Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 30 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Họp báo thường kỳ 14/2024


THÔNG BÁO

1. Bộ trưởng Ngoại giao Chi-lê thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 25-27/8/2024)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Chi-lê Alberto Van Klaveren (An-béc-tô Van Cơ-la-ve-ren) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25-27/8/2024. Đây là lần đầu tiên ông Alberto Van Klaveren thăm Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Chi-lê.

Quan hệ Việt Nam - Chi-lê thời gian qua tiếp tục được duy trì, thúc đẩy thông qua trao đổi đoàn, gặp gỡ, tiếp xúc. Các cơ chế Tham khảo chính trị và Hội đồng Thương mại tự do hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Chi-lê là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại khu vực Mỹ La-tinh với kim ngạch hai chiều đạt từ 1,5 đến 2 tỷ USD trong những năm gần đây. Hai bên đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai bên ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Chi-lê nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và truyền thống và Đối tác toàn diện Việt Nam – Chi-lê, tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng như thương mại, nông nghiệp, văn hóa, du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu… đồng thời nhằm phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.

Dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Chi-lê sẽ hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và tham dự một số hoạt động đối ngoại quan trọng khác.

2. Bí thư Quảng Tây Lưu Ninh thăm Việt Nam (từ ngày 26 – 30/8/2024)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Lưu Ninh sẽ thăm làm việc tại Việt Nam từ ngày 26 – 30/8/2024.

Thời gian qua, cùng với đà phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, quan hệ giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương Việt Nam với Quảng Tây phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân… Chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với Quảng Tây, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai bên, đóng góp chung cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bí thư Quảng Tây Lưu Ninh sẽ hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chào Lãnh đạo Việt Nam và làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.

II.TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. VOV: Đề nghị Người Phát ngôn cho biết kết quả nổi bật của chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm?

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, góp phần thúc đẩy quan trọng đối với việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.

Chuyến thăm đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước đều khẳng định sự coi trọng quan hệ song phương; đều coi việc ưu tiên phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là lựa chọn chiến lược; đều khẳng định ủng hộ nhau thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước. Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao đã đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai nước trong các chuyến thăm gần đây, tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc theo định hướng “6 hơn”: tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác an ninh – quốc phòng thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn, góp phần đưa quan hệ hai nước đạt nhiều thành quả thực chất hơn nữa, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thứ hai, hai bên đã trao đổi về định hướng hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như ngoại giao, quốc phòng, an ninh; mở rộng hợp tác kết nối giữa sáng kiến “Vành đai con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai”…. Hai bên nhất trí tạo thuận lợi về thương mai, mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Hai bên khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

Thứ ba, hai bên nhất trí lấy năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt – Trung” và cùng tổ chức những chuỗi hoạt động chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc.

Thứ tư, hai bên tăng cường điều phối, hợp tác đa phương; tăng cường hợp tác trong các cơ chế như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương…
Thứ năm, hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển trên cơ sở tuân thủ nhận thức chung cấp cao, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và thỏa thuận liên quan, tăng cường hợp tác tại khu vực biên giới trên bộ Việt Nam – Trung Quốc.

Nhân dịp này, các bộ, ngành và địa phương hai nước đã ký kết tổng cộng 16 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kết nối liên thông, công nghiệp, kiểm nghiệm kiểm dịch hải quan, y tế, báo chí truyền thông, hợp tác địa phương và dân sinh.

2. Dân Việt: Xin Người Phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin xuyên tạc liên quan đến khu vực Tam giác phát triển Campuchia -  Lào – Việt Nam?

Mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị gắn bó và tin cậy giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam là di sản quý báu đối với cả ba dân tộc, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của mỗi nước và cả ba nước, góp phần vào sự phát triển của Cộng đồng chung ASEAN.

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam đã giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, giao lưu nhân dân giữa ba nước, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân ba nước, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực này. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Campuchia và Lào tổ chức tốt Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, dự kiến trong tháng 12/2024 tại Campuchia.

3. Dân Việt: Báo chí Anh đưa tin Bộ Ngoại giao Anh khuyến cáo công dân nước này đến Việt Nam có thể bị tịch thu hộ chiếu, cấm xuất cảnh. Đề nghị Người Phát ngôn cho biết thông tin và bình luận về việc này?

Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những thông tin sai sự thật này.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là luôn tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho công dân nước ngoài đến Việt Nam với mục đích học tập, làm việc, đầu tư, tìm hiểu thị trường và du lịch, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Thanh niên: Đề nghị cho biết tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ và công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam?

Vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra thông báo bệnh Mpox (đậu mùa khỉ) là tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp toàn cầu do sự gia tăng nhanh chóng của bệnh này tại nhiều quốc gia Châu Phi.

Để chủ động phát hiện kịp thời các ca bệnh trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh. Ngày 19/8/2024, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; chuẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ; phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, Việt Nam tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, các trường hợp tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế công lập và tư nhân. Đồng thời, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đầu mùa khỉ, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; rà soát, cập nhật kế hoạch, các kịch bản phòng, chống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá, theo dõi sát tình hình để kịp thời có các biện pháp phòng chống dịch cần thiết, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân. 

5. Tuổi trẻ: Chúng tôi vừa nhận được thông tin liên quan đến việc bà Trần Tố Nga kiện các công ty sản xuất chất độc da cam của Hoa Kỳ. Theo đó, Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết bất lợi cho bà Trần Tố Nga. Xin Người Phát ngôn cho biết bình luận của Việt Nam về việc này?

Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris về vụ kiện này.

Chúng tôi đã nhiều lần nêu quan điểm về vấn đề này. Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng những hậu quả nặng nề vẫn còn tác động sâu sắc đến đất nước và người dân Việt Nam, trong đó có những hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin.

Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin yêu cầu các công ty hóa chất sản xuất và cung cấp chất độc da cam/dioxin cho Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam khiến hàng triệu người Việt Nam là nạn nhân, có trách nhiệm khắc phục hậu quả đã gây ra./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer