THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CHLB ĐỨC VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM - ĐỨC
TÀI LIỆU CƠ BẢN CHLB ĐỨC
I. Thông tin cơ bản:
- Tên nước: Cộng hoà Liên bang Đức (Federal Republic of Germany)
- Thủ đô: Berlin
- Quốc kỳ: 3 sọc ngang đen, đỏ, vàng
- Vị trí địa lý: Trung Âu, Đức nằm giữa lòng Châu Âu và được bao bọc bởi 9 nước láng giềng: Pháp, Áo, Thuỵ Sĩ, Séc, Ba Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg. Tổng biên giới dài 3757km.
- Diện tích: 357.021 km2
- Khí hậu: vùng khí hậu đại dương/ lục địa ôn hoà với thời tiết thường xuyên thay đổi và chủ yếu là gió Tây. Có các mùa xuân, hạ, thu, đông, rất khác nhau về nhiệt độ và mức độ mưa mù, tuyết sương.
- Tài nguyên thiên nhiên: Than ở vùng Ruhr (Ruhrgebiet)
- Thu nhập bình quân đầu người: 39.6146 USD (năm 2011)
- Đơn vị tiền tệ: Euro
- GDP 2011: 3340 tỷ USD (đứng thứ 4 thế giới)
- Tăng trưởng kinh tế năm 2011: 3,0%, dự kiến 0,6% năm 2012, 1,8% năm 2013.
- Dân số: 82,3 triệu. Khoảng 7,3 triệu người nước ngoài sinh sống ở Đức (8,8% dân số), trong đó có khoảng 100.000 người Việt Nam
- Dân tộc: người Đức là chủ yếu. Ngoài ra còn có dân tộc thiểu số Doben sống ở Đông Đức.
- Tôn giáo: gần 53 triệu người theo đạo Thiên chúa (26 triệu theo Công giáo, 26 triệu theo Tin lành, 900.000 theo dòng Chính thống), 3,3 triệu theo đạo Hồi, 230.000 theo đạo Phật, 100.000 theo đạo Do Thái, 90.000 theo đạo Hindu.
- Ngôn ngữ: tiếng Đức
- Ngày Quốc khánh: 3/10 (ngày thống nhất nước Đức)
- Cơ cấu hành chính: CHLB Đức là nhà nước liên bang. Liên bang cũng như 16 Bang, trong đó có 3 Bang - thành phố (Berlin, Hamburg, Bremen/Bremehaven) đều có các thẩm quyền riêng. Cấp liên bang có thẩm quyền về các lĩnh vực chính sách đối ngoại, chính sách Châu Âu, quốc phòng, tư pháp, lao động, xã hội, thuế và y tế. Thẩm quyền về các lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, giáo dục phổ thông, đại học cũng như hành chính và cấp địa phương nằm trong tay các Bang. Các thẩm quyền của Liên Bang được giới hạn chủ yếu trong công tác lập pháp và các Bang tham gia vào công tác đó thông qua đại diện của mình ở Hội đồng Liên Bang (Thượng nghị Viện). Bộ máy hành chính các Bang không chỉ có trách nhiệm thực thi các đạo luật của Bang mà của cả Liên Bang.
- Lãnh đạo chủ chốt: Tổng thống Joachim Gauck[1] (không đảng phái) Thủ tướng Angela Merkel (CDU)[2] ; Ngoại trưởng Guido Westerwelle (FDP)[3]; Chủ tịch Quốc hội Liên bang Nobert Lammert (CDU)[4].
II. Khái quát lịch sử:
Sau chiến tranh Pháp - Phổ (1870 – 1871) các nhà nước Nam Đức hợp nhất với Hiệp hội các Nhà nước Bắc Đức lập ra Đế chế Đức. Ngày 18/01/1871 Vua Phổ Wilhelm Đệ nhất được phong Hoàng đế. Otto von Bismarck (1815 – 1898), người có công rất lớn trong việc tập hợp các nhà nước cắt cứ Đức thành một nước Đức thống nhất, giữ chức Thủ tướng suốt 19 năm.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, nước Đức và thủ đô Berlin bị chia thành 4 khu vực quân quản do quân đồng minh Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp quản lý.
- Ngày 7/9/1949, ở phần đất quân quản của đồng minh phương Tây đã tổ chức tuyển cử, bầu Nghị viện Tây Đức và tuyên bố thành lập nước CHLB Đức.
- Ngày 7/10/1949, khu vực quân quản phía đông Đức và phía đông Thủ đô Berlin tiến hành bầu cử, nước CHDC Đức được thành lập.
- Ngày 13/8/1961, bức tường Berlin được dựng lên chia cắt phía Đông và Tây của thành phố.
- Ngày 9/11/1989, chính quyền Đông Đức tuyên bố mở cửa bức tường Berlin, khởi đầu sự sụp đổ của Nhà nước Đông Đức.
- Ngày 3/10/1990, CHDC Đức sát nhập vào CHLB Đức thành nước Đức ngày nay. Ngày 3/10 được coi là ngày Quốc khánh của nước CHLB Đức thống nhất.
- Ngày 24/6/1991, Quốc hội CHLB Đức đã bỏ phiếu chọn Berlin làm Thủ đô của nước Đức thống nhất.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị, Lãnh đạo chủ chốt (thuộc đảng phái nào):
1. Quốc hội Liên bang (Hạ viện):
Quốc hội Liên bang (QHLB) là cơ quan được bầu đại diện cho nhân dân. Hệ thống bầu cử của Đức tương đối phức tạp, quy định mỗi đảng tranh cử phải giành được ít nhất 5% số phiếu bầu mới được tham gia Quốc hội. QHLB được tổ chức trong các đoàn nghị sĩ của các đảng đoàn (Fraktion) và họ bầu một nghị sĩ trong số họ vào chức vụ Chủ tịch QHLB. QHLB bầu Thủ tướng Liên bang (TTg LB) và có thể bãi nhiệm TTg LB bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Nhiệm vụ thứ 2 của QHLB là lập pháp. Từ năm 1949 đã có khoảng hơn 10.000 dự án luật được đưa ra QHLB và hơn 6.600 luật được thông qua, đa số là các luật sửa đổi.
Nhiệm vụ thứ 3 của QHLB là kiểm tra giám sát hoạt động của Chính phủ. Phần công việc kiểm tra của QHLB được công bố trước công luận là do phe đối lập trong QH thực hiện.
Các Uỷ ban chuyên môn của QHLB là các cơ quan của toàn thể QH. QHLB khoá 17 (bầu cử năm 2009) có 22 Uỷ ban. Hiến pháp quy định phải có Uỷ ban đối ngoại, Uỷ ban EU, Uỷ ban quốc phòng và Uỷ ban khiếu nại. Nhiệm vụ của các Uỷ ban là chuẩn bị cho các cuộc họp bàn của QHLB. Các dự thảo luật sẽ được xem xét với sự có mặt của đại diện Chính phủ Liên bang và Hội đồng Liên bang và các mâu thuẫn giữa Chính phủ và phe đối lập sẽ được cân bằng trong chừng mực có thể.
5 đảng chính trị với tổng cộng 622 đại biểu tham gia QHLB khoá 17 (2009-2013), số ghế được phân chia như sau: CDU/CSU: 239; SPD: 146; FDP: 93; Cánh tả: 76; Đảng Xanh: 68. 33% số đại biểu là phụ nữ.
2. Hội đồng Liên bang (Thượng viện):
Hội đồng Liên bang là cơ quan đại diện của 16 bang, không phải do tổng tuyển cử bầu ra mà do Quốc hội các bang cử với số lượng tỉ lệ thuận với dân số của từng bang. Những đạo luật quan trọng sau khi đã được Quốc hội thông qua phải được Hội đồng liên bang chuẩn y thì Tổng thống mới phê duyệt. Thủ hiến các bang thay nhau làm Chủ tịch Hội đồng Liên bang với thời hạn 1 năm. Chủ tịch Hội đồng liên bang thực hiện các công việc của Tổng thống khi Tổng thống vắng mặt.
3. Tổng thống Liên bang:
Tổng thống là đại diện cho CHLB Đức với tư cách là Nguyên thủ quốc gia. Tổng thống đại diện đất nước đối với quốc tế và bổ nhiệm các thành viên Chính phủ, thẩm phán và quan chức cao cấp. Với chữ ký của mình, Tổng thống quyết định các đạo luật có hiệu lực. Theo đề nghị của Thủ tướng, Tổng thống bãi nhiệm Chính phủ và được phép giải tán Quốc hội trước khi kết thúc nhiệm kỳ trong trường hợp ngoại lệ như hồi mùa hè 2005. Luật cơ bản không trao cho Tổng thống quyền phủ quyết các nghị quyết luật của Quốc hội. Tuy Tổng thống công nhận các nghị quyết của QH và đề nghị nhân sự của Chính phủ, nhưng Tổng thống chỉ kiểm tra quá trình dẫn đến các nghị quyết, đề nghị đó có phù hợp với quy định của Luật cơ bản không.
Nhiệm kỳ của Tổng thống là 5 năm và có thể được bầu lại thêm một lần nữa. Đại hội liên bang gồm một nửa là nghị sĩ QHLB và một nửa là đại diện do Quốc hội 16 Bang bầu nhóm họp 5 năm một lần để bầu Tổng thống mới.
4. Thủ tướng Liên bang và Chính phủ:
Thủ tướng là thành viên duy nhất của Chính phủ Liên bang được bầu. Hiến pháp trao cho Thủ tướng quyền tự chọn bộ trưởng là người đứng đầu các cơ quan chính trị quan trọng nhất. Ngoài ra, Thủ tướng quyết định số lượng các bộ và ấn định thẩm quyền của các bộ. Điều 65, câu 1 của Hiến pháp quy định Thủ tướng có thẩm quyền đưa ra định hướng, ấn định những trọng tâm công tác của chính phủ.
Thủ tướng và các Bộ trưởng Liên bang thành lập Chính phủ Liên bang. Bên cạnh thẩm quyền đưa ra định hướng của Thủ tướng còn có nguyên tắc ngành, theo đó Bộ trưởng tự lãnh đạo ngành của mình trong khuôn khổ định hướng đó, cũng như nguyên tắc đồng nghiệp, tức là Chính phủ Liên bang quyết định theo đa số về những vấn đề tranh cãi. Thủ tướng lãnh đạo công việc của Chính phủ.
Hệ thống bầu cử của Đức khiến cho từng đảng riêng rẽ rất khó một mình đứng ra thành lập chính phủ. Thông thường, các đảng phải liên minh với nhau. Từ cuộc bầu cử QHLB đầu tiên năm 1949 đến nay, đã có 22 Chính phủ liên minh ở Đức. Chính phủ của Đức nhiệm kỳ 2009 - 2013 gồm 15 Bộ và một cơ quan ngang Bộ là Phủ Thủ tướng.
5. Toà án Hiến pháp Liên bang:
Toà án Hiến pháp Liên bang (TAHPLB) có trụ sở tại thành phố Karlsruhe, gồm 2 toà, mỗi toà có 8 thẩm phán gồm một nửa do QHLB và một nửa do Hội đồng Liên bang bầu. Nhiệm kỳ của mỗi thẩm phán là 12 năm và không được bầu lại. TAHPLB là một cơ quan đặc trưng của nền dân chủ Đức sau chiến tranh. Luật cơ bản trao cho TAHPLB quyền huỷ bỏ những đạo luật nếu xác định rằng những đạo luật đó vi phạm Hiến pháp.
6. Các đảng chính trị:
Ở Đức có khoảng 37 đảng đăng ký hoạt động, nhưng chỉ có một số đảng lớn có ghế trong Quốc hội Liên bang và thay nhau cầm quyền. Các chính đảng lớn gồm CDU/CSU (Dân chủ Thiên chúa giáo/ Xã hội Thiên chúa giáo), SPD (Xã hội Dân chủ), FDP (Tự do Dân chủ), đảng Xanh và đảng Cánh tả (trước đây là đảng XHCN thống nhất – SED).
a. Đảng Xã hội Dân chủ (SPD) là đảng cánh tả lớn nhất và cũng là chính đảng lâu đời nhất ở Đức được thành lập năm 1863. Sau khi bị cấm trong thời kỳ chủ nghĩa phát xít, đảng được tái lập năm 1945. Với chương trình Godesberg năm 1959, đảng chính thức không còn là một đảng công nhân mà là một đảng quần chúng. Niềm tin của đảng là “Tự do, Công bằng và Đoàn kết”.
b. Đảng Cánh tả: là đảng kế thừa của Đảng XHCN thống nhất Đức (SED), là đảng lãnh đạo CHDC Đức trước đây. Đảng dựa trên lý tưởng XHCN, ủng hộ phong trào cánh tả và phần nào phong trào dân chủ xã hội.
c. Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo và xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU): Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU): là đảng cánh hữu lớn nhất ở Đức, thành lập năm 1945 và có khuynh hướng bảo thủ. Đảng Liên minh xã hội Thiên chúa giáo (CSU) có đường lối bảo thủ tương tự nhưng chỉ hoạt động tại Bang Bayern. Hai đảng này cùng nhau tạo thành một đảng phái chung trong Quốc hội Liên bang Đức, thường được gọi chung là “liên minh” hay “các đảng liên minh”.
d. Đảng Dân chủ Tự do (FDP): thành lập năm 1948. Đảng FDP ủng hộ quyền tự do cá nhân, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế và quyền công dân. FDP là đối tác Liên minh nhỏ, nhưng tham gia Chính phủ liên bang nhiều nhiệm kỳ.
e. Đảng Xanh: ra đời từ các phong trào xã hội mới cuối thập kỷ 1970 như phong trào phụ nữ, phong trào hoà bình và phong trào sinh thái. Năm 1983, Đảng được bầu vào Quốc hội Liên bang lần đầu tiên. Năm 1990, đảng Xanh hoà nhập với phong trào nhân dân Đông Đức (Liên minh 90) trở thành Liên minh 90/ Xanh. Đảng Xanh là lực lượng đang nổi lên, ngày càng thu hút nhiều sự ủng hộ do nhu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
f. Các đảng phái khác: một số đảng khác có khuynh hướng cực hữu như Người Cộng hoà (REP), Liên minh Nhân dân Đức (DVU), Dân chủ quốc gia Đức (NPD), v.v…đều là các đảng nhỏ, chưa từng có ai đại diện trong Quốc hội Liên bang trong 60 năm qua, nhưng có thời điểm có chân trong quốc hội một số bang. Các đảng này phát triển khá mạnh ngay sau khi tái thống nhất nước Đức do lợi dụng tâm lý bất bình của người dân với chính sách nhập cư của Chính phủ, song hiện nay có xu hướng suy yếu.
IV. Kinh tế:
1. Mô hình kinh tế: Luật cơ bản không quy định một trật tự kinh tế nhất định nào, nhưng loại trừ nền kinh tế thị trường thuần tuý và tự do bằng cách gắn chặt vào đó nguyên tắc “Kinh tế thị trường xã hội” với phương châm “ít nhà nước như có thể, nhiều nhà nước như cần thiết”. Phương châm cơ bản là dựa trên nguyên tắc tự do của một nền kinh tế thị trường, bổ sung bằng những biện pháp cân bằng xã hội, nghĩa là nhà nước có một loạt các biện pháp phòng ngừa nguy cơ. Mô hình kinh tế thị trường xã hội của Đức rất chú trọng phúc lợi xã hội và dân sinh.
2. Cơ cấu kinh tế: Đức là một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc về GDP, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu (năm 2011 xuất 1060,1 tỷ Euro). Các ngành công nghiệp chủ yếu là: chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp hoá chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử. Từ năm 1975 Đức là thành viên của G8.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng tác động đến Đức. Thiệt hại nặng nề nhất là các ngành định hướng xuất khẩu chế tạo máy và thiết bị cũng như ngành sản xuất ô tô. Đức là một trong những quốc gia phục hồi nhanh nhất sau khủng hoảng kinh tế. Năm 2011 tăng trưởng kinh tế Đức đạt 3,0%, tuy thấp hơn năm 2010 (3,6%) song đây vẫn là mức tăng trưởng cao hàng đầu trong nhóm các nền kinh tế phát triển. Nhiều ngành công nghiệp như máy móc, ô tô, điện tử, hoá chất,…đều đạt tăng trưởng sản lượng và xuất khẩu cao. Số người thất nghiệp giảm xuống còn 2,855 triệu người (tháng 5/2012), qua đó giảm tỷ lệ thất nghiệp còn 6,7% (7% tháng 5/2011).
- Công nghiệp: Các ngành công nghiệp chủ yếu là: Chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp hoá chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử.
Đức có nhiều tập đoàn đa quốc gia tầm cỡ thế giới như BASF, Robert Bosch GmbH, E.On, Deutsche Telekom, Siemens AG, Deusche Bank, v.v… Tuy nhiên, xương sống của kinh tế Đức là các công ty có quy mô vừa và nhỏ (thu hút khoảng 20 triệu lao động).
- Nông nghiệp: Phần lớn diện tích nước Đức dùng cho nông nghiệp, nhưng chỉ có 2-3% dân số Đức làm việc trong ngành này. Vùng bờ biển phía Bắc chuyên nuôi bò sữa và ngựa. Vùng chân núi Alps tập trung chăn nuôi gia cầm, lợn, bò và cừu. Dải đất màu mỡ dọc theo sườn nam vùng đất thấp là nơi gieo trồng lúa mì, lúa mạch, ngũ cốc, củ cải đường, cây ăn trái, khoai tây và nho. Đức nằm trong số các nước sản xuất sữa, chế phẩm sữa và thịt nhiều nhất thế giới. Nông nghiệp ở Đức được điều tiết theo chính sách nông nghiệp của EU.
- Dịch vụ: Phát triển mạnh trong những năm gần đây và hiện đóng góp nhiều nhất vào GDP. Frankfurt là trung tâm tài chính lớn nhất của Đức và cũng là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.
Đức là một trong những nước có mạng lưới giao thông dày nhất thế giới (đứng thứ 2 sau Mỹ), bao gồm 11.980km đường cao tốc và 41.386km đường liên tỉnh. Bên cạnh tài chính ngân hàng, Frankfurt cũng là trung tâm trung chuyển hàng không hàng đầu thế giới (năm 2011 sân bay Frankfurt chuyên chở 53 triệu lượt khách). Hệ thống giao thông đường thuỷ và đường biển có vị trí rất quan trọng đối với một nền kinh tế hướng xuất khẩu như Đức. Hamburg là cảng biển lớn nhất Đức và cũng là một trong 3 cảng lớn nhất thế giới.
3. Thương mại
Xuất khẩu có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Đức, thu hút khoảng 25% lực lượng lao động. Đức là nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới với 1.120 tỷ USD (Trung Quốc mới vượt Đức năm 2009), đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc) với quy mô khoảng 930 tỷ USD. Hàng chế tạo và công nghệ chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu, bao gồm máy móc, hàng điện tử, ôtô, các sản phẩm hoá chất, thực phẩm, hàng dệt may, dụng cụ quang học và điện năng. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, phương tiện vận chuyển, hoá chất. Đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức là EU, Mỹ, Trung Quốc. Thị trường EU chiếm gần 60% xuất khẩu. Xuất khẩu của Đức ra ngoài EU, đặc biệt là các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ có xu hướng tăng nhanh.
Là nền kinh tế hướng xuất khẩu có sức cạnh tranh cao, Đức ủng hộ tự do hoá thương mại. Bên cạnh tập trung vào thị trường EU và Mỹ, Đức cũng tìm cách mở rộng các thị trường đang nổi lên ở Châu Á- TBD, Mỹ Latinh và Châu Phi.
4. Đầu tư:
Đức có môi trường đầu tư hấp dẫn nhờ sở hữu nhiều công nghệ, know-how, có vị trí địa- chính trị ở trung tâm châu Âu, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, pháp luật hoàn thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao. Do chi phí lao động ngày càng cao, nên Đức có lợi thế thu hút đầu tư trong những ngành sử dụng công nghệ và vốn, mất dần lợi thế trong các ngành sử dụng lao động. Những cải cách về thuế doanh nghiệp ngang bằng với mức bình quân thế giới tạo thuận lợi nhất định cho giảm chi phí đầu tư ở Đức, góp phần giúp Đức duy trì hấp dẫn đầu tư
Đức cũng là nước đầu tư lớn nắm nhiều công nghệ nguồn. Hàng năm, Đức đầu tư ra nước ngoài khoảng 30-45 tỷ Euro trong đó chủ yếu tập trung vào các nước EU và Trung Quốc.
5. Chính sách ODA - Hợp tác phát triển:
Từ năm 1998, Đức đã bắt đầu tập trung cung cấp ODA cho một số nước trọng tâm. Đối tác nhận ODA của Đức gồm khoảng 70 nước, được phân làm hai loại là các nước trọng tâm và các nước đối tác phát triển. Ngân sách ODA hàng năm của Đức khoảng 3-4 tỷ Euro cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện nay, viện trợ phát triển của Đức chiếm 0,28% GDP. Đức cam kết dành 0,33% GDP cho viện trợ phát triển và đang phấn đấu đạt mục tiêu năm 0,7% GDP vào năm 2015 cho viện trợ phát triển theo mục tiêu đề ra của LHQ.
3. Quốc phòng
Năm 2011, Đức bắt đầu thực hiện cải cách quân đội giai đoạn 2011-2017 nhằm cơ cấu lại theo hướng giảm quân số còn 170.000 quân chính quy, xoá bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự để chuyển sang chế độ tự nguyện, phấn đấu có thể cùng lúc triển khai được 10.000 quân ở nước ngoài. Đức đã thông qua chiến lược an ninh mạng nhằm sẵn sàng đối phó với chiến tranh công nghệ cao. Đức cam kết bắt đầu rút quân khỏi Afganistan vào năm 2012 và hoàn thành trước năm 2014.
V. Chính sách đối ngoại:
Về đối ngoại, Đức trở thành một nước thực sự có chủ quyền sau khi ký Hiệp ước 2+4[5] ở Matx-cơ-va vào ngày 12/9/1990, có hiệu lực từ ngày 15/3/1991, kết thúc hoàn toàn tình trạng sau chiến tranh. Hiện Đức là thành viên tích cực và có vai trò quan trọng tại EU, NATO, OECD, LHQ....
- Cơ sở chính sách đối ngoại: Đặc điểm chính sách đối ngoại của Đức là tính kế thừa và sự tin cậy. Chính sách này thể hiện trong quan hệ hợp tác đối tác và sự cân bằng lợi ích. Những khẩu hiệu của Đức là "không bao giờ lặp lại" thể hiện việc quay lưng với chính sách độc tài và bành trướng cũng như nghi ngờ một cách sâu sắc những phương tiện quyền lực quân sự; "không bao giờ một mình" có nghĩa là găn kết chặt chẽ vào cộng đồng phương Tây. Sự hoà nhập của Đức vào một Châu Âu ngày càng kết nối với nhau chặt chẽ hơn và sự gắn kết của Đức vào khối quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO). Đức ủng hộ một thế giới đa cực, tôn trọng luật pháp quốc tế, đấu tranh cho nhân quyền, đối thoại, phòng ngừa khủng hoảng, tránh sử dụng bạo lực và kiến tạo lòng tin. Ngoài ra, chính sách văn hoá và giáo dục đào tạo đối ngoại là một phần trong chính sách đối ngoại của Đức. Phần lớn chính sách đó được các tổ chức như Viện Goethe, Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức DAAD, Quỹ Alexander von Humboldt, Viện quan hệ nước ngoài và UNESCO của Đức thực hiện.
- Ưu tiên đối ngoại và an ninh: Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây dương là cơ sở an ninh của Đức và Châu Âu, dựa trên liên minh chính trị và quân sự. Mối quan hệ với Mỹ có truyền thống lịch sử lâu đời, có nguồn gốc chung về văn hoá (do có nhiều người Đức di cư sang Mỹ trong những thế kỷ trước) cũng như các giá trị khác như dân chủ, nhân quyền...
Đức cho rằng LHQ đóng vai trò then chốt trong giải quyết các thách thức to lớn trong Thế kỉ 21, cần cải cách HĐBA LHQ theo hướng cân đối hơn giữa các khu vực; NATO là công cụ là công cụ không thể thiếu được đối với ổn định của Châu Âu.
Đức nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác an ninh bền vững với Nga, ủng hộ hợp tác kinh tế, tài chính và xã hội với Nga trên bình diện song phương cũng như đa phương. Đức muốn tận dụng việc mở rộng EU và NATO sang phía Đông để tăng cường hợp tác với Đông Âu.
Đức kiên quyết chống khủng bố trong khuôn khổ liên minh toàn thế giới. Đức hợp tác với LHQ, Mỹ, EU và Nga trong việc giải quyết xung đột ở Trung Đông. Đức thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng trong quan hệ với các nước Trung-Đông, đặc biệt trong mối quan hệ giữa Pa-let-xtin và I-xra-en.
Đức mở rộng mạng lưới đối tác, đặc biệt ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh, nhằm tìm kiếm các thị trường mới, tranh thủ lợi ích kinh tế lâu dài, tăng cường hiện diện và ảnh hưởng ngoài châu Âu. Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện nhất của Đức ở Châu Á. Việc tổ chức thành công Tham vấn liên CP Đức-Trung lần thứ một nhân chuyến thăm Đức của T.Tg Ôn Gia Bảo (tháng 6/2011) cho thấy Đức và Trung Quốc cùng nâng cao hơn vị trí của nhau trong chính sách đối ngoại của mỗi nước với hợp tác kinh tế là trọng tâm. Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 3 vào Đức, thị trường nhập khẩu máy móc nhiều nhất của Đức, đóng vai trò một động lực giúp kinh tế Đức vươn lên sau khủng hoảng. Đông Nam Á ngày càng thu hút nhiều quan tâm của Đức. Năm 2011, T.Tg Merkel đã đi thăm Singapore và Việt Nam, trong đó nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Lần đầu tiên sau nhiều năm Bộ trưởng Ngoại giao Đức thăm Myanmar.
Đức quan hệ với Châu Phi ở mức thấp, có viện trợ nhân đạo và viện trợ phát triển cho một số nước nghèo. Sau chuyến thăm 3 nước Châu Phi Kenya, Angola và Nigeria của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 7/2011) với việc thiết lập "quan hệ đối tác năng lượng" với Nigeria và Angola (2 nước sản xuất dầu mỏ lớn ở Châu Phi), Đức thể hiện quyết tâm quay lại thị trường Châu Phi, khẳng định nghiêm túc phát triển quan hệ với Châu Phi nhằm tranh thủ nguồn năng lượng của lục địa này, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia Châu Phi tại LHQ.
VI. Khoa học, giáo dục và nghiên cứu:
Đức là quốc gia nổi tiếng với truyền thống giáo dục lâu đời, quê hương của những nhà học giả và các nhà khoa học nổi tiếng như Humboldt, Einstein, Roentgen, Max Planck... Đầu thế kỷ 20, một phần ba tổng số giải thưởng Nobel đã được trao cho các nhà khoa học Đức.
Hệ thống đại học ở Đức phát triển rộng khắp với 372 trường đại học rải đều trên khắp lãnh thổ. Hiện có 2 triệu thanh niên đang học tập nghiên cứu tại Đức. Các trường đại học tư nhân ở Đức chỉ đóng một vai trò khiêm tốn. 97% sinh viên theo học các trường công với mức phí rẻ hơn so với các trường tư. Đức còn là một địa chỉ du học hấp dẫn với nhiều sinh viên nước ngoài với khoảng 246.000 em (trong đó có khoảng 3.500 sinh viên Việt Nam). Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) đảm nhận thực hiện các sáng kiến hợp tác đào tạo với nước ngoài, hỗ trợ trao đổi sinh viên và các nhà khoa học trên khắp thế giới.
Nghiên cứu đỉnh cao được thực hiện tại hàng trăm viện khoa học ở Đức, được tập hợp lại trong các tổ chức như Cộng đồng Hemholtz, Hội Fraunhof hay Hội Leibniz. 80 Viện Max Planck là nơi tập trung những nhà khoa học giỏi nhất của Đức. Kể từ khi thành lập năm 1948, đã có 16 nhà khoa học của Viện Max Planck được trao giải Nobel. Năm 2005, giám đốc của Viện là Theodor Hänsch được trao giải Nobel Vật lý.
Tháng 6/2011, CP Đức quyết định đóng cửa toàn bộ 17 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022, trước mắt đóng cửa ngay 8 nhà máy xây trước năm 1980; tăng gấp đôi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản lượng điện từ 17% hiện nay lên 35% vào năm 2022; hỗ trợ 5 tỷ Euro xây dựng 10 nhà máy điện gió ngoài khơi và trợ giá cho các nhà máy này để bán điện với giá 15 cent/Kw trong trong 12 năm. Ngoài yếu tố chính trị do sức ép dư luận sau sự kiện Fukushima (Nhật), việc cương quyết từ bỏ điện hạt nhân của Đức không chỉ giải toả nỗi trăn trở của xã hội Đức về tác động môi trường của điện hạt nhân, mà còn đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong chính sách năng lượng của Đức. Đằng sau quyết định này là chiến lược đổi mới công nghệ dựa vào năng lượng tái tạo (hiện chỉ đứng sau Mỹ về năng lượng gió). Việc đẩy nhanh lộ trình đóng cửa điện hạt nhân sẽ tạo động lực mới đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo để ngành này trở thành một ngành kinh tế quan trọng hàng đầu ở Đức.
VII. Xã hội:
Xã hội Đức khá hiện đại và cởi mở. Phần đông mọi người được đào tạo tốt và có mức sống cao. Kể từ khi thống nhất, Đức là quốc gia đông dân nhất trong Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, xã hội Đức cũng gặp phải những thách thức như sự già hoá dân số, tỉ lệ sinh thấp, người nhập cư đi kèm theo đó là văn hoá thiểu số.
Đức đang phấn đấu thực hiện quyền bình đẳng giới được ghi trong Hiến pháp thông qua một loạt chính sách xã hội. Khoảng 60% các bà mẹ có nghề nghiệp, 56% học sinh tốt nghiệp PTTH và 54% số sinh viên đại học là nữ. Trong chính trị, phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội để khẳng định mình. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2005, bà Angela Merkel là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Đức được bầu làm Thủ tướng và năm 2009 bà đã được bầu lại. Chính phủ Liên bang hiện nay có 16 thành viên, trong đó có 1 nữ Thủ tướng và 4 nữ Bộ trưởng.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều người lao động nước ngoài đã sang Đức tìm việc làm, định cư nhiều thế hệ ở đây. 10% dân số Đức có nguồn gốc nhập cư, đông nhất là Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đồng người Việt Nam có khoảng 100.000 người, hiện đang sinh sống và làm việc ổn định.
VIII. Văn hoá
Đức được coi là đất nước của các thi nhân và các nhà hiền triết với các tên tuổi lớn như Goethe, Schiller, Heinrich Heine (thơ), Beethoven, Bach, Schumann (nhạc), Hegel, Karl Marx (triết học)... Với khoảng 95.000 cuốn sách mới xuất bản hoặc tái bản mỗi năm, Đức là một trong những quốc gia sách hàng đầu thế giới. Hội chợ sách quốc tế Frankfurt là sự kiện lớn nhất thế giới của ngành xuất bản.
Đức có đời sống văn hoá rất phong phú với 5000 bảo tàng, 300 nhà hát, trên 100 nhà hát nhạc kịch và 7.500 thư viện. Một trong những hoạt động văn hoá nổi tiếng là Liên hoan âm nhạc Wagner ở thành phố Bayreuth. Đức có khoảng 130 dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp, trong đó phải kể đến Dàn nhạc giao hưởng Berliner Philharmoniker, dàn nhạc hoà tấu Bamberger Symphoniker. Ngoài ra điện ảnh của Đức cũng đạt nhiều khởi sắc từ những năm 90 trở lại đây.
QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I. Quan hệ chính trị, ngoại giao:
Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.
Trao đổi đoàn cấp cao:
Đoàn ta thăm bạn: Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1993); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1993); Thủ tướng Phan Văn Khải (2001); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (2004); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2008). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm CHLB Đức tháng 9/2010 nhân dịp hai nước kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đoàn bạn thăm ta: Thủ tướng Helmut Kohl (1995); Chủ tịch Quốc hội Liên bang Wolfgang-Thierse (2001); Thủ tướng Gerhard Schroeder (2003 và 2004); Chủ tịch Hội đồng Liên bang Matthias Platzeck (2005); Tổng thống Horst Koehler (2007); Chủ tịch Hội đồng Liên bang Harald Ringstorff (2007); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier (2008), Bộ trưởng Ngoại giao Guido Westerwelle (2011); Thủ tướng Angela Merkel (2011).
Từ nhiều năm nay Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của ta ở Châu Âu. Chính giới Đức, dù là đảng cầm quyền hay đối lập, đều đánh giá cao sự phát triển và vị trí của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và cơ chế tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (cấp Thứ trưởng và cấp Vụ trưởng Vụ khu vực) được thiết lập từ 2008. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10/2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.
II. Quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư:
Hai nước đã ký một số Hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, các hiệp định Hàng hải, Hàng không.
1. Thương mại:
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của ta sang EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại); và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Với sự phục hồi nhanh của kinh tế Đức, trao đổi thương mại song phương năm 2011 tăng mạnh bất chấp tác động tiêu cực của khủng hoảng nợ châu Âu, đạt 6 tỷ Euro.
Đức ủng hộ EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, sớm khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU nhằm tăng cường tốa đổi kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Việt Nam được Đức xếp hạng đối tác thương mại thứ 40/144 nước xuất khẩu hàng hoá vào Đức, hạng 55/144 nước nhập khẩu hàng hoá từ Đức và hạng 47/144 nước đối tác thương mại chính trên kim ngạch hai chiều.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đức theo thứ tự tổng trị giá là giày dép, hàng dệt may, cà phê hạt, đồ gỗ, thủy sản, đồ da v.v.., và nhập từ Đức chủ yếu là máy móc, thiết bị kỹ thuật, ô tô, máy dệt, dược phẩm, hoá chất[6].
2. Đầu tư:
Là nền kinh tế hướng tới xuất khẩu, Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở Châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức (Siemens, Metro, Mercedes-Benz, Deutsche Bank, Allianz...) đã mở các cơ sở và cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam.
Tuy nhiên, đầu tư của Đức vào Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn hai bên. Đức hiện có 240 doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với 169 dự án FDI có tổng vốn đăng kí 883 triệu USD, đứng thứ 24/94 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng năm 2011, Đức có 9 dự án FDI có tổng số vốn đăng kí lên tới 39 triệu USD. Trên ¾ số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vàoViệt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kĩ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm. Hiện 26 tỉnh, thành của Việt Nam đã tiếp nhận FDI của Đức, chủ yếu là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Một số tập đoàn lớn của Đức đã đầu tư vào Việt Nam như Metro, Siemens, Deutsche Bank, Bayer, Stock,…
Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đã có đầu tư tại Việt Nam như: Daimler-Chrysler (sản xuất ô tô Mercedes-Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim)...
Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 11 dự án đăng ký đầu tư sang Đức với tổng vốn đăng ký là 30,95 triệu USD, trong đó số vốn của các nhà đầu tư Việt Nam là 21,44 triệu USD. Một số dự án tiêu biểu là Công ty Liên doanh Nhà Việt (VietHaus) có tổng vốn đầu tư là 9,4 triệu USD; dự án Chi nhánh Vietinbank tại Đức, cấp phép ngày 19/1/2011, tổng vốn đăng ký là 7,504 triệu USD; dự án mua và sửa chữa bất động sản làm trụ sở phục vụ Văn phòng đại diện của Ngân hàng Công Thương với tổng số vốn đăng ký là 2,117 triệu USD; dự án kinh doanh thương mại, dịch vụ của công ty Nam Bằng có tổng vốn đầu tư là 1,34 triệu USD[7]… Tuy các dự án đầu tư không nhiều và tổng vốn đầu tư chưa cao nhưng đã thể hiện quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường EU nói chung và Đức nói riêng. Đây sẽ là những công ty mở đầu cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Đức và EU.
Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai nước được đẩy mạnh sôi động hơn. Bên cạnh Dễn đàn Doanh nghiệp Việt- Đức với sự tham dự của nhiều tập đoàn hàng đầu Đức nhân chuyến thăm Việt Nam của T.Tg A.Merkel, hai nước đã phối hợp tổ chức các sự kiện tiếp xúc thu hút nhiều doanh nghiệp hai nước tham dự như Diễn đàn Đầu tư – Thương mại Việt Đức tại Hamburg, Hội thảo ‘Tiêu điểm Việt Nam’ ở Berlin; các bộ và bang của Đức (như Bộ Kinh tế liên bang, bang Sachsen, Brandenburg, Bayern,…) cử đoàn doanh nghiệp vào Việt Nam tìm cơ hội đầu tư.
III. Quan hệ hợp tác phát triển:
Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 1 tỷ Euro cho các dự án ODA tại Việt Nam.
ODA của Đức tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực trọng tâm sau đây:
- Hỗ trợ cải cách kinh tế, phát triển kinh tế bền vững.
- Chính sách môi trường, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên bao gồm cung cấp nước và xử lý nước và rác thải.
- Y tế, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV/AIDS.
Về hình thức viện trợ: Chính phủ Đức một mặt vẫn duy trì các khoản viện trợ truyền thống, mặt khác mở ra một kênh vay vốn mới là vốn vay phát triển. Nguồn vốn này gồm 50% do Chính phủ Đức tài trợ thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, 50% còn lại được Ngân hàng Tái thiết Đức huy động trên thị trường với lãi suất niêm yết từng thời kỳ.
Về quy mô cam kết: Đức cam kết cung cấp 283,8 triệu Euro ODA cho Việt Nam trong năm 2011-2012, trong đó 257,5 triệu Euro vay ưu đãi và 26,3 triệu Euro viện trợ không hoàn lại. ODA của Đức chủ yếu dành cho: (i) Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; (ii) Đào tạo nghề; (iii) Y tế. Một số dự án sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của Đức đang được tích cực triển khai như tuyến tàu điện ngầm số 2 ở TP Hồ Chí Minh (hơn 1 tỷ Euro chia làm nhiều gói dự án), nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV (200 triệu Euro), tăng cường y tế cấp tỉnh (21,4 triệu Euro), cải cách giáo dục và đào tạo nghề (21 triệu Euro), bảo vệ rừng đước duyên hải đồng bằng sông Cửu Long (13,5 triệu Euro), xử lí nước thải (26 triệu Euro),v.v…
IV. Quan hệ hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch:
1. Văn hóa:
Năm 1990, Việt Nam và Đức ký Hiệp định Hợp tác văn hoá tạo tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác và trao đổi văn hóa giữa hai nước. Năm 1997, Đức thành lập Trung tâm văn hoá Đức (hay còn còn gọi là Viện Gớt) tại Hà Nội. Đây là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu văn hóa Đức và giảng dạy tiếng Đức tại Việt Nam. Hàng năm, nhiều đoàn nghệ thuật Việt Nam sang Đức biểu diễn phục vụ bà con Việt Kiều, giới thiệu nền nghệ thuật Việt Nam tới công chúng Đức.
2. Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Hàng năm, Đức cấp cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhân học bổng của Đức đang học tập và nghiên cứu tại Đức. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của hai nước đang tích cực triển khai Chương trình đào tạo 85 nghiên cứu sinh/năm tại bang Hessen của Đức.
Dự án quan trọng của hai nước trong lĩnh vực này là Trường Đại học Việt- Đức, được thành lập từ tháng 9/2008 tại Tp. Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ tích cực của Tổ chức DAAD và bang Hessen (Đức). Trường hoạt động theo mô hình của đại học Đức và đạt chuẩn quốc tế về chất lượng. Đức cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng một Trung tâm dạy nghề xuất sắc trên cơ sở mô hình đào tạo nghề song ngành vốn rất thành công của Đức. Đức cam kết tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Ngoài ra, Đức còn có chương trình dạy thí điểm tiếng Đức là ngoại ngữ hai tại một số trường phổ thông tại Hà Nội như trường THPT Việt – Đức, trường THPT chuyên ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Phía Đức cũng hỗ trợ các cơ sở đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam về trang thiết bị đào tao, cung cấp giáo viên bản ngữ và cấp học bổng cho giáo viên cũng như các sinh viên, học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc.
V. Quan hệ hợp tác khoa học- kỹ thuật:
Trước năm 1995, hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và CHLB Đức được thực hiện chủ yếu thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ nghiên cứu với sự tài trợ của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), Quỹ khoa học trẻ Alexander & Humboldt, Quỹ đào tạo chuyên gia trong ngành công nghiệp (CDG), Quỹ phát triển (DSE)...
Kể từ sau khi ký Nghị định thư hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức (BMBF) năm 1997, hợp tác về khoa học, công nghệ giữa hai nước đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên ngành và triển khai các dự án nghiên cứu chung với sự tham gia của các chuyên gia hai bên. Hiện nay, Việt Nam là một trong ít nước ở Châu Á có chương trình hợp tác tương đối lớn với Đức về khoa học-công nghệ. Năm 2011, hai nước đã cơ bản thống nhất để sớm kí Hiệp định mới về hợp tác KHCN để tạo cơ sở pháp lí thúc đẩy hợp tác an ninh trong lĩnh vực này.
VI. Quan hệ hợp tác quốc phòng:
Quan hệ hợp tác về quốc phòng hai nước có những bước triển tích cực trong những năm qua. Từ 2003, Việt Nam cử Tùy viên Quốc phòng tại Berlin và Đức cử Tùy viên Quốc phòng tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam.
Tháng 10/2004, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà thăm Đức. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết thỏa thuận về việc Đức giúp Việt Nam đào tạo một số sỹ quan quân đội. Kể từ đó, hai bên tăng cường trao đổi đoàn quốc phòng hàng năm. Từ 2005 đến nay đã có 6 đoàn của Bộ Quốc phòng Đức thăm Việt Nam và 14 đoàn Việt Nam thăm Đức.
Năm 2011, Việt Nam cử 5 đoàn thăm Đức theo lời mời của Bộ Quốc phòng Đức và hai đoàn Đức thăm Việt Nam. Ta cũng cử 37 đoàn sang Đức dự huấn luyện, hội thảo, hội nghị, triển lãm liên quan tới Quốc phòng. Việt Nam sử dụng hết 6 suất học bổng quân sự của mình năm 2012; các lưu học sinh quân sự học tập tốt.
VII. Quan hệ hợp tác với các Bang:
Bên cạnh quan hệ với Việt Nam ở cấp Chính phủ, các tiểu Bang ở Đức rất chủ động tăng cường hợp tác với Việt Nam. Đến nay, ta đã đón nhiều Lãnh đạo các tiểu Bang của Đức sang thăm Việt Nam như Thủ hiến Bang Brandenburg (2005), Bayern (2007), Mecklenburg-Vorpommern (2007), Hessen (2008), Baden - Württemberg (2010), Sachsen (2011). Trong quan hệ hợp tác với Đức và các tiểu bang, ta tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của Bạn như văn hoá - giáo dục, khoa học kỹ thuật công nghệ cao, giao thông vận tải. Một số dự án tiêu biểu trong hợp tác với các Bang là Trường Đại học Việt - Đức (hợp tác với Bang Hessen), dự án đường sắt "Vietnamese Green Line" (hợp tác với Bang Brandenburg) với mục tiêu nâng tốc độ của tàu lên 160km/h mà không phải thay đổi khổ đường sắt hiện nay nhằm tiết kiệm chi phí.
VIII. Cộng đồng người Việt tại Đức:
Theo công bố của Đức, hiện nay số người Việt Nam ở Đức vào khoảng 100.000, trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức; 85 % trong số còn lại đã có quy chế cư trú hợp pháp. Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định, đa số theo diện làm công ăn lương, số đông hướng về quê hương, giúp đỡ thân nhân, không tham gia các tổ chức, đảng phái phản động chống Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh, buôn bán của bà con chủ yếu vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ.
Tại Đức, các hình thức tập hợp hội đoàn của người Việt khá đa dạng như Hội người Việt Nam, Hội Đức- Việt, các hội đồng hương, câu lạc bộ thơ - văn, nhiếp ảnh, tổ chức xã hội từ thiện,… Đa số các tổ chức hội đoàn của người Việt có tinh thần yêu nước, là cầu nối quan trọng giữa các CQĐD của Việt Nam tại Đức và cộng đồng, tích cực vận động bà con hướng về quê hương. Năm 2011, Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức được thành lập đã đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng người Việt tại Đức, thể hiện quyết tâm cao và tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Việt tại Đức, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đa số bà con trong cộng đồng. Liên hiệp sẽ đại diện tiếng nói lợi ích của cộng đồng người Việt tại Đức trong quan hệ với chính quyền sở tại, là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng với nhà nước ta và quê hương, đồng thời là nhân tố tăng cường đoàn kết, nâng cao hình ảnh cộng đồng người Việt ở sở tại.
Bà con người Việt tích cực hướng về quê hương, hỗ trợ đồng bào trong nước dưới nhiều hình thức như giúp đỡ nạn nhân dioxin, ủng hộ các chiến sĩ ở hải đảo, tương trợ đồng bao lũ lụt,v.v… Đời sống văn hoá, thông tin của cộng đồng khá phong phú. Ngoài báo hình VTV4, trang web ĐSQ, trong cộng đồng người Việt ở Đức lưu hành 1 số bao như "Tuần tin tức", "Thời báo Việt Nam", trang web "nguoiviet.de",v.v… phản ánh sinh hoạt cộng đồng, tình hình trong nước, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, pháp luật nước sở tại. Các trung tâm dạy tiếng Việt theo học, một số trung tâm ở Leipzig, Magdeburg, Dresden, Chemnitz, Berlin…đã áp dụng giáo trình tiếng Việt mới của Bộ GDĐT.
Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao và hiếm thấy trong các cộng đồng nhập cư ở Đức (hơn 50% học sinh đỗ trung học (gymnasium) hạng ưu, nhiều em là thành viên các đội tuyển học sinh xuất sắc của Đức như toán, võ thuật, thơ, văn, âm nhạc...)./.
IX. ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ:
- Địa chỉ Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức:
Địa chỉ: Elsenstrasse 3, 12435, Berlin
Điện thoại : +49 (30) 536 30 108
Fax: +49 (30) 536 30 200
- Địa chỉ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt, CHLB Đức:
Địa chỉ: Villa Hanoi, Kennedy Allee 49, 60596 Frankfurt am Main
Điện thọai : +49 (69) 795 336 50
Fax: +49 (69) 795 336 511
- Đại sứ quán Đức tại Việt Nam:
Địa chỉ: 40 Trần Phú, Hà Nội
Điện thọai: 04 38453836
Fax: 04 38453838
Email: info@hanoi.diplo.de
Tháng 6/2012
Back Top page Print Email |