Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 13 tháng 09 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Họp báo thường kỳ ngày 8/8/2024


THÔNG BÁO

1. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Nhật Bản, đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản(từ ngày 07 - 10/8/2024).

 Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko (Ca-mi-ca-oa I-ô-cô), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có thăm chính thức Nhật Bản và đồng chủ trì họp Ủy ban hợp tác Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 12 từ ngày 07-10/8/2024.

Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại Châu Á và trên thế giới năm 2023, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước mở rộng trao đổi đoàn trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và Quốc hội và Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hai nước đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục – đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân, địa phương; mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bán dẫn…; đồng thời phối hợp chặt chẽ hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN…

Chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhằm thúc đẩy triển khai cụ thể Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ và các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Ngày 07/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko; đồng thời gặp một số lãnh đạo Nhật Bản. Trong những ngày tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ tiếp tục có những hoạt động đối ngoại quan trọng khác tại Nhật Bản.

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Tuổi trẻ: Xin cho biết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông, Myanmar và Bangladesh. Bộ Ngoại giao đánh giá tình hình căng thẳng tại khu vực ra sao và đã có phương án gì để bảo hộ công dân?

Theo thông tin của các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông, Băng-la-đét và Mi-an-ma cho đến nay, tình hình công dân Việt Nam tại các nước trên vẫn an toàn và ổn định.

Liên quan đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại khu vực Trung Đông trong đó có Li-băng, I-ran và I-xra-en, trước tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 5/8/2024, Bộ Ngoại giao đã ra cảnh báo công dân Việt Nam không nên đến Li-băng, I-ran và I-xra-en trong thời điểm này; cần sớm sơ tán người và tài sản trong trường hợp đang ở Li-băng đến nước thứ ba hoặc về Việt Nam cũng như tuân thủ các quy định và hướng dẫn về các biện pháp bảo vệ an ninh an toàn của chính quyền sở tại.

Liên quan đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Băng-la-đét, trước tình hình biểu tình diễn biến phức tạp, ngày 7/8/2024, Bộ Ngoại giao đã có khuyến cáo công dân Việt Nam cân nhắc không đến Băng-la-đét vào thời điểm này nếu không thực sự cần thiết; công dân Việt Nam tại Băng-la-đét cần tăng cường các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình, hạn chế đi lại tại các khu vực tập trung đông người, có khả năng diễn ra biểu tình.

Liên quan đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Mi-an-ma, Bộ Ngoại giao tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam nếu không thật sự cần thiết, không nên đến hoặc tránh đến khu vực bang Shan và bang Kayin, Mi-an-ma; nếu đang ở khu vực bang Shan và bang Kayin, Mi-an-ma cần nhanh chóng có phương án chủ động sơ tán an toàn người và tài sản đến khu vực an toàn hoặc về Việt Nam.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại khu vực Trung Đông, Băng-la-đét, Mi-an-ma đã đề nghị các cơ quan chức năng sở tại bảo đảm an toàn tối đa cho các công dân Việt Nam; chủ động xây dựng và triển khai các phương án bảo hộ công dân tại chỗ; giữ liên lạc, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo, hỗ trợ công dân đến khu vực an toàn.

Công dân Việt Nam tại các nước trên cần thường xuyên theo dõi những thông tin của chính quyền sở tại, cảnh báo của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để phản ứng kịp thời. Trong trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ với đường dây nóng Bảo hộ công dân của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

2. Reuters: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Campuchia khởi công xây dựng kênh đào Funan Techo?

Sông Mê Công là tài sản vô giá, là điểm kết nối tinh thần đoàn kết hữu nghị đặc biệt của ba nước Việt Nam – Campuchia – Lào. Việt Nam mong muốn các quốc gia ven sông, trong đó có Campuchia, cùng nhau hợp tác quản lý, phát triển hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mê Công vì lợi ích cộng đồng người dân trên lưu vực, vì tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông.

Trên cơ sở đó, Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia và tôn trọng việc Campuchia triển khai Dự án Kênh đào Funan Techo, đồng thời mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện về những tác động của dự án và có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động./.


 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer