Ngày 17/8/2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:
I. THÔNG BÁO
1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Thái Lan (17-19/8/2017)
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Pra-dút Chan-o-cha (Prayuth Chan-o-cha), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Vương quốc Thái Lan từ ngày 17-19/8/2017. Đây là chuyến thăm chính thức Thái Lan đầu tiên của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.
Chuyến thăm nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan.
Trong chuyến thăm, hai bên sẽ cùng thảo luận, đánh giá về những hoạt động hợp tác song phương thời gian qua; trao đổi các phương hướng và thống nhất các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới; trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Pra-dút Chan-o-cha, hội kiến đại diện Hoàng gia Thái Lan, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Quốc gia, tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Thái Lan – Việt Nam, dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thái Lan tại Bangkok, Diễn đàn doanh nhân Việt kiều và doanh nghiệp vùng Đông bắc Thái Lan, khai mạc Tuần lễ hàng Việt Nam tại tỉnh Nakhon Phanom và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.
2. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thăm chính thức Việt Nam (22-24/8/2017)
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bi-na-li In-đi-rim sẽ thăm Việt Nam từ ngày 22-24/8/2017. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bi-na-li In-đi-rim dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hội kiến với Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai bên sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, môi trường, du lịch và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
3. Tổng Giám đốc UNESCO thăm chính thức Việt Nam (24-27/8/2017)
Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) Irina Bokova sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-27/8/2017.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – UNESCO thời gian qua phát triển tốt đẹp và hiệu quả trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thông tin, truyền thông và văn hóa. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của bà Irina Bokova, hai bên sẽ thảo luận về việc tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO, triển khai Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2016-2020, từ đó đề xuất thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cụ thể. Nhân dịp này, phía UNESCO dự kiến sẽ ký kết với Bộ Khoa học và Công nghệ Thỏa thuận thành lập Trung tâm dạng II của UNESCO về Toán và Vật Lý.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova dự kiến sẽ hội kiến Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam, thăm và làm việc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp APEC và các cuộc họp liên quan (18-30/8/2017)
Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp APEC và các cuộc họp liên quan (gọi tắt là SOM 3) sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18-30/8/2017.
Hội nghị SOM 3 có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác của APEC, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng và liên kết của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. SOM 3 sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung ưu tiên hợp tác của APEC trong năm 2017. SOM 3 và các cuộc họp liên quan còn có ý nghĩa then chốt trong việc xác định chương trình hoạt động, nghị sự và hướng các văn kiện dự kiến trình lên các nhà Lãnh đạo cấp cao trong TLCC APEC vào tháng 11 sắp tới cũng như các Hội nghị Bộ trưởng sắp tới.
Trong khuôn khổ SOM 3 sẽ diễn ra 75 cuộc họp của 4 Ủy ban, 26 Nhóm công tác và các tiểu nhóm. Các hoạt động nổi bật trong đợt hội nghị này gồm:
(i) Đối thoại chính sách cao cấp về Y tế và Kinh tế và các cuộc họp liên quan của Nhóm công tác về Y tế (ngày 24/8).
(ii) Đối thoại các quan chức cao cấp về các FTAs và RTAs trong khu vực (27/8) nhằm trao đổi kinh nghiệm và thông tin về các vấn đề liên quan đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận thương mại tự do khu vực (RTA).
(iii) Hội thảo phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội (ngày 28/8) nhằm thảo luận về việc thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và chương trình nghị sự APEC về tăng cường phát triển bao trùm. Hoạt động này là sáng kiến của Việt Nam.
(iv) Hội nghị SOM 3 (ngày 29 – 30/8) thảo luận công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017; triển khai các ưu tiên APEC 2017; tiến triển trong việc triển khai các ưu tiên APEC 2017 tại các ủy ban, nhóm công tác.
Trong dịp này từ ngày 21-25/8 cũng sẽ diễn ra Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Thành phố Cần Thơ.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Câu hỏi: Bộ Ngoại giao Mỹ vừa ra báo cáo tự do tôn giáo 2016. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về báo cáo này.
Trả lời:
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế. Chính điều này đã tạo nên một đời sống tôn giáo, tín ngưỡng hết sức phong phú, sinh động ở Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2016, có hiệu lực vào tháng 01/2018.
Chúng tôi ghi nhận Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có một số điều chỉnh sát với tình hình thực tế ở Việt Nam. Song đáng tiếc, Báo cáo vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam.
2. Câu hỏi: Gần đây báo chí quốc tế đưa tin Việt Nam vừa nhận lô tên lửa Brahmos của Ấn Độ. Xin Người phát ngôn xác nhận thông tin trên.
Trả lời:
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đã và đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, an ninh – quốc phòng… Hợp tác an ninh – quốc phòng giữa hai nước đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, chúng tôi kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ. Việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam là phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước.
Về câu hỏi cụ thể của phóng viên, chúng tôi sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng liên quan.