Thông cáo báo chí số 15, 16
THÔNG CÁO BÁO CHÍ P R E S S R E L E A S E |
VỤ THÔNG TIN BÁO CHÍ - BỘ NGOẠI GIAO NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM
Press & Information Department, Ministry of Foreign Affairs of SR of Vietnam
7 Chu Văn An - Hà Nội, Điện thoại: 199 2516, Fax: 823 4137
Số: 15+16/TCBC-NGĐ Ngày: 31/08/2005
_________________________________________________________________________________________________________________________________
I- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO CHÍNH THÁNG 08/2005
(Theo thứ tự thời gian)
ĐOÀN VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI
Từ ngày 30/07-02/08/2005, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Văn hoá Thông tin Phạm Quang Nghị dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Cam-pu-chia.
Từ ngày 01-02/08/2005, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng thường trực Ngoại giao Lê Công Phụng dẫn đầu đã tham dự cuộc Tham khảo chính trị lần thứ nhất giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Mi-an-ma, tổ chức tại I-ăng-gun, Mi-an-ma.
Ngày 02/08/2005, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin Phạm Quang Nghị dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hoá và Nghệ thuật ASEAN và ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), tổ chức tại Băng-cốc, Thái Lan.
Từ ngày 03-06/08/2005, đoàn đại biểu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã thăm làm việc tại Lào.
Từ ngày 04-05/8/2005, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ hai của tổ chức Chiến lược Hợp tác Kinh tế ba dòng sông Ai-gia-oa-đi (Aieyawady)– Chao Phay-a (Chaophraya) và sông Mê Công (ACMECS) diễn ra tại tỉnh Siêm Riệp, Căm-pu-chia.
Từ ngày 13-14/08/2005, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Lê Công Phụng dẫn đầu đã tham dự cuộc Tham khảo lần thứ nhất giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và In-đô-nê-xi-a, tổ chức tại Giô-gia-cát-ta, In-đô-nê-xi-a.
Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng thay mặt chính phủ Việt Nam đã ký các hiệp định kết thúc đàm phán song phương giữa Việt Nam-Thụy Sĩ , Việt Nam-Ai-xơ-len và Tuyên bố kết thúc đàm phán song phương Việt Nam- Na Uy về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), lần lượt tại Béc-nơ, Thụy Sĩ, ngày 25/08, tại Rây-ki-a-vích, Ai-xơ-len ngày 26/08/2005 và tại Ô-xlô, Na Uy, ngày 30/08/2005.
ĐOÀN NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
Từ ngày 08-10/08/2005, nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Tổng thống CHDC Đông Ti-mo Kai Ra-la Xa-na-na Gu-xmao đã thăm chính thức Việt Nam
Từ ngày 10-11/08/2005, Thứ trưởng Ngoại giao Ác-hen-ti-na Ga-xi-a Mo-ri-tan đã thăm Việt Nam và tham dự cuộc tham khảo chính trị thường niên với Bộ Ngoại giao Việt Nam.
II- NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM, ÔNG LÊ DŨNG TRẢ LỜI PHÓNG VIÊN (theo thứ tự thời gian)
Ngày 04 tháng 8 năm 2005,
1.AFP: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Ngoại trưởng Ô-xtrây-li-a Alexander Downer xin giảm án cho 2 người Úc bị Việt Nam kết án tử hình vì tội buôn bán trái phép chất ma túy?
Trả lời:
Việc buôn bán và sử dụng ma túy đã gây ra những tác hại nghiêm trọng cho nhiều nước trong đó có Việt Nam và Ô-xtrây-li-a.
Việt Nam và Ô-xtrây-li-a đều cương quyết chống và nghiêm trị tội buôn bán ma túy.
Việc Việt Nam bắt giữ Trần Văn Thành và Nguyễn Văn Chính mang quốc tịch Ô-xtrây-li-a, buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy đã giúp ngăn chặn không để cho một lượng ma túy lớn được vận chuyển vào Việt Nam và sang Ô-xtrây-li-a.
Tòa án Việt Nam đã xét xử các trường hợp trên theo đúng các trình tự thủ tục pháp lý của Việt Nam. Việc giảm án là tùy thuộc vào thẩm quyền quyết định của Chủ tịch nước và các cơ quan có liên quan như Tòa án, Viện Kiểm sát. Phía Việt Nam sẽ chuyển đề nghị xin giảm án cho hai trường hợp trên tới Chủ tịch nước và các cơ quan hữu quan của Việt Nam.
2. AFP: Xin khẳng định tin nói rằng Hoa Kỳ sẽ cho 94 người thiểu số Tây Nguyên bị cưỡng bức hồi hương từ Căm-pu-chia trở về Việt Nam đi định cư tại Hoa Kỳ? Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này?
Trả lời:
Chúng tôi không có thông tin như phóng viên hỏi.
Việt Nam đang tiếp tục hợp tác với Căm-pu-chia và UNHCR thực hiện các thỏa thuận đạt được tại Biên bản Ghi nhớ ngày 25/1/2005 về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Căm-pu-chia.
Ngày 20/7/2005 vừa qua, tại cửa khẩu Mộc Bài, Việt Nam đã tiếp nhận 94 người thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên trái phép. Đây là những người được chính UNHCR xem xét trao cho phía Căm-pu-chia quản lý để hồi hương về Việt Nam theo đúng thỏa thuận ba bên. Những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên khi trở về Việt Nam không bị trừng phạt, phân biệt đối xử hay truy tố về tội vượt biên trái phép và được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng. Trường hợp người trở về có nguyện vọng xuất cảnh hợp pháp đi định cư ở nước ngoài có thể được xem xét theo đúng các quy định và thủ tục xuất nhập cảnh hiện hành của Việt Nam.
3. AFP: Có tin nói rằng một công dân Pháp gốc Việt tên là Phạm Văn Chương đã bị công an Việt Nam tạm giữ ngày 28/7/2005 tại cửa khẩu biên giới Lao Bảo, vì có mang trên người một số thuốc có chất ma túy. Đề nghị cho biết lý do của việc tạm giam ông Chương và các chi tiết liên quan đến vụ việc này?
Trả lời:
Các cơ quan chức năng cho biết ông Phạm Văn Chương, mang hộ chiếu Pháp, nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị ngày 28/7/2005 đã bị tạm giữ vì vận chuyển trái phép vào Việt Nam một số tân dược nằm trong danh mục chất ma túy và thuốc gây nghiện cấm nhập quy định tại Điều 194 Bộ Luật Hình sự của Việt Nam.
Theo kết quả giám định đối với 26 loại thuốc tân dược ông Phạm Văn Chương vận chuyển qua biên giới có 7 loại thuốc tân dược có tổng trọng lượng là 411,8 g nằm trong danh mục chất ma túy và thuốc gây nghiện cấm nhập vào Việt Nam.
Ông Phạm Văn Chương đang bị Công an tỉnh Quảng Trị tạm giữ. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông báo cho Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội về trường hợp này.
Ngày 12 tháng 8 năm 2005,
1. AP: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thông báo cho biết đã xác định được tên tuổi của 12 quân nhân Mỹ mất tích trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Hài cốt của họ được tìm thấy trong các đợt tìm kiếm chung Việt-Mỹ năm 1998,1999 tại biên giới Việt Nam-Lào. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ đây là số hài cốt lớn nhất được xác định danh tính.
Trả lời:
Xuất phát từ chính sách nhân đạo truyền thống, Việt Nam luôn coi việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh là vấn đề nhân đạo, và hợp tác với phía Hoa Kỳ để giải quyết tốt vấn đề này.
Việc xác định được danh tính những bộ hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh là điều tốt cho thân nhân, gia đình của họ. Đây cũng là kết quả thực tế của những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam trong việc hợp tác cùng với phía Hoa Kỳ giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Phía Hoa Kỳ đã nhiều lần ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong vấn đề này.
Cho tới nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tiến hành 82 đợt hoạt động hỗn hợp. Kể từ năm 1973 đến nay Việt Nam 95 lần trao trả cho phía Hoa Kỳ các hài cốt liên quan đến 829 trường hợp quân nhân Mỹ chết trong chiến tranh. Ngày 13/8/2005, tại Sân bay Đà Nẵng sẽ diễn ra đợt trao trả lần thứ 96, với 5 bộ hài cốt và di vật liên quan đến quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.
2. AFP: Đề nghị xác nhận thông tin có 7 người theo đạo Hòa Hảo bị bắt giữ trong thời gian vừa qua tại An Giang và Đồng Tháp sau vụ có 02 người Hòa Hảo tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo?
Trả lời:
Thông tin cho rằng tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở.
Sự thật là: Thời gian qua, một số đối tượng cực đoan lợi dụng Phật Giáo Hòa Hảo đã vi phạm pháp luật, có những hành vi quá khích, liên tục kích động tín đồ tuyệt thực, gây rối trật tự công cộng.
Do các hoạt động vi phạm pháp luật, ngày 1/8/2005, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Điền; Tô Văn Mảnh, Trần Văn Út, Võ Văn Bửu, Mai Thị Dung về tội gây rối trật tự công cộng; Võ Văn Thanh Liêm về tội cố ý hủy hoại sức khỏe người khác.
Ngày 5/8/2005, các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của những đối tượng nêu trên cùng 3 đối tượng khác là Võ Văn Thanh Long, Nguyễn Thanh Phong và Nguyễn Thị Hà do đã có hành vi chống người thi hành công vụ.
Việc bắt giữ, khám xét 9 đối tượng nêu trên đã được tiến hành theo đúng trình tự quy định pháp luật và được quần chúng nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, riêng Trần Văn Út đã có hành động quá khích, tự hủy hoại bản thân. Mặc dù lực lượng chức năng cùng gia đình đã cố gắng chữa chạy và đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế nhưng Trần Văn Út đã chết ngày 6/8/2005.
Nhân đây, tôi cũng xin khẳng định rằng ở Việt Nam không có đàn áp tôn giáo, không có ai bị bắt, bị giam giữ hay quản chế vì lý do tôn giáo mà chỉ có những người bị bắt giữ vì những hành vi vi phạm pháp luật. Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp Việt Nam và được tôn trọng trên thực tế.
Cũng như đối với các tôn giáo khác, Nhà nước tạo điều kiện cho các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thực hành đức tin của mình và đóng góp cho cộng đồng xã hội. Vừa qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và đông đảo tín đồ phật giáo Hòa Hảo trên cả nước đã long trọng cử hành Đại lễ kỷ niệm 66 năm ngày Đức Huỳnh giáo chủ khai sáng đạo. Đại lễ lần này diễn ra đúng vào thời điểm kết thúc tốt đẹp chương trình đạo sự 5 năm 1999-2004 (Đại hội đại biểu Phật giáo Hòa Hảo đã tiến hành vào tháng 6/1999) và 1 năm thực hiện Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo với đường hướng vì đạo pháp, vì dân tộc, thực hiện tốt tôn chỉ, giáo lý chơn truyền của Đức Huỳnh giáo chủ, xây dựng cuộc sống “tốt đạo đẹp đời”. Các giáo phẩm và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã đóng góp tích cực vào nhiều hoạt động từ thiện thiết thực như xây dựng nhà tình nghĩa, sửa đường, xây cầu mới... được các chính quyền địa phương và cộng đồng đánh giá cao.
Ngày 19 tháng 8 năm 2005,
Thông tấn xã Việt Nam: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tin nói rằng vài mẫu cá basa nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ có chứa một loại thuốc kháng sinh, thuộc nhóm fluoroquinolones, mà cho là không được phép có trên thực phẩm?
Trả lời:
Các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết Việt Nam đã thực hiện việc kiểm soát các chất kháng sinh trong sản xuất và kinh doanh thủy sản tương đương với các quy định của châu Âu, Hoa Kỳ và các thị trường khác như Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Thụy Sĩ…. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu của Việt Nam đã tuân thủ các yêu cầu về chất lượng trong đó có các quy chuẩn về sử dụng chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản. Chất fluoroqinolones nằm trong danh mục cấm sử dụng do các cơ quan chức năng Việt Nam ban hành.
Chính phủ Việt Nam đã chỉ thị các Bộ, ngành có liên quan đến ngành nuôi trồng, chế biến các sản phẩm thủy sản của Việt Nam phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ về việc kiểm soát các chất kháng sinh dùng trong sản xuất và kinh doanh thủy sản không chỉ cho xuất khẩu mà cả cho người tiêu dùng Việt Nam.
Chỉ thị số 07/2002/CT-TTg ngày 25/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật” đã nghiêm cấm sử dụng các loại kháng sinh có hại cho sức khỏe con người trong sản xuất và kinh doanh thủy sản. Chính phủ giao cho các Bộ, trong đó có Bộ Thủy sản, chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc thực hiện chỉ thị này trong sản xuất kinh doanh thủy sản. Bộ Thủy sản đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc kiểm soát các kháng sinh có hại trong nuôi trồng và sản xuất thủy sản, đối với các sản phẩm xuất khẩu cũng như sản phẩm tiêu thụ nội địa.
Tháng 2/2005, Bộ Thủy sản đã có Quyết định 07/2005/QĐ-BTS quy định danh mục 17 loại kháng sinh cấm sử dụng, tương đương với 10 loại bị cấm sử dụng ở Châu Âu và 11 loại bị cấm ở Hoa Kỳ; và danh mục 34 loại hạn chế sử dụng trong đó có Flouroqinolones, tương đương với danh mục các kháng sinh bị hạn chế sử dụng ở châu Âu và Hoa Kỳ. Tháng 3/2005, Bộ trưởng Bộ Thủy sản có Chỉ thị số 03/2005/CT-BTS "Về việc tăng cường kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh có hại trong hoạt động thủy sản” với các biện pháp quản lý từ các tỉnh, thành phố đến các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh nhằm bảo đảm uy tín cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Ngày 18/8/2005, trên cơ sở cập nhật thông tin về các loại kháng sinh do Hoa Kỳ bổ sung vào danh mục cấm sử dụng, Bộ Thủy sản đã ban hành quyết định số 26/2005/QĐ-BTS công bố danh mục 11 loại kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolones cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và Bắc Mỹ.
Cục Quản lý Chất lượng và An toàn Vệ sinh Thực phẩm Thú y Thủy sản (NAFIQAVED), Bộ Thủy sản chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát việc sản xuất thuốc, thức ăn cho nuôi trồng, chăm sóc và chữa bệnh cho thủy sản nuôi. Các biện pháp kiểm tra được thực hiện trong toàn bộ quá trình nuôi, mẫu kiểm tra kháng sinh được lấy trước khi thu hoạch và trong quá trình chế biến. Sản phẩm cũng được kiểm soát chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, còn tồn tại những yếu tố khách quan và chủ quan khiến cho đôi khi vẫn phát hiện thấy một số mẫu sản phẩm có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt. Có trường hợp là do sai số kỹ thuật giữa các phòng thí nghiệm của Việt Nam và nước ngoài hoặc do lô hàng đã bao gồm những sản phẩm không đồng nhất.
Đối với những lô hàng bị phát hiện có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, các cơ quan chức năng của Việt Nam điều tra từng khâu trong hệ thống liên hoàn từ nơi sản xuất đến nơi chế biến; yêu cầu các doanh nghiệp có liên quan phải có các biện pháp khắc phục cụ thể, và phải thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và của nước nhập khẩu. Nếu phát hiện trong sản phẩm có kháng sinh bị cấm, các cơ quan chức năng của Việt Nam quyết định đình chỉ sản xuất của doanh nghiệp cho đến khi doanh nghiệp tìm được nguyên nhân và có biện pháp khắc phục một cách hiệu quả. Sản phẩm của doanh nghiệp đó còn tiếp tục bị giám sát chặt chẽ trong thời gian tiếp theo cho đến khi khôi phục được uy tín của mình.
Hoạt động kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản của Việt Nam cũng đã được các đoàn thanh tra hàng năm của Ủy ban Liên minh Châu Âu (lần gần đây nhất là tháng 5/2005), thanh tra của Cục Thực phẩm, Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA (lần gần đây nhất là tháng 7/2005) nhận xét là hoàn toàn tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu EU và Hoa Kỳ.
Vì lợi ích của người tiêu dùng cũng như lợi ích của các nhà sản xuất và kinh doanh thủy sản, các cơ quan chức năng Việt Nam đã và sẽ tăng cường hơn nữa việc áp dụng những biện pháp hết sức nghiêm ngặt để phát hiện và ngăn chặn những sản phẩm không đảm bảo quy chuẩn.
Ngày 23 tháng 8 năm 2005,
AFP: Đề nghị khẳng định tin Việt Nam đã đồng ý giảm án tử hình cho một công dân Úc tên là Trần Văn Thành, 40 tuổi, bị tòa Phúc Thẩm toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định giữ nguyên mức án tử hình vì tội danh buôn bán ma túy vào tháng 3 vừa qua?
Trả lời:
Trần Văn Thành, sinh năm 1965, mang quốc tịch Ô-xtrây-li-a, bị bắt ngày 30/6/2003 và ngày 05/11/2004 Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã kết án tử hình Trần Văn Thành về tội mua bán trái phép chất ma túy. Ngày 21/03/2005, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm, y án tử hình đối với Trần Văn Thành. Đây là hình phạt thích đáng đối với tội buôn bán, vận chuyển ma túy.
Tuy nhiên, xuất phát từ truyền thống nhân đạo, mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a và xét đơn xin ân giảm án của Trần Văn Thành, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho Trần Văn Thành.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |