Sáng ngày 29/10 tại
Nghệ An đã diễn ra khai mạc Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh với Ngoại giao
Văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới” do Bộ Ngoại giao và tỉnh Nghệ An đồng tổ
chức. Hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế đã tham dự Hội thảo.
Toàn
cảnh Hội thảo. (Ảnh: D.H)
Trong phát biểu chào
mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa bày tỏ vinh dự khi Nghệ
An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chọn là địa điểm tổ chức Hội thảo
quốc tế với sự tham dự của đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế, đặc biệt là
sự hiện diện của các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Ông hy vọng những đóng góp, ý kiến tham luận của các đại biểu sẽ là những tri
thức quý báu, góp phần tổng kết, khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam
trong chiến lược ngoại giao văn hóa và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Việt
Nam với các nước thông qua hình tượng vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt
xuất Hồ Chí Minh.
Phó
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa phát biểu chào mừng Hội thảo. (Ảnh: D.H)
Đánh giá cao tầm vóc vĩ
nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “sự kết hợp hài hòa giữa danh nhân văn hóa
kiệt xuất và nhà ngoại giao lỗi lạc”, ông Lê Ngọc Hoa chia sẻ những tình cảm
của Bác Hồ đối với tỉnh Nghệ An. “Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, bên
cạnh những trăn trở về con đường cứu nước và sự phát triển của toàn dân, Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho quê hương Nghệ An những tình cảm vô cùng thiêng
liêng và sâu nặng. Bởi thế, trước lúc đi xa, bên cạnh di chúc thiêng liêng mà
Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, ngày 21/7/1969, Người còn để lại bức thư
riêng dành cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An.
Trong thư, Người căn
dặn: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù
lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào, đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu
làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.
Bức thư tuy ngắn, nhưng
theo ông Lê Ngọc Hoa, “Người đã gói trọn tình cảm của mình, nhất là những mong
mỏi đối với tỉnh nhà để tiếp tục phấn đấu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế,
văn hóa, đặc biệt là chăm lo đời sống nhân dân”.
Trong phát biểu khai
mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh: Hội thảo là một hoạt
động nhằm kỷ niệm 50 năm thực hiện bản di chúc, 50 năm ngày mất và hướng tới
130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần vào việc giữ gìn và phát
huy các di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhằm thúc đẩy quan hệ giữa
Việt Nam và các nước thông qua ngoại giao văn hóa.
Và đặc biệt, Hội thảo
càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại tỉnh Nghệ An quê hương của chủ tịch Hồ
Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu, người sáng lập ra nước Việt Nam hiện đại.
Thứ
trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: D.H)
Thứ trưởng Nguyễn Quốc
Cường khẳng định, Bộ Ngoại giao luôn tự hào khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Bộ
trưởng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh chính là người
khai sinh nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó có ngoại giao
văn hóa – nhằm tạo động lực mới cho ngoại giao Việt Nam trong tiến trình hội
nhập quốc tế.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về
ngoại giao là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa yêu nước, văn hoá dân tộc và truyền
thống ngoại giao Việt Nam, tinh hoa - văn hoá của nhiều dân tộc phương Đông và
phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao
cho biết, trong thời gian qua, được sự ủng hộ của các nước trên thế giới, các
hoạt động ngoại giao văn hóa thông qua việc tôn vinh Bác đã và đang được triển
khai ở khắp các châu lục thông qua mạng lưới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở
nước ngoài với nhiều hình thức tôn vinh, như triển khai linh hoạt, thực chất
việc “học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
hướng tới đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức mít-tinh, nói
chuyện, tọa đàm, triển lãm, hội thảo nhân kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, Ngày Quốc khánh Việt Nam...; xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sách báo,
phim ảnh… về Hồ Chí Minh; xây dựng, tu sửa các khu di tích tưởng niệm,
bảo tàng, công viên, xây dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại những nơi
Người từng sống và hoạt động…
Những hoạt động trên có
ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc đề cao, phát huy và quảng bá giá trị tư
tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến quốc tế; làm sâu sắc
thêm quan hệ nhiều mặt, nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước trên thế
giới; nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, giúp gắn kết, củng cố và phát triển
cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; và góp phần sưu tầm, lưu giữ, bảo vệ và
phát huy những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại dấu tích, dưới cả góc độ vật
thể và phi vật thể.
Các
đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. (Ảnh: D.H)
Hội thảo quốc tế về “Di
sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới” gồm 3
phiên thảo luận, tập trung vào 3 chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân thế
giới và nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phát huy giá trị di sản Hồ
Chí Minh thúc đẩy quan hệ Việt Nam và các nước; và Các hoạt động tôn vinh Chủ
tịch Hồ Chí Minh, phát huy di sản Hồ Chí Minh và hình ảnh đất nước.
Ngoài các phát biểu và
tham luận của lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện Bộ
Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các chuyên gia, học giả của Việt
Nam là các tham luận của Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Đại sứ
các nước Trung Quốc, Indonesia, Sri Lanka cùng đại diện Đại sứ quán Lào, Cuba,
Argentina, Ukraine…
Báo TG&VN