I. Ý nghĩa của việc kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9:
Cách đây 60 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam đã tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào, với toàn thế giới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam đã bắt đầu: Kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Độc lập, tự do, hạnh phúc- những nội dung được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trong bản Tuyên ngôn độc lập, đã gắn quyền dân tộc với quyền của mỗi con người. Đây cũng chính là động lực thôi thúc toàn dân tộc Việt Nam bền bỉ phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống ngoại xâm, thu "giang sơn về một mối", đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Từ giữa những năm 80, trên cơ sở tổng kết thực tiễn xây dựng đất nước và trước những đòi hỏi đất nước và thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Công cuộc đổi mới của nhân dân Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: giữ vững ổn định chính trị; đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội; kinh tế tăng trưởng tương đối cao và ổn định; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bước đầu được xây dựng; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh được giữ vững; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được tăng cường và củng cố; không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội ngày càng được phát huy; quan hệ đối ngoại được mở rộng. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm đáng kể, cơ cấu kinh tế không ngừng thay đổi, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong nền kinh tế; các mặt văn hóa, xã hội có bước phát triển tích cực.
Cùng với sự đổi mới kinh tế, hệ thống chính trị cũng từng bước được đổi mới và kiện toàn. Hiến pháp mới năm 1992 được ban hành đã phản ánh ý nguyện của nhân dân, khẳng định mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa, thể chế hóa đường lối đổi mới, đặt cơ sở cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vai trò của các cơ quan dân cử, đặc biệt là Quốc hội, ngày càng được thể hiện rõ trong đời sống chính trị xã hội của đất nước. Các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là nội lực đang được khơi dậy và phát huy có hiệu quả, việc thu hút và sử dụng các nguồn lực bên ngoài ngày càng tốt hơn. Những thành tựu hết sức to lớn đạt được trong gần 20 năm đổi mới đã khẳng định mạnh mẽ sự đúng đắn và nhất quán trong việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta.
Nhìn lại chặng đường đã qua, nhân dân Việt Nam vô cùng tự hào về những thành tựu to lớn giành được trong 60 năm qua. Đây là chặng đường phấn đấu vô cùng gian khổ và anh dũng, thông minh và sáng tạo, với muôn vàn hy sinh và đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại hết sức vẻ vang. Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng nhận rõ những khó khăn, thách thức không nhỏ. Việt Nam chưa ra khỏi tình trạng chậm phát triển và vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam cũng cần giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện công bằng xã hội, giữa đổi mới kinh tế với cải cách hành chính, giữa độc lập tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế…
Ôn lại những thành tựu của 60 năm kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, nhân dân ta càng thêm quyết tâm và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Chúng ta tiếp tục năm vững mục tiêu và phương hướng tổng quát trong 5 năm tới là phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, động viên mọi nguồn lực của toàn xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nhanh và bền vững nhằm đưa nước ta ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới là động lực cơ bản tạo nên bước đột phá của đất nước trong thời kỳ mới. Lễ Kỷ niệm diễu binh diễu hành quần chúng vào ngày Quốc khánh 2/9 là dịp để toàn thể người dân Việt Nam thể hiện đầy đủ nhất ý chí, tình cảm, sức mạnh to lớn của mình, quyết tâm đưa Việt Nam tiến lên, kế tục vẻ vang sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ của các thế hệ đi trước, thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”
II. Dự kiến chương trình Lễ Kỷ niệm, diễu binh, diễu hành quần chúng tại Quảng trường Ba Đình
Lễ Kỷ niệm, diễu binh, diễu hành quần chúng sẽ được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử nhằm biểu dương lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu bật những thành tựu to lớn của nhân dân Việt Nam trong 60 năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới.
Tham dự buổi lễ có các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, các đại biểu khách mời trong và ngoài nước, đại diện các Bộ, ban, ngành, và quần chúng nhân dân. Số lượng người dự Lễ Kỷ niệm tại Quảng trường khoảng 13.000 người.
Đại diện các cơ quan báo chí nước ngoài, các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội được mời tham dự buổi Lễ Kỷ niệm, diễu binh, diễu hành quần chúng.
Địa điểm: Quảng trường Ba Đình.
Thời gian: Từ 7h00 đến 9h00, sáng ngày 2 tháng 9 năm 2005.
Thời gian tuyên bố khai mạc của Trưởng ban tổ chức và đọc Diễn văn kỷ niệm của Chủ tịch nước: 25 phút.
Thời lượng diễu binh, diễu hành: Không quá 100 phút.
Thời gian thực hiện:
1. Từ 6h50: Đưa lửa truyền thống từ Bảo tàng Hồ Chí Minh về Quảng trường Ba Đình.
2. Từ 7h đến 7h05: Cử Quốc thiều, trong lúc cử Quốc thiều đồng thời bắn 21 loạt đại bác.
3. Từ 7h05 đến 7h10: Trưởng ban Tổ chức Lễ Kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu.
4. Từ 7h10 đến 7h25: Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc diễn văn.
5. Từ 7h25 đến 7h30: Chuẩn bị diễu binh-diễu hành./.