thỏa thuận về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa qua là một bước rút khỏi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cho rằng Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận sẽ giải quyết song phương các tranh chấp ở Biển Đông, kể cả đối với những khu vực đang tranh chấp giữa nhiều bên?

Trả lời:

“Với Thỏa thuận nêu trên, Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất chỉ giải quyết song phương các tranh chấp trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc; các tranh chấp liên quan đến các nước khác sẽ tiến hành hiệp thương với các nước đó để giải quyết (điểm 3 trong Tuyên bố). Điều này hoàn toàn phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)  và quan điểm nhất quán của Việt Nam về cách thức giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, đó là: những tranh chấp chỉ liên quan đến hai nước sẽ được giải quyết song phương giữa hai nước liên quan; những tranh chấp liên quan đến nhiều nước sẽ được trao đổi, giải quyết giữa tất cả các nước có liên quan; những vấn đề có tính chất khu vực hoặc toàn cầu cần phải có cách tiếp cận giải quyết đa phương thích hợp. Do đó ý kiến cho rằng Thỏa thuận nêu trên là một bước rút khỏi DOC là không có cơ sở”.

Câu hỏi:

Đề nghị cho biết thông tin về nội dung của dự thảo Luật Biển?

Trả lời:

 “Như các quốc gia ven biển khác, việc Việt Nam xây dựng bộ luật điều chỉnh các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng liên quan đến biển là việc cần thiết và bình thường, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Cũng như các dự án luật khác, quá trình xây dựng, xem xét, cho ý kiến và thông qua Luật Biển được tiến hành theo các bước và các trình tự thủ tục xây dựng pháp luật theo đúng quy định của pháp luật. 

Căn cứ vào thực tế quá trình chuẩn bị của dự án luật, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định dự luật nào sẽ được đưa ra thảo luận hoặc thông qua.

Tôi không muốn đề cập tới những vấn đề cụ thể khi mà dự luật này  đang được trình Quốc hội cho ý kiến”./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer