Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 4 năm 2021

I. THÔNG BÁO

1. Diễn đàn ASEAN – Úc lần thứ 33

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam sẽ tham dự Diễn đàn ASEAN – Úc thường niên cấp Thứ trưởng lần thứ 33 vào ngày 17/3/2021 theo hình thức trực tuyến.

Đây là dịp để quan chức cấp cao các nước ASEAN và Úc triển khai các thỏa thuận hợp tác được Lãnh đạo hai bên nhất trí tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Úc tháng 11 năm 2020, định hướng quan hệ ASEAN – Úc trong năm 2021 và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

2. Họp báo về chương trình Kỳ họp thứ 11, quốc hội khóa XIV

Thực hiện Nội quy Kỳ họp Quốc hội và triển khai Kế hoạch tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa XIV, dự kiến ngày 23/3/2021, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sẽ chủ trì Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV địa điểm tại Trung tâm Báo chí, Nhà Quốc hội.

Như thường lệ, Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ các bạn phóng viên nước ngoài đăng ký tham dự cuộc họp báo này. Các bạn có thể đăng ký với Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Tân Hoa Xã: Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII của Trung Quốc (chiều 11/3) đã biểu quyết thông qua Quyết định hoàn thiện chế độ bầu cử tại Đặc khu hành chính Hồng Kông. Cá biệt một số quốc gia đã chỉ trích Trung Quốc, cho rằng việc này sẽ phá hoại chế độ dân chủ của Hồng Kông. Xin hỏi, Việt Nam bình luận như thế nào về vấn đề trên?

Lập trường của Việt Nam về tình hình Hồng Công đã được nêu rõ. Việt Nam tôn trọng và ủng hộ chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc, Luật cơ bản và các quy chế liên quan của Hồng Công. Các vấn đề liên quan đến Hồng Công là công việc nội bộ của Trung Quốc. Việt Nam luôn mong muốn Hồng Công được ổn định và phát triển thịnh vượng.

2. Zing: Đề nghị Người Phát ngôn bình luận về tài liệu “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời” mà chính quyền Biden vừa công bố, đặc biệt là phần quan điểm về khu vực châu Á -Thái Bình Dương?

Hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều ý tưởng, sáng kiến hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do các quốc gia trong và ngoài khu vực đề xuất.

Quan điểm của Việt Nam là Việt Nam luôn mong muốn và hoan nghênh các sáng kiến ở khu vực góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước, bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

3. Zing: Đề nghị Người Phát ngôn bình luận về các diễn biến gần đây tại Myanmar?

Chúng tôi rất quan ngại về tình trạng bạo lực và thương vong tiếp tục gia tăng tại Myanmar trong những ngày gần đây. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thông qua đối thoại hoà bình để giải quyết các bất đồng; mong muốn Myanmar sớm ổn định, vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hoà bình, ổn định ở khu vực.

Việt Nam cũng chia sẻ lập trường chung của ASEAN đã được nêu tại Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về diễn biến ở Myanmar ngày 01/02/2021, cũng như trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về kết quả Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 02/3/2021 vừa qua trong đó nhấn mạnh đến việc tuân thủ Hiến chương ASEAN; ủng hộ đối thoại, hòa giải và mong muốn tình hình ở Myanmar sớm trở lại bình thường phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN khác nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Myanmar. Việt Nam cũng đã yêu cầu Myanmar đảm bảo an toàn tính mạng và các lợi ích chính đáng của người dân cũng như doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.

Cũng xin thông tin về tình hình công dân Việt Nam tại Myanmar. Theo chúng tôi được biết, hiện còn khoảng 600 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Myanmar. Trong bối cảnh tình hình phức tạp tại Myanmar hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã và đang theo dõi sát tình hình, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, các đầu mối cộng đồng người Việt Nam ở Myanmar, cập nhật thông tin, kịp thời đưa ra các khuyến cáo đối với công dân, đồng thời cũng sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Trong trường hợp cần trợ giúp hoặc có thông tin về công dân Việt Nam gặp nạn tại Myanmar, có thể liên hệ trực tiếp với đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar hoặc thông qua Tổng đài Bảo hộ công của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

4. Zing: Đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo Bộ Tứ trong tuần này?

Quan điểm của Việt Nam là Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến tình hình tại khu vực, trong đó có chính sách đối ngoại của các nước lớn.

Việt Nam mong rằng các nước cần tiếp tục đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới, duy trì hợp tác và tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình.

5. CNA: Đài Loan đang xem xét cùng với một số nước thúc đẩy mô hình “bong bóng du lịch” và Việt Nam do làm tương đối tốt công tác phòng chống dịch nên được đưa vào danh sách này. Vậy xin hỏi phía Việt Nam có bình luận gì về việc này, Việt Nam có sẵn sàng cùng với Đài Loan thảo luận để thúc đẩy mô hình “bong bóng du lịch” nhằm sớm khôi phục việc đi lại bình thường của người dân hai bên hay không?

Nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng Việt Nam đã và đang trao đổi với một số đối tác có hệ số an toàn cao về việc triển khai nối lại đường bay thương mại, thường lệ giữa Việt Nam và các đối tác này. Đối với một số đối tác khác có mong muốn mở lại đường bay thương mại tới Việt Nam, các cơ quan chức năng ngành hàng không của Việt Nam cũng đang nghiên cứu và trao đổi về quy trình cũng như thời điểm cụ thể.

Đối với Đài Loan, ngày 15/9/2020 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý với các phương án nối lại chuyến bay thương mại quốc tế với Đài Loan. Theo tôi được biết các cơ quan hàng không của hai bên cũng đã trao đổi và cơ bản đã thống nhất về quy trình, thủ tục. Trước mắt, các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại gồm: công dân Việt Nam và thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam; người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân nhân; chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế. Người nhập cảnh phải tuân thủ các điều kiện kiểm dịch y tế, xét nghiệm sau khi nhập cảnh và thực hiện cách ly 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các cơ quan chức năng cần trao đổi kỹ về thời điểm mở lại đường bay thương mại phù hợp với tình hình dịch trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

6. CNA: Gần đây có chuyên gia đề xuất Việt Nam áp dụng biện pháp hộ chiếu vắc xin nhằm hy vọng có thể mở cửa trở lại cho khách du lịch quốc tế vào nửa cuối năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao cho các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp phù hợp. Vậy xin hỏi tiến độ của việc này ra sao, liệu Việt Nam thực sự có thể mở cửa trở lại cho khách du lịch quốc tế vào nửa cuối năm nay hay không?

Chúng tôi được biết việc áp dụng hộ chiếu vắc xin là biện pháp đã được một số nước trên thế giới áp dụng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân phúc Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam, các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu, tìm hiểu và sẽ kiến nghị điều chỉnh quy định xuất nhập cảnh phù hợp với diễn biến tình hình.

Việc mở cửa, từng bước khôi phục đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển du lịch phải đảm bảo được yêu cầu về kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.

7. Báo TG&VN: Đề nghị Người Phát ngôn bình luận về báo cáo của Tổ chức Freedom House cho biết Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia không có quyền tự do?

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 cũng như nhiều văn bản pháp luật liên quan. Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và triển khai nhiều biện pháp cụ thể để đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về quyền con người.

Có thể nêu một ví dụ điển hình là trong khuôn khổ cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (năm 2019), các nước quan tâm đã tham gia đông đảo tại các phiên họp; đại đa số ý kiến các nước đã đánh giá cao nỗ lực và thành tựu, ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam và đưa ra những khuyến nghị có tính chất xây dựng.

8. Sputnik: Liên quan đến vụ việc tấn công tình dục phụ nữ nước ngoài ở hồ Tây, mới nhất vào ngày 5/3, Công an thành phố Hà Nội đã triệu tập 3 nghi phạm liên quan. Đề nghị Người phát ngôn cung cấp thêm thông tin liên quan đến vấn đề này, cũng như có biện pháp gì để tuyên truyền đến cộng đồng người nước ngoài?

Ngay sau khi nhận được phản ánh từ một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội về các vụ việc phụ nữ nước ngoài bị tấn công, Bộ Ngoại giao đã ngay lập tức trao đổi với các cơ quan đại diện ngoại giao liên quan, đồng thời có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng của phía Việt Nam, trong đó có  Công an thành phố Hà Nội đề nghị phối hợp tìm hiểu, xác minh các vụ việc và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, vừa là để răn đe, ngăn chặn xảy ra những vụ việc tương tự cũng như đảm bảo sự an toàn, an ninh cho người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội.

Như báo chí đã đưa tin, vừa qua, Công an Thành phố Hà Nội đã làm rõ, và triệu tập một số đối tượng nghi vấn đến để làm việc. Chúng tôi cũng được biết, bước đầu các đối tượng cũng đã khai nhận các hành vi liên quan đến vụ việc nêu trên. Công an quận Tây Hồ (nơi xảy ra nhiều vụ việc) cũng đã có các biện pháp tuyên truyền đến người dân, nhất là những hộ có nhà cho người nước ngoài thuê để ổn định tình hình, cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Một lần nữa, xin khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho người dân trong nước và cộng đồng người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam, phát hiện và xử ý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Là những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, qua thời gian, tôi tin rằng các bạn cũng chia sẻ về chủ trương chính sách của Việt Nam, đặc biệt là lòng hiếu khách của người dân Việt Nam.

9. Sputnik: Ngày 7/3, trả lời câu hỏi của NBC về việc liệu Trung Quốc có cân nhắc nhượng bộ với Hoa Kỳ trong các vấn đề từ Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương, Hong Kong và Tây Tạng để ổn định quan hệ giữa 2 nước hay không? Ông Vương Nghị trả lời rằng “các vấn đề nêu ra hầu hết là vấn đề nội bộ của Trung Quốc”. Xin Người Phát ngôn bình luận về điều này, đặc biệt là Biển Đông?

Lập trường về những vấn đề như bạn nêu đều đã được nêu rõ nhiều lần.

Riêng đối với vấn đề Biển Đông, một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với luật pháp quốc tế Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

10. Sputnik: Xin Người Phát ngôn cho biết 5 trường hợp phản ứng sau tiêm vaccine Covid Astra Zeneca, đặc biệt 2 trường hợp có phản vệ độ 2 liệu có được tiếp tục tiêm lần 2 hay không?

Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết đến hết ngày 09/3/2021, đã có 522 người được tiêm vắc xin Covid-19, trong đó có ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết đều là phản ứng đã được khuyến cáo từ trước như đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu…Có 5 trường hợp được theo dõi, xử trí tại bệnh viện. Sức khỏe của tất cả các trường hợp trên hiện đã ổn định.

Theo quy định của Bộ Y tế, do vắc xin Covid-19 là loại vắc xin mới, người được tiêm phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế, phải được khám sàng lọc và đáp ứng đầy đủ các điều kiện sức khỏe theo quy định trước khi tiến hành tiêm.

11. VnExpress: Xin Người phát ngôn cho biết phản ứng trước thông tin Trung Quốc tổ chức diễn tập trái phép ở đảo Tri Tôn thuộc quần Hoàng Sa của Việt Nam hồi tháng 3?

Một lần nữa phải khẳng định là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này; gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quan hệ, hoà bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông.

12. VTC: Quan điểm của Việt Nam về việc nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức gửi tàu chiến tới Biển Đông?

Duy trì hoà bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Hoạt động của các quốc gia ở Biển Đông cần phải đóng góp vào mục tiêu chung này.

13. VTC: Gần đây có thông tin Mỹ chuẩn bị chuyển giao tàu tuần duyên cho Việt Nam. Xin Người Phát ngôn bình luận về thông tin này?

Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian qua duy trì đà tiến triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh – quốc phòng. Trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên, trong đó có thể kể đến Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng 2011, Tuyên bố về tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng năm 2015 và kế hoạch hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018 – 2020, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có hợp tác an ninh hàng hải và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như quốc tế.

14. Phoenix: Từ đầu tháng 3 đến nay, báo chí trong nước liên tiếp đưa tin về việc nhiều địa phương Việt Nam bắt giữ nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, số lượng này có thể đã lên đến hàng trăm. Xin hỏi tình hình những người này giờ ra sao và họ sẽ được xử lý như thế nào? Các báo chí cũng chỉ ra rằng họ đi theo đường dây của người Việt Nam trong nước để sang Campuchia lao động bất hợp phát. Vậy xin hỏi những cá nhân hay tổ chức có liên quan sẽ bị xử lý như thế nào?

Trong thời gian gần đây, tại một số địa phương đã phát hiện một số trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Trên tinh thần nhân đạo, tất cả những người này đều được xét nghiệm Covid-19, được điều trị (nếu mắc bệnh), cách ly y tế và xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam sau khi kết thúc quá trình cách ly.

Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng nước ngoài đặc biệt là các nước có chung đường biên giới, trong đó có Trung Quốc để có các biện pháp quản lý tốt hơn và ngăn chặn việc xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh, ngăn chặn các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép; rà soát việc kiểm soát xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới, kể cả đường mòn, lối mở và ở các thành phố lớn; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có sai phạm, có hành vi tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép.

Các cơ quan chức năng Việt Nam đã tiến hành điều tra và xét xử nghiêm minh một số trường hợp người Việt Nam về tội tổ chức, môi giới cho người nước khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam một cách trái phép. Báo chí Việt Nam cũng đã đưa tin công khai về việc này./.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn