Thông cáo báo chí số 6/2005
THÔNG CÁO BÁO CHÍ P R E S S R E L E A S E |
VỤ THÔNG TIN BÁO CHÍ - BỘ NGOẠI GIAO NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM
Press & Information Department, Ministry of Foreign Affairs of SR of Vietnam
7 Chu Văn An - Hà Nội, Điện thoại: 199 2516, Fax: 823 4137
Số: 06/TCBC-NGĐ Ngày: 15/04/2005
_________________________________________________________________________________________________________________________________
I- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO CHÍNH NỬA ĐẦU THÁNG 04/2005
(Theo thứ tự thời gian)
ĐOÀN VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI
Từ ngày 28-30/03/2005, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Văn Bàng đã thăm làm việc tại Ca-na-đa.
Từ ngày 1-4/04/2005, nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Nát-oa Xinh, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên đã thăm chính thức Cộng hoá Ấn Độ.
Từ ngày 3-8/04/2005, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được dẫn đầu đã tham dự Kỳ họp lần thứ 112 Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), tổ chức tại Ma-ni-la, Phi-lip-pin.
Từ ngày 4-5/04/2005, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Phân ban Việt Nam dẫn đầu đã tham dự kỳ họp thứ 10 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Liên Bang Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật tổ chức tại Mát-xcơ-va, Liên bang Nga.
Từ ngày 4-7/04/2005, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên đã tham dự Diễn đàn đối thoại hợp tác châu Á lần thứ 4 tổ chức tại Ít-xla-ma-bát, Pa-kix-tan.
Từ ngày 4-8/04/2005, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Bộ trưởng Công an, Đại tướng Lê Hồng Anh dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Lào.
Ngày 6/04/2005, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 9 (AFMM-9) tổ chức tại Viêng Chăn, Lào.
Từ ngày 8-11/04/2005, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Bộ trưởng Công an, Đại tướng Lê Hồng Anh dẫn đầu đã thăm hữu nghị chính thức Cam-pu-chia.
Từ ngày 8-12/04/2005, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên đã tham dự Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tổ chức tại Xê-bu, Phi-líp-pin.
Từ ngày 9-14/04/2005, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được dẫn đầu đã thăm Hàn Quốc.
ĐOÀN NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
Từ ngày 4-6/04/2005, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn An, đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Liên bang của CHLB Đức do Chủ tịch Hội đồng Ma-thi-át Pla-đếch dẫn đầu đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
Từ ngày 06-07/04/2005, nhận lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà, đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Ô-xtrây-li-a do Bộ trưởng Quốc phòng Rô-bớt Hin dẫn đầu đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
Từ ngày 07-08/04/2005, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Thủ tướng Liên bang Mi-an-ma Xô Uyn đã thăm chính thức Việt Nam.
4) Từ ngày 09-13/04/2005, Thứ trưởng Ngoại giao Na-uy X.Cla-hem đã thăm chính thức Việt Nam.
II- NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM, ÔNG LÊ DŨNG TRẢ LỜI PHÓNG VIÊN (theo thứ tự thời gian)
Ngày 03 tháng 04 năm 2005,
Câu hỏi: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Giáo hoàng John Paul II qua đời ngày 2/4/2005?
Trả lời: Được tin Giáo hoàng John Paul II qua đời, chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới Tòa thánh Vatican, cộng đồng giáo dân trên thế giới và bà con theo đạo Thiên chúa ở Việt Nam.
Ngày 07 tháng 04 năm 2005,
1. AFP, Times: Đề nghị cho biết những đóng góp của Giáo hoàng John Paul II vào sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Vatican cũng như bình luận của Việt Nam về sự đóng góp này? Việt Nam và Vatican đã tiến gần tới mức nào trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trả lời: Tuy chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican thời gian qua đã có những tiến triển tích cực và thực chất. Đây là tiền đề có ý nghĩa cho sự phát triển tiếp theo của quan hệ giữa Việt Nam và Vatican. Hai bên thường xuyên duy trì các cuộc gặp gỡ, đối thoại và tiếp xúc. Thông qua các cuộc tiếp xúc, sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican ngày càng được gia tăng, góp phần cải thiện quan hệ giữa hai bên. Hai bên nhất trí cần tiếp tục các nỗ lực, trao đổi ý kiến, xác định những bước đi thích hợp để có thể đi xa hơn nữa trong quan hệ.
Với tư cách là người đứng đầu Tòa thánh, Giáo hoàng John Paul II đã đóng góp quan trọng cho sự tiến triển quan hệ giữa Việt Nam và Vatican. Chúng tôi hy vọng rằng sự ra đi của Giáo hoàng John Paul II không ảnh hưởng tới quá trình này.
2. AFP: Đề nghị cho biết Chính phủ Việt Nam cử ai sang dự tang lễ của Giáo hoàng John Paul II tại Roma? Xin cho biết thời gian đoàn đi?
Trả lời: Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Cộng hòa I-ta-li-a Lê Vĩnh Thử sẽ thay mặt Nhà nước Việt Nam viếng và ghi sổ tang tại Tòa thánh Vatican. Đại sứ Việt Nam tại các nước có cơ quan đại diện của Tòa thánh Vatican cũng đến ký sổ tang tại cơ quan đại diện ngoại giao của Tòa thánh ở nước đó.
3. AFP, DPA: Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mi-an-ma, Việt Nam có bày tỏ quan điểm của mình trong vấn đề Mi-an-ma có thể làm chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm tới không? Quan điểm của Việt Nam về chức Chủ tịch ASEAN của Mi-an-ma? Việt Nam có ủng hộ Mi-an-ma giữ chức Chủ tịch không?
Trả lời: Nhận lời mời của Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Mi-an-ma, Trung tướng Xô Uyn (Soe Win) thăm chính thức Việt Nam từ ngày 7-8/4/2005. Đây là chuyến thăm theo thông lệ của các nhà lãnh đạo các nước ASEAN sau khi nhậm chức.
Hôm nay, Thủ tướng Phan Văn Khải đã hội đàm với Thủ tướng Xô Uyn. Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước những phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hai nước trong thời gian qua và quyết tâm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hai bên đã thảo luận về phương hướng và các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.
Trong cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến về một số vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Hai Thủ tướng cũng nhất trí tăng cường hợp tác, tham khảo ý kiến lẫn nhau trong khuôn khổ ASEAN nhằm củng cố đoàn kết, nâng cao vai trò, vị thế ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Là một nước trong khu vực có quan hệ hữu nghị, hợp tác với Mi-an-ma, Việt Nam luôn quan tâm sâu sắc và ủng hộ các nỗ lực thực hiện tiến trình hoà giải hoà hợp dân tộc ở Mi-an-ma phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân Mi-an-ma.
Liên quan đến chức Chủ tịch ASEAN của Mi-an-ma nhiệm kỳ 2006-2007, đây là vấn đề được các nước thành viên ASEAN quan tâm. Đây cũng sẽ là một trong các nội dung làm việc của Hội nghị hẹp cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Phi-lip-pin.
Việc giữ chức Chủ tịch ASEAN là nguyên tắc luân phiên giữa các quốc gia thành viên. Chúng tôi tin tưởng rằng vấn đề này sẽ được các nước ASEAN thảo luận trên nguyên tắc "đồng thuận”, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và phù hợp với thông lệ của Hiệp hội.
Ngày 12 tháng 04 năm 2005,
AFP: Nhân Hội nghị cấp cao Á-Phi sắp tới, xin đề nghị cho biết Việt Nam đánh giá thế nào về vai trò của Phong trào Không Liên kết Á – Phi? Đề nghị cho biết Việt Nam có lợi ích gì trong Phong trào Không Liên kết này?
Xin cho biết những mặt hàng thương mại chủ yếu và tổng giá trị thương mại hiện nay giữa Việt Nam và châu Phi? Xin cho biết những hợp đồng thương mại lớn được ký kết tới nay giữa Việt Nam và các nước châu Phi?
Trả lời: Việt Nam luôn đánh giá cao và tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác giữa các nước Á – Phi, thông qua các hoạt động của Phong trào Không Liên kết, phấn đấu vì mục đích hòa bình, độc lập, dân chủ và công bằng xã hội.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều chuyển biến như hiện nay, với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa, Việt Nam sẽ tiếp tục phấn đấu tăng cường đoàn kết, hiểu biết và hợp tác giữa các nước ở hai châu lục Á – Phi để xây dựng một “Quan hệ đối tác chiến lược Á - Phi mới" trên các lĩnh vực chính trị, đầu tư, thương mại, du lịch, trao đổi văn hóa..., góp phần vào việc thúc đẩy sự hợp tác, phát triển và duy trì hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Phi và Hội nghị kỷ niệm 50 năm Hội nghị Băng-dung tổ chức tại In-đô-nê-xi-a.
Việt Nam đã có quan hệ truyền thống với châu Phi từ nhiều thập kỷ qua và không ngừng thúc đẩy mối quan hệ này phát triển tích cực trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước Châu Phi tăng từ 200 triệu USD năm 2000 lên 560 triệu USD năm 2004, chủ yếu ở các mặt hàng gạo, chè, bông, hàng may mặc, linh kiện điện tử. Hai bên cũng có những dự án hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, xóa đói giảm nghèo, cung cấp nước sạch, trao đổi chuyên gia...
Việt Nam đang cùng các nước Châu Phi tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế-thương mại, để tương xứng hơn với tiềm năng và mong muốn của nhau./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |