Thông cáo báo chí số 14
THÔNG CÁO BÁO CHÍ P R E S S R E L E A S E |
VỤ THÔNG TIN BÁO CHÍ - BỘ NGOẠI GIAO NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM
Press & Information Department, Ministry of Foreign Affairs of SR of Vietnam
7 Chu Văn An - Hà Nội, Điện thoại: 199 2516, Fax: 823 4137
Số: 14/TCBC-NGĐ Ngày: 31/07/2005
_________________________________________________________________________________________________________________________________
I- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO CHÍNH NỬA CUỐI THÁNG 07/2005
(Theo thứ tự thời gian)
ĐOÀN VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI
Từ ngày 18-22/07/2005, nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước Trần Đức Lương dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
Từ ngày 26-29/07/2005, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 (AMM 38) và các hội nghị liên quan, tổ chức tại Viêng Chăn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
ĐOÀN NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
Từ ngày 20-23/07/2005, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Thủ tướng nước Cộng hoà Hung-ga-ri Du-tran Phe-ren-xơ đã thăm chính thức Việt Nam.
Từ ngày 25-26/07/2005, đặc phái viên của vua Ma-rốc, Bộ trưởng đặc trách Bộ Ngoại giao và Hợp tác Ma-rốc Tai-ép En Pha-xi Phi-ri đã thăm Việt Nam.
Ngày 27/07/2005, Quốc vụ khanh Bộ Giao thông, Sáng kiến và Công nghệ Cộng hoà Áo E.Mai-nô-ni đã thăm và làm việc tại Việt Nam.
Ngày 28/07/2005, Bộ trưởng Thương mại Lào Sou-li-vong Da-ra-vong đã thăm Việt Nam.
II- NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM, ÔNG LÊ DŨNG TRẢ LỜI PHÓNG VIÊN (theo thứ tự thời gian)
Ngày 18 tháng 7 năm 2005,
Ria Novosti: Việt Nam đánh giá đâu là những vấn đề cần được ưu tiên thảo luận tại Diễn đàn ARF lần này ở Viên-chăn, Lào.
Trả lời:
Diễn đàn ARF sắp tới sẽ diễn ra tại Viên Chăn, Lào vào ngày 27/7/2005. Đây là diễn đàn đa phương thường niên để đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-an ninh khu vực.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, các nước tham gia diễn đàn cần quan tâm hơn đến đối thoại và hợp tác để đối phó với các hiểm họa an ninh phi truyền thống như nạn khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, phòng chống thiên tai, dịch bệnh …để duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực và thế giới.
Ngày 22 tháng 7 năm 2005,
AFP: Xin cho biết thông tin về những người thiểu số của Việt Nam đã được hồi hương về nước ngày thứ Tư , 20/7/2005?
Trả lời:
Chúng tôi đã nhiều lần nói rõ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Căm-pu-chia là những người vượt biên trái phép do bị lừa gạt và kích động, hoàn toàn không phải do bị đàn áp, truy bức. Họ không phải là những người tị nạn.
Việt Nam đã và đang hợp tác với Căm-pu-chia và UNHCR để thực hiện những thoả thuận đã đạt được tại Biên bản Ghi nhớ về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Căm-pu-chia (ngày 25/1/2005).
Trên tinh thần đó, ngày 20/7/2005, tại cửa khẩu Mộc Bài, Việt Nam đã tiếp nhận 94 người thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên trái phép. Đây là những người được chính UNHCR xem xét trao cho phía Căm-pu-chia quản lý để hồi hương về Việt Nam theo đúng thỏa thuận ba bên. Họ chủ yếu ở tỉnh Gia Lai, một số ở Kon Tum. Cũng như những người trở về trước đây, những người này sẽ không bị trừng phạt, phân biệt đối xử hoặc truy tố về tội ra đi bất hợp pháp và sẽ được địa phương giúp đỡ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Chính sách nhân đạo của Việt Nam liên quan đến những người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia trở về quê hương đã được thể hiện rõ trên thực tế. Thời gian qua, đại diện của UNHCR đã nhiều dịp lên thăm những người thiểu số ở Tây nguyên trở về các địa phương và khẳng định Chính phủ Việt Nam đã thực hiện những gì cam kết, tiếp nhận và tạo điều kiện để những người trở về có cuộc sống ổn định. Những người trở về cho biết họ được đối xử bình đẳng, không có sự ngược đãi hay phân biệt đối xử sau khi trở về.
HẾT
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |