Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ AI-XƠ-LEN VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


 

CỘNG HÒA AI-XƠ-LEN

 

I. THÔNG TIN CƠ BẢN

 

Đất nước, con người

Tên nước

Cộng hòa Ai-xơ-len (The Republic of Iceland)

Thủ đô

Rây-ki-a-vích (Reykjavik)

Quốc khánh

17/6 (ngày sinh của Jon Sigurdsson, lãnh tụ Phong trào đấu tranh đòi quyền tự trị khỏi sự thống trị của Đan Mạch và là ngày tuyên bố chính thức thành lập nước Cộng hòa Ai-xơ-len)

Vị trí địa lý

Nằm giữa Đại Tây Dương, gần đường cung Bắc cực và thuộc Bắc Âu.

Diện tích

103.000 km2, trong đó diện tích đất bỏ hoang chiếm 54%, đất đóng băng: 12%, đất nham thạch: 11%, đất trồng trọt chiếm 19%

Khí hậu

Rất thất thường do ảnh hưởng của dòng hải lưu nóng ở vùng ven biển Tây Nam và Băng hà ở Bắc cực. Nhiệt độ trung bình ở Reykjavik vào tháng 1 là -0,4oC và tháng 7 là +11,2oC; ở miền Bắc là -1,5oC và +10,9oC

Dân số

308.910 người (7/2010), chủ yếu là người Ai-xơ-len, trong đó số dân sống ở khu vực Thủ đô chiếm 92%, ở các thành phố khác 8%

Ngôn ngữ

Tiếng Ai-xơ-len (gốc Na Uy); ngoại ngữ thông dụng là tiếng Anh và Đức

Đơn vị tiền tệ

ISK (cuaron Ai-xơ-len); 1 USD = 139.319 ISK (2010)

GDP

14,1 tỷ USD (năm 2011) (tính theo tỷ giá chính thức)

Thu nhập bình quân đầu người

38.000 USD (năm 2011) (tính theo ngang giá sức mua)

Tôn giáo

Trên 96% dân số theo đạo Tin lành dòng Luther

Lãnh đạo chủ chốt

- Tổng thống: ông Ô-la-phua Rác-na Gờ-rim-xơn (Ólafur Ragnar Grimsson ), được bầu lại làm Tổng thống nhiệm kỳ 4 (2008-2012) kể từ 1/8/1996 khi ông lần đầu tiên giữ chức này

- Thủ tướng: bà Giô-ha-na Xi-gư-đa-rơ-đót-tia (Jóhanna Sigurðardóttir) (Đảng Dân chủ xã hội), nhậm chức từ 1/2/2009 sau khi liên minh Chính phủ giữa Đảng Độc lập và Đảng Dân chủ xã hội tuyên bố giải thể) 

- Chủ tịch Quốc Hội: bà  Át-xơ-ta Rác-hai-đơ Giô-ha-nét-xơ-đót-tia (Ásta Ragnheiður Jóhannesdóttir), nhậm chức từ ngày 14/5/2009

- Ngoại trưởng: ông  Uê-xơ Xơ-ca-hây-đin-xơn (Össur Skarphéðinsson) (thành viên Liên minh giữa Đảng Dân chủ xã hội và Phong trào cánh tả xanh).

 

II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ

-   Năm 1261, Na Uy cai trị Ai-xơ-len. Năm 1380, Ai-xơ-len và Na Uy đều dưới quyền cai trị của Đan Mạch.

-   Từ 1811-1879, dưới sự lãnh đạo của Jon Sigurdsson đã tiến hành các cuộc đấu tranh chính trị của người dân Ai-xơ-len đòi quyền tự trị.

-   Năm 1904, Ai-xơ-len giành được quyền tự trị, nhưng cho đến 1918 vẫn duy trì Liên minh với Đan Mạch dưới sự cai trị của Vua Đan Mạch.

-   Ngày 17/6/1944, Ai-xơ-len

chính thức tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Ai-xơ-len.

-   Năm 1946, Ai-xơ-len gia nhập Liên hợp quốc. Năm 1949 gia nhập NATO.

-   Năm 1951, Ai-xơ-len ký Hiệp ước phòng thủ với Mỹ; theo đó, Mỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Ai-xơ-len vì Ai-xơ-len không có lực lượng vũ trang riêng, chỉ có cảnh sát.

-   Năm 1952, Ai-xơ-len gia nhập Hội đồng Bắc Âu.

-   Năm 1970, Ai-xơ-len gia nhập Khối mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) và

1973 ký Hiệp định thương mại với Khối thị trường chung Châu Âu (EEC).

 

III. THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ, CÁC ĐẢNG PHÁI CHỦ CHỐT TRONG QUỐC HỘI

1. Thể chế chính trị

Ai-xơ-len theo chế độ cộng hòa dân chủ nghị viện, đứng đầu nhà nước là Tổng thống do dân bầu ra thông qua bầu cử phổ thông trực tiếp. Nhiệm kỳ của Tổng thống là 4 năm ; tổng thống chỉ mang tính lễ nghi với tư cách là nguyên thủ quốc gia, là biểu tượng của sự đoàn kết của cả nước, không trực tiếp tham gia vào các vấn đề chính trị hàng ngày.

Quyền lập pháp : thuộc về Tổng thống và Quốc hội (Althingi). Từ  năm 1987, Quốc hội gồm 63 nghị sỹ được bầu ra trên cơ sở tỷ lệ phiếu bầu mà mỗi đảng giành được trong tuyển cử quốc hội ; tuy nhiên, kể từ năm 1991, Quốc hội chỉ còn một viện (unicameral). Hiến pháp Ai-xơ-len quy định tất cả các công dân Ai-xơ-len từ 18 tuổi trở lên đều có quyền đi bầu cử. 63 nghị sỹ được bầu trực tiếp, trong đó 37 nghị sỹ được bầu ra ở đơn vị bầu cử địa phương, 12 nghị sỹ được bầu ra ở đơn vị bầu cử thành phố, 14 ghế còn lại được phân cho các đảng sao cho tổng số ghế nghị sỹ của mỗi đảng phản ánh đúng tổng số phiếu mà họ giành được trong tuyển cử toàn quốc.

Trong rất nhiều năm, quốc hội Ai-xơ-len gồm đại diện của 5 đảng chính trị và không có đảng nào giành được đa số phiếu tuyệt đối. 5 đảng gồm: độc lập, tiến bộ, Xã hội dân chủ, Liên minh nhân dân và Liên minh phụ nữ. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và các hệ lụy của nó đối với chính trường Ai-xơ-len, đại diện của một số đảng được bổ sung bằng những đảng mới, xuất hiện trong phong trào chống chính phủ do không điều hành hiệu quả nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng.

Chủ tịch Quốc hội là người được lựa chọn trong các đảng cầm quyền. Các dự luật sau khi được xem xét ở Ủy ban phải được Chính phủ, Tổng thống và Quốc hội thông qua và chỉ khi nào có chữ ký của Tổng thống và một Bộ trưởng trong Chính phủ thì dự luật mới có hiệu lực pháp lý.

Về mặt lý thuyết, Tổng thống có quyền từ chối không ký một dự luật và trong trường hợp này sẽ phải trưng cầu dân ý trong cả nước.

Quyền hành pháp: thuộc về Chính phủ (nội các). Chính phủ quản lý hành chính của cả nước, gồm Thủ tướng và 11 bộ trưởng, 11 bộ (từ năm 2009), kể cả Phủ Tổng thống. Các thành viên Chính phủ do Quốc hội bầu ra.

Quyền tư pháp : thuộc về toà án.  Hệ thống toà án của Ai-xơ-len gồm hai cấp: Tòa án cấp thấp do các quan tòa chủ trì. Tòa án tối cao ở Reykjavik gồm 5 thẩm phán. Ngoài ra ở Thủ đô Reykjavik còn có một thẩm phán đặc biệt phụ trách tòa hình sự và một thẩm phán phụ trách tòa dân sự ở cấp thấp.

 

2. Các đảng phái chính trong Quốc hội

       Tại Ai-xơ-len có 7 đảng có đại diện trong quốc hội và lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng DCXH trở thành chính đảng lớn nhất tại Ai-xơ-len và Liên minh trung tả giữa Đảng DCXH và Đảng Phong trào cánh tả xanh do bà Johanna Sigurdardottir (Lãnh tụ Đảng DCXH) đứng đầu, đã quay trở lại cầm quyền sau 18 năm (đạt 34/63 ghế, tương đương 51,5% số phiếu).

 

STT

Đảng

Chủ tịch

Một số nét khái quát

1

Đảng Dân chủ xã hội

Johanna Sigurdardottir

(Thủ tướng)

Thành lập năm 1916, là đảng liên minh chiếm đa số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 25/4/2009, đại diện quyền lợi của tầng lớp trung lưu ở thành thị.

2

Đảng phong trào cánh tả xanh

Ông Steingrímur J. Sigfússon

Thành lập năm 1999, tập trung vào các giá trị xã hội, chủ nghĩa bình quyền cho phụ nữ và bảo vệ môi trường.

3

Đảng Độc lập

Ông Bjarni Benediktsson, Jr.

 

Thành lập năm 1929, đại diện cho giới tư bản tài chính, công nghiệp và ngư nghiệp, thuộc cánh hữu.

4

Đảng Tiến bộ

Ông Sigmundur Davíð Gunnlaugsson

Thành lập 1916, là đảng lớn thứ hai, đại diện quyền lợi của cả tầng lớp trung và tiểu chủ và một bộ phận của tầng lớp trung lưu ở thành thị, thuộc cánh hữu.

5

Đảng Cấp tiến

Ông Guðjón Arnar Kristjánsson

Thành lập 1998, theo đường lối trung hữu.

6

Đảng phong trào dân chủ

Ông Ástþór Magnússon

Thành lập năm 2008.

7

Đảng phong trào công dân

Không có người đứng đầu

Thành lập năm 2008 trong phong trào chống chính phủ vì khả năng lãnh đạo không hiệu quả trong bối cảnh khủng hoảng tài chính.

                                                                                                               

IV. GIỚI THIỆU VỀ KINH TẾ

1. Đặc điểm chung

       Ai-xơ-len là nước nhỏ, ít dân, theo mô hình kinh tế Xcăng-đi-na-vi-a (Bắc Âu) với nền kinh tế thị trường xã hội kết hợp các nguyên tắc cấu trúc của nền kinh tế thị trường tự do hóa. Trước năm 2008, Ai-xơ-len luôn duy trì được mức tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và phân bổ thu nhập đồng đều. Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Ai-xơ-len chuyển đổi mạnh sang lĩnh vực công nghiệp lắp ráp và dịch vụ, phát triển phần mềm, công nghệ sinh học và dịch vụ ngân hàng, du lịch cũng trở thành một thế mạnh của Ai-xơ-len với hình thức du lịch sinh thái và xem cá voi. Với nguồn lực thủy điện và địa nhiệt điện dồi dào, Ai-xơ-len đã thu hút được nguồn đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực khai thác nhôm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

       Ai-xơ-len không có một nền công nghiệp đa dạng. Sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt không thuận lợi; do đó, ngoại thương có một vai trò quan trọng sống còn đối với đất nước. Trừ ngành công nghiệp chế biến cá, Ai-xơ-len phải nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp khác cũng như hàng hóa tiêu dùng cho nhu cầu trong nước. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Ai-xơ-len tương đương 39% GDP, trong khi đó nhập khẩu chiếm 31% GDP. Do là nước nhỏ nên Ai-xơ-len tập trung trao đổi nội khối và trong khu vực Châu Âu là chủ yếu, với các đối tác thương mại chính là Anh, Đức, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và với 3 nước ngoài khu vực Châu Âu là Trung Quốc, Mỹ và Bra-xin.

       Năm 2008, nền kinh tế tài chính của Ai-xơ-len bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đánh dấu sự sụp đổ của ba ngân hàng lớn nhất nước này là Glitnir, Landsbank và Kaupthing, buộc phải nhận khoản cứu trợ hơn 10 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các quốc gia khác để bình ổn thị trường tài chính và đồng curon Ai-xơ-len. Sau nhiều thập kỷ đạt được tăng trưởng kinh tế cao và là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, Ai-xơ-len đã phải chứng kiến mức giảm GDP kỷ lục 7% vào năm 2009, tỷ lệ lạm phát hai con số (12%) và tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 10% sau gần 20 năm không có thất nghiệp. Năm 2010, nền kinh tế Ai-xơ-len vẫn trì trệ, với mức GDP suy giảm 2% và tỷ lệ thất nghiệp cao (8,3%), tỷ lệ lạm phát ở mức 5,5%.

       Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt Chương trình phục hồi kinh tế theo thỏa thuận giữa Chính phủ Ai-xơ-len và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các chính sách cải tổ hệ thống ngân hàng, giám sát tài chính và thắt chặt chi tiêu, kinh tế Ai-xơ-len cơ bản đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và từng bước đi vào phục hồi. Sau 2 năm suy giảm mạnh (năm 2009: -7% và 2010: -2%), GDP năm 2011 ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng tích cực hơn, đạt 2,4%, các ngành đánh bắt, chế biến hải sản, năng lượng, công nghiệp chế tạo, IT, du lịch đều có mức tăng trưởng khá, giá trị xuất khẩu tăng và có thặng dư, lạm phát tương đối thập và đồng curon Ai-xơ-len về cơ bản ổn định, nợ công và nợ nước ngoài có xu hướng giảm.

 

2. Các ngành kinh tế mũi nhọn

2.1. Ngành đánh bắt và chế biến cá

       Chiếm khoảng 50% tổng thu nhập từ xuất khẩu hàng hóa, chiếm 7% lực lượng lao động, làm việc chủ yếu trong nghề đánh bắt cá và công nghiệp chế biến cá.

       Ai-xơ-len có đội tàu đánh cá hiện đại vào loại nhất thế giới, hàng nằm đánh bắt trên 1,5 triệu tấn cá các loại,

      

2.2. Công nghiệp chế biến

       Công nghiệp luyện nhôm là ngành công nghiệp sử dụng năng lượng quan trọng nhất tại Ai-xơ-len và hiện tại đang có 3 nhà máy đang đi vào hoạt động là nhà máy Rio Tinto Alcan, Nordurál và Alcoa.     

       Công nghiệp sản xuất trang thiết bị cho tàu thủy và công nghiệp chế biến cá phát triển, trước hết phục vụ cho nhu cầu trong nước. Các thiết bị tàu đánh cá do Ai-xơ-len sản xuất được xuất khẩu rộng rãi trên thị trường thế giới bao gồm tàu đánh cá có lưới kéo.

      

2.3. Ngành thủy điện và địa nhiệt điện

       Ai-xơ-len giàu tiềm năng về thủy điện và địa nhiệt điện từ các mỏ nước nóng, đứng thứ 5 trên thế giới về sử dụng điện tính theo đầu người. Ai-xơ-len đã tự cung tự cấp tới 80% nguồn năng lượng quốc gia. Công nghiệp địa nhiệt cung cấp khoảng 90% sản lượng điện và 100% nhiệt sưởi ấm. Ai-xơ-len phấn đấu trở thành quốc gia không phụ thuộc vào năng lượng tự nhiên (như dầu mỏ, khí đốt; mà chỉ sử dụng năng lượng tái chế) muộn nhất vào năm 2050.

Ngoài ra, địa nhiệt điện từ các mỏ nước nóng còn được sử dụng trong công nghiệp sản xuất phân bón hóa học với sản lượng phân bón hiện nay là 62.000 tấn/năm.

         

3. Nông nghiệp

       Diện tích đất có thể trồng trọt được chiếm 19% diện tích cả nước, nhưng diện tích được canh tác chỉ chiếm 1% diện tích cả nước, chủ yếu là trồng cỏ và chăn nuôi, và hàng năm chỉ canh tác được từ 4-5 tháng. Ai-xơ-len có khoảng 4.700 nông trại cỡ trung bình là 1.200 ha, trong đó 85% là thuộc tư nhân và khoảng 4,8% lực lượng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp.

         

V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

Do yếu tố lịch sử, cho đến năm 1918, mọi quan hệ với thế giới bên ngoài của Ai-xơ-len đều do Đan Mạch quản lý. Sau khi giành được chủ quyền năm 1918, năm 1920 Ai-xơ-len có một Bộ trưởng ở Thủ đô Cô-pen-ha-gen (Copenhagen).  Đến năm 1944, Ai-xơ-len quản lý hoàn toàn các vấn đề đối ngoại của mình. Hiện nay, Ai-xơ-len có quan hệ ngoại giao với khoảng 78 nước và có 18 Sứ quán thường trú ở các nước. Là nước chỉ có trên 30 vạn dân, nhưng Ai-xơ-len đã sớm tham gia các tổ chức quốc tế như LHQ, OECD, EFTA, IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), FAO (Quỹ Nông-Lương LHQ), WHO (Tổ chức y tế thế giới), UNESCO, EFTA, NATO v.v…Ngoài ra, Ai-xơ-len có các phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế ở Geneva, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO ), EFTA (Khối mậu dịch tự do Châu Âu), EU (Liên minh Châu Âu), UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) , OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), Liên Hợp Quốc (UN) và có đại diện lãnh sự ở khoảng 173 nước. Trước khi đặt Sứ quán thường trú ở Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam, Ai-xơ-len có một đại sứ quán lưu động nằm trong Bộ Ngoại giao phụ trách các nước Châu Á.      

Trước đây, Ai-xơ-len đặt trọng tâm vào quan hệ với Mỹ, NATO, Anh và các nước Bắc Âu. Trong bối cảnh khó khăn kinh tế, Ai-xơ-len tiếp tục thi hành chính sách đối ngoại tích cực và mở cửa, chú trọng tăng cường quan hệ với các nước Bắc Âu, Eu, Châu Âu và khu vực khác để thu hút đầu tư, tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu. Ai-xơ-len coi trọng quan hệ với EU (chiếm 75% xuất khẩu của Ai-xơ-len), xin gia nhập EU và mong muốn tiến tới tham gia khu vực đồng euro. Quá trình thương lượng gia nhập EU nhìn chung có tiến bộ và được nhiều nước Bắc Âu, Baltic và Châu Âu ủng hộ. Thách thức lớn nhất đối với Ai-xơ-len trong quá trình thương lượng gia nhập EU là bảo vệ được lợi ích quốc gia và chính sách khai thác thủy hải sản một cách bền vững. Ai-xơ-len tiếp tục tăng cường quan hệ với Đan Mạch, Na Uy và các nước Bắc Âu, Baltic. Quan hệ song phương giữa Ai-xơ-len với Anh và Hà Lan tiếp tục phức tạp vì còn vấn đề Icesave[1] tồn tại chưa giải quyết được.

Ai-xơ-len càng ngày càng quan tâm mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác kinh tế với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Châu Á khác, nhất là trong các lĩnh vực khai thác hải sản bền vững, địa nhiệt, năng lượng tái tạo, IT… Ai-xơ-len ủng hộ Nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an LHQ về vấn đề Li-bi, quyền của người Palestine lập quốc gia có đại diện tại LHQ, ủng hộ nối lại thương lượng Palestine – Israel, lên tiếng bảo vệ nhân quyền, phê phán các chính quyền độc tài ở Trung Đông, Iran…

Chính sách ODA: năm 2009, ODA của Ai-xơ-len là 34 triệu USD; năm 2010 giảm xuống còn 25 triệu USD do khó khăn kinh tế. Tháng 2/2011, Quốc hội Ai-xơ-len đã thông qua Chương trình ODA giai đoạn 2011-2014 và Nghị quyết về Chiến lược hợp tác phát triển nhằm hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, đưa ra cam kết đến hết năm 2021 dành 0,7% GNI để viện trợ ODA giúp các nước nghèo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Ai-xơ-len lên kế hoạch chi tiết cho chiến lược HTPT. Động thái này của Ai-xơ-len cho thấy nước này bắt đầu muốn khởi động lại sự tham gia của mình vào các hoạt động toàn cầu, nhằm gia tăng hình ảnh sau thời gian bị lãng quên do cú sốc khủng hoảng tài chính.  

Hiện Ai-xơ-len chủ yếu giúp các nước nghèo ở Châu Phi phát triển nghề cá, năng lượng tái tạo, xóa đói giảm nghèo, giảm tử vong trẻ em, viện trợ nhân đạo khắc phục thiên tai v..v… với mức viện trợ là 30 triệu USD.

 


 

QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

 

I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ       

       Việt Nam và Ai-xơ-len thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/8/1973. Ai-xơ-len đã tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.

       Đại sứ Ai-xơ-len tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch kiêm nhiệm Ai-xơ-len.

       Ngày 9/12/2010, Đại sứ mới của Ai-xơ-len tại Bắc Kinh, kiêm nhiệm Việt Nam, bà Kờ-rít-xơ-tin  A-na-đót-tia  (Kristin A. Arnadottir)  đã trình quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Quan hệ hai nước hứa hẹn sẽ được lưu tâm nhiều trong nhiệm kỳ của Bà Đại sứ.

II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ

Quan hệ kinh tế hai nước đến nay chưa có gì đáng kể. Việt Nam xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Ai-xơ-len như giày dép, may mặc, một số hàng hải sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ; trong khi Ai-xơ-len xuất chủ yếu là hải sản, sản phẩm thịt và một số máy móc sang Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước từ  năm 2006 đến nay không đáng kể :

 Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Ai-xơ-len 2006 - 2011

                                                                                                            đơn vị: triệu USD     

Năm

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Xuất khẩu

3,68

4,75

7,9

6,53

7,0

9,5

Nhập khẩu

5,67

6,39

9,0

1,74

2,56

4,0

Tổng

9,35

11,14

16,9

8,27

9,56

13,5

                                                                         (Nguồn: Tổng cục Hải quan Iceland)

Ngày 15/6/1995, Thống đốc Ngân hàng Ai-xơ-len cùng 9 nhà doanh nghiệp vào Việt Nam bàn về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hải sản. Hiện nay, Ai-xơ-len đã thông qua Chương trình hợp tác với Việt Nam về thủy sản, trong đó có việc nhận cán bộ Việt Nam sang học tập tại trường Thủy sản của Liên hợp quốc tại Ai-xơ-len, cử chuyên gia sang Việt Nam tổ chức hội thảo, mở lớp tập huấn...

Tháng 4/2002, Thủ tướng Ai-xơ-len Đa-vít Ốt-xơn (David Oddsson) thăm Việt Nam. Hai bên đã ký "Hiệp định tránh đánh thuế hai lần" và "Tuyên bố các lợi ích tương hỗ trong việc tạo thuận lợi cho thương mại giữa Việt Nam và Ai-xơ-len" và nhất trí sẽ xúc tiến thảo luận để ký kết Hiệp định đầu tư song phương giữa hai nước.

Tháng 9/2002, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Ai-xơ-len, hai bên đã ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Ai-xơ-len.

Tháng 9/2011, sau gần 10 năm không trao đổi đoàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã thăm chính thức và tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh tế với Icleand. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ký kết Hiệp định vận tải hàng không.

Trên các diễn đàn đa phương, Ai-xơ-len ủng hộ ta ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ khóa 2008-2009 và đề nghị ta ủng hộ Ai-xơ-len ứng cử vào HĐBA khóa 2009-2010. Tuy nhiên, ta đã cam kết ủng hộ Áo và Thổ Nhĩ Kỳ vào vị trí này trước đó và đã thông báo để bạn thông cảm.

III. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI AI-XƠ-LEN

Cộng đồng người Việt Nam tại Ai-xơ-len hiện có khoảng 1000 người, phần lớn sống tại thủ đô. Đa số bà con từ các tỉnh miền Bắc sang Ai-xơ-len vào đầu thập niên 70 và 80 vì lý do kinh tế, phần đông đã nhập quốc tịch Ai-xơ-len. Tuy nhiên, do luật Ai-xơ-len không quy định phải bỏ quốc tịch gốc nên ngoài hộ chiếu Ai-xơ-len, kiều bào ta ở đây vẫn sử dụng hộ chiếu Việt Nam.

 Trình độ học vấn của người Việt các thế hệ đầu (thế hệ 1) sang Ai-xơ-len nhìn chung thấp, phần đông chỉ tốt nghiệp tiểu học và trung học, không có kỹ năng chuyên môn. Do trình độ chuyên môn và ngôn ngữ địa phương hạn chế nên đa số làm nghề buôn bán nhỏ, mở hàng ăn hoặc làm thợ, công nhân. Phần lớn số người sang đoàn tụ gia đình đã lớn tuổi, không biết tiếng địa phương và sống nhờ vào trợ cấp xã hội của nước sở tại.

Số người Việt thế hệ 2 (ra đi khi còn nhỏ hoặc sinh ra ở nước sở tại) có điều kiện học tập tốt hơn, một số có trình độ đại học và trên đại học, có việc làm ổn định và đời sống khá giả. Một số ít có công ty và kinh doanh tương đối thành công. Hầu hết kiều bào ở Ai-xơ-len làm công ăn lương.

Nhìn chung, cộng đồng người Việt tại Ai-xơ-len có cuộc sống và việc làm ổn định, chịu khó làm ăn, tôn trọng pháp luật, hội nhập khá tốt. Bà con vẫn theo dõi tình hình trong nước và phấn khởi về thành tựu đổi mới, về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

                                                         

Tháng 2 năm 2012

                                                                                              

 

 

         

 



[1] Icesave là tài khoản tiết kiệm online tại một trong ba Ngân hàng lớn của Iceland. Rất nhiều khách hàng Anh và Hà Lan đã gửi tiền vào tài khoản này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính nổ ra làm hệ thống tài chính của Iceland sụp đổ, nước này mất khả năng thanh toán cho các khách hàng Anh và Hà Lan. Dưới sức ép của các công dân Anh và Hà Lan, chính phủ hai quốc gia này đã phải đền bù khoản tiền hơn 5 tỷ USD cho các công dân của mình và yêu cầu Iceland hoàn trả lại khoản tiền nói trên. Vấn đề Icesave trở nên trầm trọng khi nó trở thành tranh cãi và bước cản ngoại giao trong suốt 2 năm qua giữa Iceland với Anh và Hà Lan.

 

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer