Thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ lần thứ 9 năm 2012 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao
Bộ Ngoại giao
Vụ Thông tin Báo chí
HỌP BÁO THƯỜNG KỲ LẦN THỨ 9
(Hà Nội, ngày 5 tháng 7 năm 2012)
I. THÔNG BÁO
- Đoàn Việt Nam thăm nước ngoài
+ Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự AMM-45/PMC/EAS, ARF-19 (08-13/7/2012)
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 45 (AMM-45) và các Hội nghị liên quan (PMC/EAS, ARF-19) từ 8 – 13/7/2012 tại Phnôm Pênh, Campuchia. Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng sẽ tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công – Nhật Bản, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công – Hàn Quốc, Hội nghị Bộ trưởng Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công lần 5, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Hạ nguồn Mê Công và những người bạn được tổ chức tại Phnom Penh trong dịp này.
Đây là các Hội nghị Bộ trưởng thường niên quan trọng của khu vực nhằm bàn phương hướng, biện pháp thúc đẩy hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, đồng thời trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Tham dự AMM-45 và các Hội nghị liên quan lần này, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN tiếp tục củng cố đoàn kết, hợp tác ASEAN, giữ vững vai trò chủ động, tích cực, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, an ninh khu vực, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác.
- Đoàn nước ngoài thăm Việt Nam
+ Chủ tịch Cu-ba Raul Castro Ruz thăm chính thức Việt Nam (7-10/7/2012)
Nhận lời mời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cu-ba Raul Castro Ruz sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ 7 – 10 /7/2012.
Chuyến thăm nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Lãnh đạo Cu-ba và Việt Nam sẽ trao đổi các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Cu-ba; tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế.
+ BTNG Nhật Bản thăm Việt Nam (13 – 14/7/2012)
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Gemba Koichiro sẽ thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban hợp tác Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 4 từ 13 – 14/7/2012.
Chuyến thăm nhằm củng cố, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản, đưa các nội dung hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; tăng cường phối hợp trên các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên cũng sẽ thảo luận về việc phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm Năm Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản 2013.
+ BTNG Sri Lanka thăm Việt Nam (16 – 18/7/2012)
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Gamini Lakshman Peiris sẽ thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần 3 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Sri Lanka về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật từ 16 – 18/7/2012.
Hai bên sẽ kiểm điểm lại tình hình hợp tác giữa hai nước kể từ Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp lần 2 (năm 2009) đến nay và đề ra phương hướng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trong thời gian tới. Hai bên cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA PHÓNG VIÊN
1. Câu hỏi: Ngày 3/7, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố việc Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) đã công nhận quy chế Kinh tế thị trường của Việt Nam và khởi động đàm phán FTA Việt Nam – EFTA. Xin cho biết ý nghĩa của sự kiện này?
Trả lời:
“Việc các nước thuộc Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm Nauy, Thụy Sỹ, Ai-xơ-len và Lích-tên-xtên công nhận quy chế Kinh tế Thị trường của Việt Nam cùng với khởi động đàm phán FTA là một bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và EFTA trong giai đoạn mới, đặc biệt về kinh tế - thương mại, tạo khuôn khổ mới giúp mở rộng, làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi Việt Nam – EFTA với tư cách là những đối tác bình đẳng.
Đồng thời, việc EFTA lần đầu tiên công nhận với tư cách cả khối quy chế Kinh tế Thị trường của Việt Nam một lần nữa thể hiện sự ủng hộ tích cực, rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam.”
2. Câu hỏi: Xin cho biết trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN và Diễn đàn an ninh ASEAN sắp tới, Việt Nam có đề xuất sáng kiến gì trong việc thúc đẩy hòa bình ổn định và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông?
Trả lời:
“Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là quan tâm chung của ASEAN cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới.
Lập trường thống nhất của ASEAN là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Các hội nghị lần này là diễn đàn quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Do đó, hội nghị sẽ thảo luận các vấn đề được các bên quan tâm.
Là thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các nước ASEAN đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.”
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|