Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

SỔ TAY CÔNG TÁC NGOẠI VỤ PHẦN VỀ CÔNG TÁC NGOẠI GIAO VĂN HÓA



Phần I: Các khái niệm và chính sách về Ngoại giao văn hóa

I/- Khái nhiệm về ngoại giao văn hóa

II/- Chính sách của Đảng và Nhà nước

III/- KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ NGOẠI GIAO TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020

Phần II: Một số hoạt động chính đang được triển khai của công tác

Ngoại giao văn hóa

A. Một số hoạt động triển khai công tác Ngoại giao văn hóa ở trong nước

I/- Lồng ghép hoạt động Ngoại giao văn hóa trong các Lễ hội, sự kiện đối ngoại của địa phương

II/- Các hoạt động do Bộ Ngoại giao hoặc UBQG UNESCO Việt Nam đưa ra sáng kiến, chủ trì, phối hợp với địa phương tổ chức

III. Kết nối với Đoàn Ngoại giao, triển khai thực hiện nhiều sáng kiến, tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa mới, quán triệt thực hiện chủ trương cắt giảm chi ngân sách nhà nước, đẩy mạnh vận động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa

IV/- Các hoạt động, sự kiện văn hóa quốc tế lớn do địa phương phối hợp với nước ngoài tổ chức

B. Một số hoạt động triển khai công tác Ngoại giao văn hóa ở nước ngoài

I. Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức theo sự chỉ đạo của TTCP.

II. Tham gia các hoạt động văn hóa, văn hóa đối ngoại do nước sở tại tổ chức

III. Công tác tuyên truyền quảng bá, hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài

IV. Triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”

Phần III: CÔNG TÁC UNESCO

I/- Về Giáo dục

II/- Lĩnh vực Truyền thông thông tin

III/- Bộ phận Khoa học 

IV. Lĩnh vực Văn hóa

CÁC BƯỚC XÂY DỰNG MỘT HỒ SƠ DI SẢN

V.  Cơ chế phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với các Bộ/ngành và địa phương triển khai công tác UNESCO

Phần IV: THÔNG TIN, TÀI LIỆU THAM KHẢO LIÊN QUAN 


SỔ TAY CÔNG TÁC NGOẠI VỤ

PHẦN VỀ CÔNG TÁC NGOẠI GIAO VĂN HÓA

Phần I:

Các khái niệm và chính sách về Ngoại giao văn hóa

I/- Khái nhiệm về ngoại giao văn hóa:

1-Quan điểm NGVH của các nước trên thế giới:

Ngoại giao, xét trên phương diện thực tế, chính là những mối giao tiếp, ứng xử giữa người với người, giữa nhóm này với nhóm khác và cao hơn là cộng đồng, quốc gia với nhau. Các hoạt động ngoại giao cũng chính là phương thức để thực hiện các mục tiêu đối ngoại của một nước. Trong tấm gương văn hóa, có sự phản chiếu đặc trưng của con người và xã hội, những điều kiện địa lý, tính chất thời đại - các nhân tố tham gia trực tiếp và có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành và triển khai đường lối ngoại giao.

            Ngoại giao văn hóa không phải là một khái niệm mới. Ngoại giao văn hóa xuất hiện cùng với sự hình thành các quốc gia và mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia. Tạp chí “Ngoại giao văn hóa” (Cultural Diplomacy) định nghĩa Ngoại giao văn hóa là một lĩnh vực ngoại giao liên quan đến việc thiết lập, phát triển và duy trì các mối quan hệ với các quốc gia khác thông qua văn hóa, nghệ thuật và giáo dục. Nó cũng là một quá trình hoạt động đối ngoại chủ động, trong đó các thiết chế, hệ giá trị và bản sắc văn hóa độc đáo của một dân tộc được quảng bá ở cấp độ song phương và đa phương. Ngoại giao văn hóa là một khái niệm trong khoa học chính trị để chỉ việc sử dụng và truyền bá những tư tưởng văn hóa giữa các nhóm người khác nhau nhằm đạt được mối quan hệ thiện cảm và sự hiểu biết lẫn nhau. Nhà nghiên cứu Simeon Adebolu, thành viên Hiệp hội các nhà ngoại giao thương mại Anh (Associate of the Association of Certified Commercial Diplomats) thì cho rằng Ngoại giao Văn hóa là một hình thức ngoại giao nhấn mạnh tới sự thừa nhận văn hóa và hiểu biết lẫn nhau như là một cơ sở của đối thoại.

Như vậy, khái niệm về Ngoại giao văn hóa đã được hiểu theo nghĩa rộng hơn, từ chỗ nhấn mạnh đến giao tiếp của con người và sự giao lưu về văn hóa giữa các quốc gia chuyển sang một phạm vi khái quát rộng hơn, bao gồm sự hiểu biết về nền văn hóa nước khác để làm cơ sở cho quan hệ đối thoại, vận động ngoại giao, tranh thủ sự thiện cảm và ủng hộ của nước khác đối với quốc gia mà mình đại diện.

2-Quan điểm NGVH của Việt Nam:

Hội nghị Ngoại giao 25 (2006) đã đề ra chính sách ngoại giao dựa trên 3 trụ cột: Ngoại giao chính trị, Ngoại giao kinh tế và Ngoại giao văn hóa. Trong thế chân kiềng đó, Ngoại giao văn hóa có vai trò quan trọng vì vừa là “nền tảng tinh thần”, vừa là biện pháp và mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam; kết hợp và bổ trợ hữu hiệu cho các trụ cột khác, tạo thành một chỉnh thể chính sách đối ngoại toàn diện nhằm phát huy tốt nhất sức mạnh dân tộc và kết hợp hiệu quả với sức mạnh thời đại.

Sự khác nhau trong các quan điểm về Ngoại giao văn hoá ở Việt Nam cũng tương tự như sự khác nhau trong các quan điểm của các học giả trên thế giới về Ngoại giao văn hoá. Trong khi một số học giả nhấn mạnh đến chức năng giao tiếp, thúc đẩy hợp tác văn hoá thì một số học giả khác đề cập đến tính triết học, làm sâu sắc hơn nội dung Ngoại giao văn hoá, bao gồm sự hiểu biết về nền văn hoá nước khác để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đạt được mối thiện cảm của quốc gia khác. Ngoại giao văn hoá là con thuyền tải trọng những thông điệp về chính trị và qua đó thể hiện “sức mạnh mềm” của một quốc gia.

Ngoại giao văn hoá tự bản thân nó đã bao gồm hai nội dung “ngoại giao” và “văn hoá”, trong “ngoại giao” có “văn hoá” và trong “văn hoá” có “ngoại giao”, sử dụng hoạt động “ngoại giao” đối ngoại để khuyếch trương những giá trị “văn hoá”, quảng bá hình ảnh đất nước, thể hiện “sức mạnh mềm” của một quốc gia; đồng thời, “văn hoá” là công cụ, là phương tiện để vận động “ngoại giao”, tiến hành công tác “ngoại giao” một cách hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại. Hai nội dung này phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất chung là Ngoại giao văn hoá.

Ngoại giao văn hoá Việt Nam phải nêu cao chính nghĩa, “lấy chính nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, nêu cao lòng tự tôn dân tộc, ý chí kiên cường nhưng đồng thời biết kết hợp tổng hòa sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, quyết vượt qua mọi khó khăn thử thách nhưng rất nhân văn, lấy thuyết phục là chính. Văn hóa ngoại giao Việt Nam là yêu chuộng hòa bình, nhân nghĩa, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, đồng thời tôn trọng giá trị văn hóa của các dân tộc khác. Ngoại giao Văn hóa phải truyền tải thông điệp: dân tộc Việt Nam “yêu chuộng hoà bình, văn hiến, một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động và không ngừng phát triển”.

Cùng với sự phát triển của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, khái niệm về Ngoại giao văn hoá ngày càng rõ nét, thể hiện quá trình phát triển của nhận thức con người. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, tình hình quốc tế còn nhiều bất trắc khó lường thì Ngoại giao văn hóa phải sử dụng phương thức ngoại giao thích hợp, phối hợp chặt chẽ với Ngoại giao chính trị và Ngoại giao kinh tế để giữ vững môi trường hoà bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hoá với “đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hoá, văn học, nghệ thuật, đất nước, con người Việt Nam với thế giới” và “tiếp thu những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hoá của các nước, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài với công chúng Việt Nam.”

II/- Chính sách của Đảng và Nhà nước:

Ðại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, và lần đầu tiên Ngoại giao văn hoá được đề cập trong văn kiện của Đảng. Đây là thời cơ nhưng đồng thời là thách thức đối với Ngoại giao văn hóa, vừa có cơ hội để phát triển, vừa phải tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng nền văn hoá lành mạnh, chống lại các tư tưởng văn hoá không lành mạnh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.

Nghị Quyết số 22-NQ/TƯ ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế có nêu rõ Hội nhập quốc tế phải nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Về văn hóa, xã hội, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế và các lĩnh vực khác, cần lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược phát triển các lĩnh vực này.

Đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương về văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, trước hết là xây dựng cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, tiếp thu tri thức, nhất là tri thức về quản lý và khoa học công nghệ, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Thực hiện các cam kết và đóng góp vào việc sửa đổi, hoàn thiện và xây dựng mới các chuẩn mực, sáng kiến của các tổ chức quốc tế mà nước ta là thành viên, trước hết là các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc. Tích cực tham gia các thể chế hợp tác về môi trường, đóng góp vào nỗ lực chung phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, nguồn nước, động vật, thực vật ở nước ta và trên thế giới.

Chủ động, tích cực giới thiệu, tham gia và nâng cao chất lượng, thành tích trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao…ở khu vực và thế giới.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, văn hóa, thông tin, tuyên truyền; đấu tranh có hiệu quả nhằm hạn chế các tác động tiêu cực về xã hội, văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối song.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Quyết định số 3261/QĐ-BNG ngày 30/8/2016, Ban hành Chương trình hành động Triển khai kết quả Hội nghị Ngoại giao 29: Tích cực triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến 2020 và tăng cường tham gia của ta tại UNESCO và một số tổ chức, diễn đàn đa phương về văn hóa, giáo dục, kho học, xã hội; hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia, thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản/danh hiệu đã được công nhận gắn với phát triển bền vững.

Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 05/11/2016, Ban chấp hành Trung ương Đảng XII về  thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta  tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữa vững ổn định chính trị-xã hội, nhằm tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

III/- KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ NGOẠI GIAO TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020:

(Ban hành theo Quyết định số 777  /QĐ-BNG ngày 02  tháng 04  năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao)

Ngày 14/2/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Chiến lược) góp phần nâng cao hiệu quả của chiến lược ngoại giao toàn diện, phục vụ công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Mục tiêu của Chiến lược là “Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, tăng cường xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới, đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động ngoại giao văn hóa cũng góp phần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước”.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ “chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch ngoại giao văn hóa hàng năm phù hợp với Chiến lược ngoại giao văn hóa và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ” đã được quy định tại Chiến lược, Bộ Ngoại giao ban hành “Kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020” với các nội dung chính sau đây:

1- MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

1.1 Mục tiêu:

Đóng góp vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp  hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” theo chủ trương “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”.[1]

1.2. Yêu cầu:

Huy động sức mạnh tổng hợp của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm triển khai đồng bộ, linh hoạt, định hướng chung trong từng hoàn cảnh cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi “Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020”.

Quán triệt tất cả các cán bộ, nhân viên trong Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Ngoại giao Văn hóa trong chính sách ngoại giao toàn diện; nắm vững các mục tiêu, yêu cầu của Chiến lược nhằm thực hiện tốt vai trò đầu mối của Bộ trong việc triển khai Chiến lược; kết hợp chặt chẽ và vận dụng linh hoạt, hiệu quả quan hệ tương tác giữa Ngoại giao Văn hóa với Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế. Các đơn vị chức năng trong Bộ cần đề ra các kế hoạch, chương trình công tác ngắn – trung – dài hạn theo chức năng của mình nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của Bộ.

Phát huy tính chủ động, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của Bộ Ngoại giao với các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh thành trong việc thực hiện Chiến lược, đặc biệt đối với các chương trình, hoạt động Ngoại giao Văn hóa cấp quốc gia.

2- PHƯƠNG CHÂM CHỈ ĐẠO:

2.1. Tập trung quảng bá hình ảnh một dân tộc Việt Nam “yêu chuộng hoà bình, văn hiến, một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động và không ngừng phát triển”[2].

2.2. Ưu tiên triển khai hoạt động Ngoại giao văn hóa với các nước láng giềng có chung biên giới, các nước trong khu vực, các nước lớn, các đối tác quan trọng, các nước có đông cộng đồng người Việt; chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; mở rộng tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, trách nhiệm vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu, đặc biệt là Liên Hợp quốc.

2.3. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, cần triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm, tránh hình thức, hiệu quả, phục vụ mục tiêu đối ngoại và phù hợp với tình hình để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước và các đối tác.

2.4. Kinh phí cho các hoạt động Ngoại giao Văn hóa do Nhà nước cấp là chủ yếu, có kết hợp vận động các nguồn kinh phí xã hội hóa ở trong nước và tài trợ của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài mà các đơn vị và Cơ quan đại diện vận động được.

3. NỘI DUNG THỰC HIỆN:

3.1. Tăng cường gắn kết Ngoại giao Văn hóa với Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế:

Đưa Ngoại giao Văn hóa vào nội dung tổng thể của các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước hàng năm như trong khuôn khổ các chuyến thăm cấp cao, nhân kỷ niệm năm chẵn, năm tròn quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước theo hướng chú trọng kết hợp yếu tố văn hoá-kinh tế đa dạng về hình thức, đặc sắc về chất lượng.

Chủ trì và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tổ chức các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài kết hợp cả ba nội dung chính trị, kinh tế và văn hóa, tạo ra những điểm nhấn trong quảng bá các khía cạnh khác nhau về Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” nhằm tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với hình ảnh quốc gia Việt Nam.

Thúc đẩy ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế song phương và đa phương về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hoá.


Tiếp tục các hoạt động Ngoại giao văn hóa với hiệu quả cao, đồng thời nâng cao tính sáng tạo, linh hoạt đối với từng đối tượng khác nhau.

3.2. Tích cực hoạt động, nâng cao vị thế Việt Nam tại các diễn đàn đa phương:

- Chủ động tham gia xây dựng Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN, tích cực tham gia thảo luận và đưa ra các sáng kiến về các vấn đề mang tính toàn cầu, khu vực; triển khai thực hiện sáng kiến Mạng lưới xanh (Green Network) liên kết các khu di sản, khu dự trữ sinh quyển của các nước ASEAN do Việt Nam đưa ra tháng 9/2012.

- Tăng cường vai trò tích cực trong các thiết chế của UNESCO và tại các diễn đàn đa phương khác về văn hoá (Liên hợp quốc, ASEM, FEALAC…), qua đó thể hiện vai trò là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế: ứng cử vào các Uỷ ban liên chính phủ, đưa người vào làm việc tại các cơ quan chuyên môn; tích cực hưởng ứng các chủ đề quan trọng và được ưu tiên của UNESCO; thể hiện vai trò chủ đạo trong nhóm quốc gia thành viên khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ASPAC.

- Tham gia tích cực, đẩy mạnh liên kết và hợp tác giữa các nước trong Cộng đồng Pháp ngữ, trong đó chú trọng hợp tác về văn hoá, giáo dục, thể thao vừa quảng bá về Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ, vừa tạo ra hiệu ứng về quảng bá hình ảnh của cả Cộng đồng đối với toàn thế giới. 

3.3. Đẩy mạnh gắn kết giữa Ngoại giao văn hóa với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài:

Thực hiện Đề án giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào với quy mô rộng rãi hơn thông qua nhiều loại hình (mở lớp dạy tại chỗ, qua hệ thống phát thanh, truyền hình…), kết hợp chặt chẽ với truyền bá văn hóa Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;

Chủ động, tích cực hỗ trợ việc xây dựng và phát triển các trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, các công trình văn hóa đặc trưng Việt Nam ở các nước thành nơi tập hợp cộng đồng và truyền bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam;

Cung cấp thông tin về các loại hình văn hóa nghệ thuật qua các kênh khác nhau (báo chí, phim ảnh, truyền hình…) một cách đầy đủ, kịp thời, đổi mới nội dung, hình thức và phương thức tuyên truyền phù hợp…

Huy động, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp vào các hoạt động Ngoại giao Văn hóa của ta triển khai ở các địa bàn; hỗ trợ tích cực các hoạt động văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Phối hợp, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc nghiên cứu, phát hiện, thu thập những di sản văn hóa – lịch sử quốc gia bị lưu lạc ở nước ngoài do nhiều nguyên nhân.

3.4. Quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam:

Xây dựng các kế hoạch hoạt động ngắn, trung và dài hạn với một thông điệp xuyên suốt về một dân tộc “yêu chuộng hoà bình, văn hiến, một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động và không ngừng phát triển”[3].

Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng sản phẩm văn hoá đặc sắc, tiêu biểu và biểu tượng quốc gia.

Tăng cường quảng bá ẩm thực Việt Nam ra nước ngoài.

Tăng cường giới thiệu con người Việt Nam thông qua hình ảnh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa cũng như những nét đẹp tiêu biểu của con người Việt Nam.

Tập trung quảng bá các sản phẩm văn hóa vật thể hoặc phi vật thể tiêu biểu tại các địa phương của Việt Nam, kết hợp tổ chức một số hoạt động như triển lãm quốc tế, quảng bá thủ công làng nghề, các sản vật địa phương... (ưu tiên địa phương có di sản được UNESCO công nhận).

Kết hợp hài hòa giữa phát huy giá trị di sản với việc tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế đối với công tác bảo tồn các di sản.

Hỗ trợ xuất bản và phổ biến ra nước ngoài các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, chất lượng, các ấn phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu có tên tuổi, giới thiệu phong tục tập quán, lễ hội, trang phục các dân tộc Việt Nam, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống, các tác phẩm trên các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, hội họa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc.

Phối hợp vận động đăng cai có chọn lọc các sự kiện văn hoá-thể thao quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, đóng góp vào việc phát triển kinh tế-xã hội và quan hệ hợp tác với các nước.

Phối hợp, hỗ trợ tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa nước ngoài tại Việt Nam nhằm “đưa thế giới đến Việt Nam và đưa Việt Nam ra thế giới”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thắt chặt quan hệ ngoại giao, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, du lịch với các nước.

Sử dụng các phương tiện và công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại, truyền thông đa phương tiện, nâng cấp website của Bộ Ngoại giao…để giới thiệu về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam bằng nhiều ngôn ngữ, giúp bạn bè quốc tế có cơ hội tiếp cận và hiểu biết hơn về Việt Nam.

3.5. Khai thác triệt để các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài:

Phối hợp ban hành quy chế hoạt động của các Trung tâm văn hoá phù hợp với Luật cơ quan đại diện tại nước ngoài.

Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, kiến nghị việc mở thêm các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài tại một số địa bàn trọng điểm.

Tạo điều kiện đa dạng hoá các hoạt động của Trung tâm về văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, thể thao, du lịch, truyền thông, khoa học, kỹ thuật… đảm bảo chất lượng chuyên môn cao và hình thức thể hiện phong phú, sinh động, linh hoạt như: giảng dạy ngôn ngữ tiếng Việt, nhạc cụ truyền thống, võ cổ truyền dân tộc, giới thiệu và trình chiếu các bộ phim truyện và tài liệu Việt Nam, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm…

Nghiên cứu triển khai các “Góc Việt Nam” tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt triển khai tại một số địa bàn có đủ điều kiện vật chất; đồng thời tích cực triển khai Đề án chuẩn hóa nghi lễ khánh tiết tại các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, chuẩn hóa trang phục đối ngoại, chuẩn hóa quà tặng đối ngoại nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa của Việt Nam.

3.6. Tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại:

Tận dụng vai trò “Phòng thí nghiệm của các ý tưởng” của UNESCO để tiếp thu các ý tưởng, sáng kiến trong lĩnh vực chuyên môn, phục vụ cho việc xây dựng chính sách quốc gia.

Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan khác đề xuất, kiến nghị, đóng góp ý kiến về các nội dung có thể tiếp thu từ những kinh nghiệm, giá trị tiêu biểu của nhân loại trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục, thông tin…

Phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan thực hiện các biện pháp đấu tranh chống lại các tư tưởng văn hóa ngoại lai không phù hợp với các giá trị truyền thống của Việt Nam, đóng góp ý kiến về việc chọn lựa tác phẩm văn hoá, nghệ thuật của nước ngoài đưa vào nước ta.

3.7. Tăng cường thu hút sự tham gia của các tầng lớp xã hội:

Tham gia xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về sự tham gia của các tầng lớp xã hội vào các hoạt động Ngoại giao Văn hóa; mở rộng, tăng thêm chương trình văn hóa và tư vấn, định hướng, bảo trợ cho các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa do các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trong Bộ phối hợp với các doanh nghiệp hay tổ chức xã hội trong và ngoài nước tổ chức.

Nghiên cứu các biện pháp, hình thức nhằm phát huy tối đa các hình thức xã hội hoá các hoạt động Ngoại giao Văn hóa với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước.

3.8. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ :

Xây dựng chương trình đào tạo cán bộ, nâng cao kiến thức cho sinh viên, thanh niên về Ngoại giao Văn hoá, tạo hiệu ứng trong toàn Bộ.

Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho cán bộ đối ngoại của các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là cán bộ ngoại giao chuẩn bị đi công tác nước ngoài; tổng kết, đúc rút kinh nghiệm về đấu tranh ngoại giao của Việt Nam làm tài liệu đào tạo cán bộ ngoại giao về phong cách và văn hóa ngoại giao Việt Nam. 

Xây dựng chiến lược, chú trọng đào tạo đưa cán bộ ta vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức quốc tế về văn hóa.

3.9. Đảm bảo các điều kiện về tài chính, con người cho các hoạt động:

Cung cấp đủ ngân sách để hợp tác với các đối tác nước ngoài như: mời phóng viên báo chí nước ngoài vào Việt Nam để đưa tin, viết bài, làm phụ trương, phóng sự, làm phim giới thiệu Việt Nam ở nước ngoài; hợp tác với các đài truyền hình và các báo, đài lớn và các công ty tư vấn nước ngoài để xây dựng các chương trình quảng bá hình ảnh cho Việt Nam.

Thành lập Quỹ Ngoại giao Văn hoá để hỗ trợ tài chính cho việc triển khai các hoạt động Ngoại giao Văn hóa ở trong và ngoài nước.

Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nhằm đảm bảo kiêm nhiệm tốt công tác Ngoại giao Văn hóa tại các Cơ quan đại diện, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm. 

4- PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

4.1. Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO:

Thực hiện chức năng điều phối trong việc triển khai Chiến lược và các hoạt động Ngoại giao Văn hóa của Bộ, phối hợp liên kết công tác Ngoại giao Văn hóa giữa các đơn vị trong Bộ, các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; là đầu mối của Bộ trong quan hệ hợp tác, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành trong việc triển khai Chiến lược.

Là Tổ thư ký của Ban Chỉ đạo Ngoại giao Văn hóa, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo tại các cuộc họp định kỳ vào việc xây dựng các kế hoạch, nội dung, phương hướng triển khai thực hiện công tác Ngoại giao Văn hóa của Bộ.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong nước và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm đảm bảo đúng định hướng chính trị đối ngoại cho các nội dung, chương trình, hoạt động Ngoại giao Văn hóa của Bộ và các đơn vị liên quan.

Đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị trong nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài triển khai các công việc được giao về Ngoại giao Văn hóa và các hoạt động khác có liên quan đến nội dung Ngoại giao Văn hóa.

Phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổng hợp Kinh tế, các Vụ chính trị và các Cơ quan đại diện ở nước ngoài xây dựng đề án và tổ chức triển khai các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài.

Hỗ trợ, đóng góp ý kiến cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa có yếu tố nước ngoài.

Phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất và thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong các thiết chế của UNESCO cũng như tại các diễn đàn đa phương về văn hóa khác.

Hỗ trợ các địa phương xây dựng hồ sơ và vận động các tổ chức quốc tế công nhận các danh hiệu quốc tế mới; đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng và thực hiện các biện pháp bảo tồn các di sản đã được công nhận; phối hợp giới thiệu nét đẹp văn hóa tiêu biểu, truyền thống và các di sản văn hóa của các địa phương cho Ngoại giao đoàn tại Việt Nam.

Là đơn vị đầu mối trong việc quản lý, sử dụng, phân bổ và triển khai các hoạt động của Quỹ Ngoại giao Văn hóa nhằm đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện Chiến lược trong phạm vi Bộ cũng như quốc gia.

Nghiên cứu một số đề tài liên quan đến Ngoại giao Văn hóa; biên soạn sách hướng dẫn thực hiện công tác Ngoại giao Văn hóa.

Tích cực bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nhằm đảm bảo kiêm nhiệm tốt công tác Ngoại giao Văn hóa tại các Cơ quan đại diện, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm. 

4.2. Văn phòng Bộ:

Chủ trì đôn đốc, kiểm tra việc triển khai công tác Ngoại giao Văn hoá của các đơn vị để kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ các vấn đề vướng mắc cần giải quyết.

Chủ trì đưa nội dung Ngoại giao Văn hoá vào chương trình giao ban, chương trình công tác, cũng như các báo cáo sơ kết, tổng kết của Bộ.

Hỗ trợ Vụ Văn hoá Đối ngoại và UNESCO trong việc thực hiện có hiệu quả các chương trình văn hoá có yếu tố nước ngoài được tổ chức tại địa phương và các chương trình quảng bá của địa phương; phối hợp tổ chức chương trình Ngoại giao Văn hóa cho Ngoại giao đoàn tại các địa phương.

Phối hợp đề xuất và thực hiện các biện pháp thi đua, khen thưởng tạo động lực khuyến khích các hoạt động, sáng kiến về Ngoại giao Văn hoá.

4.3. Vụ Chính sách Đối ngoại:

Chủ động đưa nội dung văn hóa vào các đề án chính trị chung phục vụ hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao nhằm gắn kết nội dung văn hóa với nội dung chính trị và kinh tế trong các chuyến thăm cấp cao và trong các cuộc hội đàm cấp cao.

Góp ý, định hướng mang tính chính trị các đề án lớn, các bài viết, phát biểu, trả lời phỏng vấn, các văn bản quan trọng khác liên quan đến văn hóa.

4.4. Vụ Tổng hợp Kinh tế:

Phối hợp chặt chẽ với Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, các Vụ chính trị và các Cơ quan đại diện ở nước ngoài xây dựng đề án và tổ chức triển khai các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài.

Phối hợp với Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO để kết hợp việc tuyên truyền, giảng dạy công tác Ngoại giao Kinh tế và Ngoại giao Văn hóa cho các địa phương.

4.5. Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế:

Chủ trì rà soát, hệ thống hoá các điều ước và thoả thuận quốc tế của Việt Nam về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa.

Phối hợp với Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO và các Vụ liên quan đưa ra các kiến nghị bổ sung, sửa đổi, gia hạn hoặc ký mới các điều ước và thoả thuận quốc tế để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

4.6. Vụ Thông tin Báo chí:

Thường xuyên cập nhật các thông tin về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên trang thông tin điện tử (website) của Bộ Ngoại giao và của các Cơ quan đại diện.

Xây dựng chương trình, kế hoạch quản lý, hướng dẫn phóng viên Việt Nam và nước ngoài đưa tin về các hoạt động Ngoại giao Văn hoá; vận động báo chí nước ngoài vào thực hiện các chương trình quảng bá về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam.

Phối hợp xây dựng các sản phẩm tuyên truyền đối ngoại có chất lượng, đặc biệt là các ấn phẩm bằng ngôn ngữ địa phương, để cung cấp cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

4.7. Cục Lễ tân Nhà nước:

Hướng dẫn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thống nhất thực hiện các quy định về nghi lễ, nghi thức lễ tân ngoại giao theo Thông tư số 01/2010/TT-BNG của Bộ Ngoại giao.

Nghiên cứu, hoàn thiện “Đề án tặng phẩm đối ngoại”.

Chủ trì nghiên cứu nâng hàm lượng văn hóa trong các hoạt động lễ tân đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Phối hợp trong công tác lễ tân, tổ chức chương trình Ngoại giao Văn hóa cho Ngoại giao đoàn tại các địa phương

4.8. Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài:

Nghiên cứu nâng cao chất lượng, thu hút đông đảo bà con Kiều bào về nước tham gia các hoạt động thường niên như Xuân quê hương, Trại hè thanh niên Việt Nam và các hoạt động định kỳ Gặp gỡ tuổi trẻ kiều bào ở nước ngoài.

Chủ trì xây dựng Đề án “Tăng cường công tác văn hóa đối với người Việt Nam ở nước ngoài” với sự tham gia của các tổ chức, hội đoàn và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ trì triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2008-2020” và xây dựng, triển khai Đề án “Văn hoá tâm linh đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”.

4.9. Các Vụ Khu vực:

Hướng dẫn chính trị dài hạn, trung hạn và hàng năm hoặc trong từng giai đoạn cụ thể cho các hoạt động Ngoại giao Văn hóa.

Phối hợp với Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương liên quan đưa nội dung Ngoại giao văn hóa vào các hoạt động đối ngoại cấp cao, chương trình làm việc của các cơ chế như Uỷ ban hỗn hợp, Uỷ ban liên Chính phủ, Tham khảo chính trị, Giao lưu giữa hai Bộ Ngoại giao… và các Đề án chiến lược, Kế hoạch phát triển quan hệ với các nước thuộc phạm vi phụ trách của đơn vị.

Đề xuất các hoạt động trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các nước nhân dịp các sự kiện đối ngoại lớn như: kỷ niệm ngày Quốc khánh của bạn hoặc của Việt Nam, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hoặc nhân dịp các sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước.

Tham gia theo dõi, đánh giá định kỳ việc thực hiện công tác Ngoại giao văn hoá tại địa bàn thuộc phạm vi phụ trách của đơn vị và có những kiến nghị, đề xuất phù hợp.

4.10. Các Vụ phụ trách các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế:

Chủ động kiến nghị đưa các nội dung hợp tác văn hoá vào đề án chính trị của các đoàn lãnh đạo cấp cao và các đoàn khác tham dự hoạt động tại các diễn đàn đa phương và báo cáo kết quả sau khi kết thúc; nghiên cứu khả năng đưa nội dung hợp tác văn hóa dưới một đề mục sẵn có trong chương trình nghị sự của các diễn đàn đa phương.

Chủ động thúc đẩy các hoạt động Ngoại giao Văn hoá nhằm phát huy vai trò, ảnh hưởng và quảng bá hình ảnh Việt Nam trong khuôn khổ các tổ chức khu vực và quốc tế thuộc phạm vi phụ trách của đơn vị.

4.11. Học viện Ngoại giao:

Hoàn thiện giáo trình về Ngoại giao Văn hóa để giảng dạy các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thông tin, truyền thông quốc tế, ngoại giao công và Ngoại giao Văn hóa phục vụ công tác đào tạo sinh viên hệ chính quy và đội ngũ cán bộ Tuỳ viên Văn hoá trong thời gian tới.

Phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ bồi dưỡng nâng cao kiến thức văn hóa, ngoại giao văn hóa cho các cán bộ trong và ngoài Bộ, các cán bộ chuẩn bị đi luân chuyển.

Tham gia xây dựng một số đề tài nghiên cứu về văn hoá, Văn hoá Đối ngoại và Ngoại giao Văn hoá, và các xu thế lớn về văn hoá trong quan hệ quốc tế.

Nghiên cứu về xu hướng hợp tác trao đổi văn hóa tại các tổ chức và diễn đàn Văn hóa khu vực quốc tế.

Phối hợp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nhằm đảm bảo kiêm nhiệm tốt công tác Ngoại giao Văn hóa tại các Cơ quan đại diện, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm. 

4.12. Vụ Tổ chức Cán bộ:

Chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức văn hóa, ngoại giao văn hóa cho các cán bộ trong và ngoài Bộ, các cán bộ chuẩn bị đi luân chuyển.

Phối hợp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nhằm đảm bảo kiêm nhiệm tốt công tác Ngoại giao Văn hóa tại các Cơ quan đại diện, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm. 

4.13. Cục Quản trị Tài vụ:

Hướng dẫn kịp thời các đơn vị trong và ngoài nước xây dựng dự trù kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động Ngoại giao Văn hóa, cung cấp tài chính cho các hoạt động đã dự kiến.

Phối hợp thúc đẩy việc thành lập, quản lý, điều phối hoạt động của Quỹ Ngoại giao Văn hoá.

Chủ trì Đề án trang trí Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tạo hình ảnh đẹp và quảng bá hiệu quả về Việt Nam tại các Cơ quan đại diện.

4.14. Báo Thế giới và Việt Nam:

Tiếp tục chủ động tuyên truyền các sự kiện Ngoại giao Văn hoá ở trong và ngoài nước.

Duy trì chuyên trang Ngoại giao Văn hóa nhằm giới thiệu về kinh nghiệm của các nước trong công tác Ngoại giao Văn hóa.

4.15. Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:

Chủ động tìm hiểu, phát hiện để kiến nghị về nước các lĩnh vực, vấn đề, cơ hội để thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và nước sở tại.

Xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa đối ngoại phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh tại địa bàn định kỳ và trong từng thời điểm.

Phối hợp tham gia tổ chức các hoạt động Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài; tích cực hỗ trợ các đoàn trong nước tổ chức các sự kiện văn hóa và giao lưu văn hóa với nước sở tại.

Chủ động tham gia vào các hoạt động văn hóa đối ngoại do các cơ quan, tổ chức sở tại chủ trì để giới thiệu và quảng bá về Việt Nam; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia vào các chương trình quảng bá Việt Nam tại địa bàn.

Tìm kiếm khả năng, vận động triển khai các hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sở tại.

Đẩy mạnh việc phổ biến các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam tại sở tại, đặc biệt là trong cộng đồng; tích cực cung cấp thông tin, ấn phẩm tuyên truyền về Việt Nam cho công chúng sở tại.

Đề xuất các biện pháp tranh thủ, vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam tại sở tại.

Vận động, tranh thủ các phương tiện thông tin đại chúng, các chính khách, các nhà nghiên cứu, các nhà kinh tế, văn hóa có uy tín ở sở tại và các phóng viên, nhà báo… viết bài, đưa tin, làm phim và tuyên truyền quảng bá về Việt Nam.

Nghiên cứu đề xuất việc sử dụng các thiết chế văn hóa sở tại (trung tâm triển lãm, bảo tàng, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại…) để quảng bá hình ảnh Việt Nam, thông qua các hình thức triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, chiếu phim, các hoạt động ẩm thực, các ấn phẩm tuyên truyền…

Hợp tác với các cơ quan nghiên cứu của nước sở tại nhằm thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu về Việt Nam (Việt Nam học).

Phối hợp chuẩn hóa các Cơ quan đại diện, để mỗi Cơ quan đại diện thực sự là một trung tâm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tùy vào tình hình thực tế tại địa bàn, khuyến khích các Cơ quan đại diện kiến nghị thành lập Trung tâm văn hóa tại địa bàn và “Góc Việt Nam” trong trụ sở Cơ quan đại diện.

Tiếp tục cử cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác Ngoại giao Văn hóa, làm đầu mối liên hệ với các đơn vị trong nước và các cơ quan Bạn để phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động Ngoại giao Văn hóa tại nước sở tại.

Định kỳ báo cáo Bộ về tình hình triển khai các hoạt động Ngoại giao Văn hóa của Cơ quan đại diện và đề xuất những biện pháp nhằm thúc đẩy công tác này tại địa bàn.

Phần II:

Một số hoạt động chính đang được triển khai của công tác

Ngoại giao văn hóa

A. Một số hoạt động triển khai công tác Ngoại giao văn hóa ở trong nước:

Nhằm đẩy mạnh công tác Ngoại giao văn hóa với vai trò là kênh truyền tải, quảng bá "về hình ảnh một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, văn hiến, một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động và không ngừng phát triển" đến với thế giới, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chủ trì phối hợp với các bộ/ngành, cơ quan và các địa phương liên quan triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa theo các lĩnh vực cụ thể như sau:

I/- Lồng ghép hoạt động Ngoại giao văn hóa trong các Lễ hội, sự kiện đối ngoại của địa phương:

1. Trước sự kiện khoảng 6 tháng, Lãnh đạo các địa phương trao đổi, làm việc với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao (hoặc gửi công văn) đề xuất các yêu cầu đề nghị hỗ trợ cụ thể.

2. Trên cơ sở đề nghị, đề xuất của địa phương, Lãnh đạo Bộ ngoại giao chỉ định các đơn vị đầu mối triển khai công tác phối hợp và tổ chức.

3. Các cơ quan được phân công chủ trì xây dựng kế hoạch và phối hợp với địa phương triển khai tổ chức các hoạt động, chủ yếu bao gồm:

(i) Phối hợp với các CQĐD mời đoàn nghệ thuật của các nước tham gia Festival/Lễ hội theo yêu cầu của địa phương;

(ii) Mời Đoàn Ngoại giao tham dự Festival/Lễ hội;

iii) Tổ chức Tọa đàm, Hội thảo về các chủ đề ngoại giao văn hóa gắn kết với địa phương trong khuôn khổ chương trình của Festival/Lễ hội:

Nội dung/mục đích: Giới thiệu tiềm năng kinh tế, văn hóa, du lịch, các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài của địa phương với Đoàn ngoại giao; các Đại sứ/Tham tán/Tổng lãnh sự các nước đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch và kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; ký kết các thỏa thuận hợp tác (nếu có)…; tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa địa phương với các CQĐD ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam;

Thành phần: Lãnh đạo Tỉnh/thành phố, các sở/ban/ngành địa phương và Đại sứ/Tham tán/Tổng lãnh sự các nước tại Việt Nam;

(iv) Phối hợp với địa phương tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa địa phương, khảo sát thực địa các dự án kêu gọi đầu tư…

(v) Phối hợp tuyên truyền quảng bá cho sự kiện ở nước ngoài;

II/- Các hoạt động do Bộ Ngoại giao hoặc UBQG UNESCO Việt Nam đưa ra sáng kiến, chủ trì, phối hợp với địa phương tổ chức:

Các hoạt động chủ yếu bao gồm:

(i) Tổ chức Hội nghị, hội thảo quốc tế về các chủ đề liên quan đến lĩnh vực Ngoại giao văn hóa;

(ii) Tổ chức Hội nghị, hội thảo quốc tế về các chủ đề liên quan đến Tổ chức UNESCO;

(iii) Tổ chức các hoạt động giới thiệu các di sản đang trong quá trình đề cử UNESCO công nhận để vận động bạn bè quốc tế (Đoàn ngoại giao và các chuyên gia) ủng hộ;

Qui trình:

1. Bộ Ngoại giao (Vụ VHĐN-UNESCO) hoặc Ban Thư ký UBQG UNESCO trao đổi với các cơ quan chức năng của địa phương về chủ trương và đề xuất, trình Lãnh đạo Bộ để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo;

2. Trao đổi, làm việc với địa phương về nội dung, cách thức tổ chức và các vấn đề liên quan;

3. Chủ trì, phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện;

4. Mời các chuyên gia quốc tế, Đoàn ngoại giao tại Hà Nội và phối hợp tổ chức chương trình cho Đoàn Ngoại giao tham dự.

III. Kết nối với Đoàn Ngoại giao, triển khai thực hiện nhiều sáng kiến, tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa mới, quán triệt thực hiện chủ trương cắt giảm chi ngân sách nhà nước, đẩy mạnh vận động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa:  

1. Tổ chức hoạt động “Tìm hiểu về Việt Nam” (Learning About Viet Nam) nhằm giới thiệu và cung cấp thông tin cơ bản cho các cán bộ ngoại giao các nước tại Việt Nam.

2. Thành lập Câu lạc bộ Đại sứ ẩm thực và triển khai nhiều hoạt động liên quan của Câu lạc Bộ định kỳ theo tháng để thiết lập mạng lưới, tranh thủ nguồn thông tin và kết hợp vận động;

3. Tổ chức  chương trình tập huấn cho các cán bộ ngoại giao trẻ, cán bộ Ngoại vụ địa phương, cán bộ phụ trách văn hóa của CQĐD nước ngoài và các TCQT;

4. Tổ chức hoạt động Ngoại giao văn hóa kết hợp xúc tiến đầu tư;

IV/- Các hoạt động, sự kiện văn hóa quốc tế lớn do địa phương phối hợp với nước ngoài tổ chức:

Các hoạt động theo hình thức này chủ yếu do địa phương phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức, Bộ Ngoại giao sẽ đóng góp ý kiến đối với Đề án Tổ chức về các vấn đề liên quan đến chính trị, ngoại giao, lễ tân, lãnh sự…(nếu được yêu cầu). 

B. Một số hoạt động triển khai công tác Ngoại giao văn hóa ở nước ngoài:

I. Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức theo sự chỉ đạo của TTCP.

1.Mục đích và ý nghĩa.

Quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, bền vững và tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, giữa nhân dân các nước với Việt Nam.

Vận động thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch quốc tế, trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, thương mại, tài chính, ngân hàng và dịch vụ khác.

2.Các hoạt động chính bao gồm:

Các hoạt động ngoại giao chính trị của Việt Nam: gặp gỡ, hội đàm;

Giới thiệu cơ hội hợp tác về đầu tư, thương mại, du lịch và dịch vụ với Việt Nam được tổ chức dưới một số hình thức như: diễn đàn, hội thảo, tọa đàm doanh nghiệp, triển lãm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

Giới thiệu văn hóa Việt Nam thông qua một số hoạt động như: trưng bày, triển lãm văn hóa phẩm, tác phẩm nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật; chiếu phim; hội thảo, tọa đàm về văn hóa Việt, giới thiệu thời trang Việt Nam, giới thiệu ẩm thực Việt Nam;

Các hoạt động giao lưu nhân dân, các hoạt động truyền thông và một số hoạt động cụ thể khác để tuyên truyền, giới thiệu về sự kiện này.

3. Quy trình phối hợp với địa phương triển khai tổ chức các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài:

 Hàng năm trên cơ sở nhu cầu thúc đẩy quan hệ chính trị đối ngoại, kinh tế, văn hóa của Việt Nam với các nước và kế hoạch các chuyến thăm chính thức của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch tổ chức Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài cho năm tiếp theo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. (Trước ngày 15 tháng 4 hàng năm, Bộ Ngoại giao gửi công văn tới các bộ, ngành, địa phương liên quan thông báo mục đích, yêu cầu và nội dung của chương trình dự kiến, bao gồm danh sách các địa điểm và thời gian dự kiến sẽ tổ chức Chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài trong năm tiếp theo. Trước ngày 15 tháng 5, các bộ, ngành, địa phương liên quan gửi Bộ Ngoại giao danh mục đề án phối hợp tổ chức)

Sau khi chương trình tổng thể Tuần/ngày Việt Nam ở nước ngoài được TTCP phê duyệt, Bộ Ngoại giao sẽ thông báo ý kiến chỉ đạo của TTCP tới các Bộ, ngành và các địa phương để phối hợp  xây dựng kế hoạch tham gia tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện.

Các địa phương có nhu cầu tham gia chủ động liên hệ, cử đầu mối chuyên trách và thông báo tới Bộ Ngoại giao (Vụ VHĐN-UNESCO phụ trách về các hoạt động văn hóa; Vụ Tổng hợp Kinh tế phụ trách về các hoạt động kinh tế).

Về kinh tế: chuẩn bị các bài tham luận tại các hội thảo, diễn đàn kinh tế theo lĩnh vực mình quan tâm, giới thiệu và bảo lãnh cho các doanh nghiệp tham gia đoàn…

Về Văn hóa: Chuẩn bị các tài liệu, tư liệu tuyên truyền quảng bá tại các hội trợ, các không gian triển lãm, hoặc cử đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn tại các sự kiện…

Về Hậu cần: Bộ Ngoại giao có thể hỗ trợ địa phương các thủ tục xin thị thực nhập cảnh, các thông tin liên quan đến khách sạn, đi lại hoặc các nội dung cần lưu ý tại sở tại….

 4.Về Kinh phí tổ chức :

Căn cứ Quy chế tổ chức:

Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ các kinh phí thuê cơ sở vật chất chung cho tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài như: địa điểm biểu diễn nghệ thuật, triển lãm không gian văn hóa Việt Nam, Hội chợ, Hội thảo, diễn đàn kinh tế…

Các địa phương có trách nhiệm đảm bảo kinh phí đối với các các hoạt động tham gia của địa phương mình trong khuôn khổ sự kiện từ nguồn ngân sách của địa phương mình (bao gồm kinh phí cử đoàn tham gia tổ chức).

II. Tham gia các hoạt động văn hóa, văn hóa đối ngoại do nước sở tại tổ chức:

Trên cơ sở đề nghị của các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài, Vụ VHĐN-UNESCO làm đầu mối phối hợp thông báo tới các địa phương để xem xét cử đoàn nghệ thuật, nghệ nhân, nghệ sỹ tham gia các hoạt động ngoại giao văn hóa ở nước ngoài.

III. Công tác tuyên truyền quảng bá, hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài:

Các hoạt động này thường do Vụ TTBC chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ để xây dựng kế hoạch và sản xuất các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Vụ VHĐN-UNESCO sẽ là đơn vị tổng hợp thông tin giới thiệu, quảng bá trong các lĩnh vực văn hóa, di sản, ẩm thực…từ các địa phương liên quan để góp ý xây dựng nội dung cho các ấn phẩm.

IV. Triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”:

Việc thực hiện Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” (sau đây xin gọi là Đề án tôn vinh Bác) nhằm (i) Góp phần lưu giữ và bảo vệ những dấu tích của Bác ở nước ngoài; (ii) Tăng cường quảng bá hình ảnh, văn hóa, lịch sử, truyền thống và con người Việt Nam ra thế giới thông qua hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; (iii) Góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

            Trong quá trình triển khai, các cơ quan đại diện còn quan tâm, đẩy mạnh công tác: (i) Đề cao và phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; (ii) Nâng cao lòng tự hào dân tộc, góp phần gắn kết, củng cố và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, Tổ quốc; (iii) Phát hiện, sưu tầm các hiện vật, tư liệu, dấu tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài.

Giới thiệu một số hình thức cơ bản trong việc triển khai thực hiện đề án của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:

(1) Các hoạt động kỷ niệm ngày sinh của Bác dịp 19/5 hàng năm (tổ chức mít-tinh, nói chuyện, tọa đàm, hội thảo, triển lãm, chiếu phim, giới thiệu sách, thi tìm hiểu…); các hoạt động phát huy kết quả sau đó;

(2) Các hoạt động kết hợp với việc triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho các đối tượng là người Việt Nam đang công tác, học tập và sinh sống ở nước ngoài;

(3) Tôn tạo và xây dựng mới tượng/tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các hoạt động tôn vinh được tiến hành tại khu vực tượng và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh;

(4) Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các Khu Di tích, tưởng niệm, bảo tàng, công viên mang tên Bác và tổ chức các hoạt động tôn vinh tại các cơ sở này;

(5) Đặt bia, gắn biển đồng và các hoạt động liên quan sau đó;

(6) Đặt tên trường, lớp, tên đường phố, quảng trường và các hoạt động liên quan sau đó;

(7) Xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sách báo, phim, bài viết về Bác và các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm sau đó;

(8) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện hoặc các chương trình nghiên cứu, học tập chính khóa và các lớp tập huấn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh;

(9) Các hình thức khác mang tính nghệ thuật, sáng tạo (như tổ chức thi sáng tác bài hát, tranh, viết tiểu luận về Bác).

Giới thiệu về các thủ tục cần thiết để có thể tiến hành một công trình tượng/tượng đài về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài:

(1) Đề xuất của cơ quan, tổ chức, các nhân liên quan;

(2) Ý kiến chính thức của Cơ quan đại diện cao nhất của Việt Nam ở sở tại về các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, cộng đồng, về tính lâu dài và kế hoạch bảo vệ;

(3) Hình thức phù hợp khẳng định sự ủng hộ và sự tham gia của sở tại đối với việc xây dựng, bảo vệ và giữ gìn lâu dài công trình cũng như sự tham gia vào các sự kiện tích cực được tổ chức tại công trình;

(4) Các văn bản hành chính và pháp lý phù hợp của cấp có thẩm quyền của sở tại về sở hữu/quyền sử dụng lâu dài và quy hoạch dài hạn đối với khu đất/khuôn viên nơi sẽ xây dựng công trình/đặt tượng;

(5) Khảo sát địa điểm, xác định vị trí;

(6) Đề xuất và thiết kế mẫu, có tính đến các đề nghị của phía sở tại và các hình thức sáng tác phù hợp của tác giả ở sở tại;

(7) Kế hoạch tổ chức các hoạt động tại khu vực công trình để phát huy giá trị và ý nghĩa của tượng/tượng đài;

(8) Báo các cấp có thẩm quyền để xin chủ trương (Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam), kèm theo dự toán kinh phí thực hiện (các cơ quan tham gia cần tự tiến hành xây dựng kinh phí, bao gồm nguồn từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, đóng góp của sở tại - Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO sẽ làm cơ quan đầu mối, tổng hợp báo cáo);

(9) Thẩm định và kết luận của các cơ quan chức năng về vị trí mẫu tượng/tượng đài;

(10) Chế tác tượng/tượng đài, làm bệ tượng (có thể thực hiện ở trong nước hoặc tại địa bàn), chuyển tượng đến vị trí đặt và hoàn thiện công trình;

(11) Tổ chức Lễ khánh thành;

(12) Quyết toán.

Phần III:

CÔNG TÁC UNESCO

I/- Về Giáo dục:

UNESCO có nhiệm vụ thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục tòan cầu thông qua việc: đa dạng hóa nội dung và phương pháp cũng như tăng cường các giá trị phổ biến toàn cầu, tăng cường việc thử nghiệm, canh tân ,phổ biến và chia sẻ thông tin và các kinh nghiệm tốt nhất, cũng như đối thoại chính sách trong lĩnh vực giáo dục.

 1.Các hoạt động tập trung ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục của UNESCO:

Chương trình Giáo dục cho mọi người (EFA); hỗ trợ các chính phủ hoạch định và quản lý giáo dục; hỗ trợ hệ thống giáo dục ứng phó với các thách thức đương thời nhằm đảm bảo phát triển bền vững và phi bạo lực.

Nâng cao chất lượng giáo dục và giáo viên, xây dựng hệ thống giáo dục hòa nhập chất lượng hiệu quả ở các cấp học; áp dụng một số nội dung mới phục vụ phát triển như: Giáo dục phòng chống HIV-AIDS , giáo dục bảo vệ di sản,  giáo dục hiểu biết quốc tế, áp dụng công nghệ thông tin trong dạy nghề, học tập suốt đời, xã hội học tập…

Đẩy mạnh các mô hình hỗ trợ như Trung tâm học tập cộng đồng (CLC), Mạng lưới các trường liên kết của UNESCO (ASPnet).

Những sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm quốc tế của UNESCO trong những năm qua thông các chương trình, dự án đã góp phần vào việc đổi mới căn bản, toàn diện nền Giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại, hướng tới xây dựng “xã hội học tập sáng tạo, bền vững và hòa nhập”.

2.Một số nội dung hợp tác giáo dục UNESCO liên quan:

2.1. Xã hội học tập và Học tập suốt đời:

Trong những năm gần đây, việc thúc đẩy học tập suốt đời đã trở thành nguyên tắc cơ bản của cải cách giáo dục và phát triển bền vững trong cộng đồng quốc tế và UNESCO đóng vai trò quan trọng  trong việc phát triển học tập suốt đời cũng như xã hội học tập trên toàn cầu.

Bên cạnh khái niệm chung “xã hội học tập”, UNESCO đã thông qua một số khái niệm mang tính thực tế và ứng dựng đang ngày càng phát triển như “cộng đồng học tập”, các “thành phố học tập” và các “khu vực học tập”. Ngày càng nhiều các nước thành viên, chính quyền địa phương đã công bố trở thành thành phố/khu vực/cộng đồng học tập và sự gia tăng mạnh mẽ này đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu đáng chú ý.

Những năm vừa qua, UNESCO đã hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường giáo dục cho người lớn, nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh dạo và các tầng lớp nhân dân; từ đó giúp người lớn học tập thường xuyên và học tập suốt đời. Hiện nay UNESCO mà cụ thể là Viện học tập suốt đời của tổ chức đang tư vấn hỗ trợ chính phủ Việt Nam xây dựng mạng lưới các thành phố học tập để gia nhập Mạng lưới các Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO (GNLC).

Hiện tại ở Việt Nam có TP. Hải Dương, TP Hồ Chí Minh đã tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Các thành phố khác như Hạ Long, Bắc Ninh, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tầu, Biên Hòa, Bình Dương, Cần Thơ… cũng đang được đề nghị xem xét, chuẩn bị các điều kiện để đăng ký ra nhập Mạng lưới này.

2.2. Giáo dục vì sự Phát triển bền vững:

Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Thập kỷ Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững của Việt Nam (UBQG TKGDPTBV) từ năm 2005, gồm 19 thành viên và lãnh đạo của các Bộ/ngành liên quan và Ban Thư ký của Ủy ban được giao cho Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao). Năm 2009 UBQG TKGD PTBV Việt Nam được sáp nhập thành một trong bốn Uỷ ban chuyên môn của  Hội đồng phát triển bền vững quốc gia. Năm 2011, Hội đồng này đổi tên thành Hội đồng quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững nay do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu.

Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) tại địa phương đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy GD PTBV và xây dựng xã hội học tập khi cung cấp các hình thức học tập và các cơ hội phát triển khác nhau thông qua giáo dục xóa mù chữ, giáo dục công dân, giáo dục bảo vệ môi trường và các vấn đề văn hóa xã hội như bảo vệ di sản, bảo vệ sức khỏe công đồng. Điểm mạnh là các TTHTCĐ có thể cung cấp các chương trình giáo dục và học tập phù hợp với thực tế của từng địa phương. Do đó, cần thúc đẩy GD PTBV ở cơ sở, việc học tập suốt đời thông qua các TTHTCĐ cần phải được tiền hành trên cơ sở hợp tác và phối kết hợp chặt chẽ của các ban ngành đoàn thể và lực lượng trong xã hội.

2.3. Mạng lưới các trường liên kết của UNESCO (ASPnet):

ASPnet là chương trình được UNESCO khởi xướng từ năm 1953, đến nay (2016) ASPnet thế giới đã có khoảng gần 10 000 trường ở 181 nước thành viên. Các trường ASPnet gồm các cơ sở giáo dục từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, dạy nghề và đào tạo giáo viên.  Mạng lưới được điều hành ở các cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

ASPnet hiện nay xác định và phổ biến những ví dụ về thực tiễn chất lượng giáo dục với 4 chủ đề hoạt động: Những quan tâm thế giới và vai trò của hệ thống Liên Hợp Quốc;  Giáo dục phát triển bền vững; Hòa bình và quyền con người; Học tập liên văn hóa.

ASPnet Việt Nam được thành lập và chính thức được UNESCO công nhận năm 1995. Ban đầu mạng lưới chỉ có 4 trường tham gia, đến năm 2002 có 21 trường và hiện nay là 23 trường. Trong đó có 04 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 07 trường THCS, 02 trường THPT và 01 trường tập huấn; 18 trường trong địa bàn TP Hà Nội và 04 trường ở tỉnh Quảng Ninh, 01 trường ở tỉnh Hòa Bình, tất cả 23 trường đều thuộc khu vực miền Bắc.

3.Một số giải thưởng và dự án Giáo dục của UNESCO:

Giải thưởng về giáo dục phụ nữ và trẻ em gái

Giải thưởng xóa mù chữ quốc tế -UNESCO Literacy Prizes

Giải thưởng UNESCO – Hamdan bin Rashid Al-Maktotum dành cho những thực tiễn và thành tích xuất sắc trong việc nâng cao năng lực của giáo viên

Giải thưởng UNESCO – King Hamad Bin Isa Alkhalifa cho việc ứng dụng các Công nghệ thông tin trong giáo dục

Giải thưởng UNESCO/Emir Jaber al-Sabah - xúc tiến giáo dục chất lượng dành cho người thiểu năng trí tuệ.

Giải thưởng Giáo dục vì sự phát triển bền vững UNESCO-Nhật Bản

Giải thưởng Wenhui về cải cách giáo dục

II/- Lĩnh vực Truyền thông thông tin:

1.Truyền thông thông tin:

Lĩnh vực truyền thông, thông tin UNESCO có nhiệm vụ thúc đẩy “tự do tư tưởng thông qua ngôn từ và hình ảnh lưu hành.“ Lĩnh vực truyền thông, thông tin có ba mục tiêu:

Thúc đẩy tư do tư tưởng và truy cập thông tin toàn cầu

Thúc đẩy đa dạng biểu đạt và đa dạng văn hóa trong truyền thông và hệ thống thông tin quốc tế

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin cho mọi người.

Bắt nguồn từ Hội nghị cấp cao về xã hội thông tin  lần đầu tiên được tổ chức, thực chất là  một diễn đàn mở do Liên minh Truyền thông quốc tế tổ chức có sự tham gia của UNESCO bao gồm hai gia đoạn: 12/ 2003 tại Giơnevơ-  Thụy Sĩ và năm 11/2005 tại Tunis- Tuynidi. Mục đích là giảm sự bất bình đẳng trên thế giới về tiếp cận công nghệ thông tin, nhất là internet. Hội nghị đã ra Tuyên bố nguyên tắc: xây dựng xã hội thông tin: một thách thức toàn cầu đối với thiên niên kỷ mới[4]và Chương trình hành động[5]. Sau đó hàng năm kể từ 2006 diễn đàn này được tổ chức định kỳ.

Hiện nay, cơ cấu tổ chức của lĩnh vực này  bao gồm hai vụ: Tự do ngôn luận và Phát triển truyền thông (Freedom of Expression and Media Development-FEM), Xã hội tri thức (Knowledge Societies Division- KSD). Ngoài chức năng được giao, vụ Tự do ngôn luận và Phát triển truyền thông theo dõi việc triển khai Chương trình  quốc tế phát triển truyền thông (International Programme for Development of communication-IPDC), vụ Xã hội tri thức theo dõi diễn đàn  Hội nghị cấp cao về xã hội thông tin, Chương trình thông tin cho mọi người (Information for All Programme, đặc biêt chịu trách nhiệm bảo tồn và số hóa di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới.


1.1. Tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận với tri thức:

Tạo điều kiện cho phép người khuyết tật tiếp cận, Các lưu trữ, Đạo đức thông tin,  Free and Open Source Software (FOSS) các phần mềm nguồn miễn phí và mở, Xóa mù thông tin, Quản trị Internet, Thư viện, Đa dạng ngôn ngữ và Đa ngôn ngữ trên internet, Mở cổng vào thông tin khoa học, Mở các nguồn giáo dục, Bảo tồn các di sản tư liệu, UNESCO khung năng lực cho giáo viên trong lĩnh vực kỹ thuật thông tin truyền thông (UNESCO ICT CFT).

1.2. Phát triển truyền thông:

Truyền thông vì phát triển bền vững, Phương tiện truyền thông, Phát sóng dịch vụ công cộng, Đo lường sự phát triển phương tiện truyền thông, Giáo dục và đào tạo phóng viên, Xóa mù truyền thông.

1.3. Tự do ngôn luận:

An toàn cho các phóng viên, tự do thông tin, Tiêu chuẩn báo chí chuyên nghiệp và quy tắc đạo đức, Tự do báo chí, Đối thoại vì hòa bình, Tự do ngôn luận trên Internet, Phóng viên điều tra, Các chương trình  có ngân sách đặc biệt về tự do ngôn luận.

1.4. Các công cụ nâng cao năng lực:

Xóa mù thông tin và truyền thông

1.5. Các ưu tiên xuyên suốt:

Nghiên cứu internet UNESCO, Giới và truyền thông, Các phản hồi hậu xung đột và hậu thiên tai.

2.  Chương trình ký ức thế giới:

Mảng thông tin truyền thông có một chương trình hoạt động với tên gọi Chương trình ký ức thế giới (Memory of the World – MOW), Chương trình Ký ức thế giới được UNESCO thành lập năm 1992, nhằm làm cho cộng đồng quốc tế  nhận thức được sự phong phú của kho tàng di sản tư liệu thế giới, sự cần thiết phải bảo tồn nó cho các thế hệ tương lai và  tạo điều kiện cho công chúng rộng rãi truy cập. Di sản tư liệu chủ yếu nằm trong các thư viện và kho lưu trữ, tồn tại bằng nhiều ngôn ngữ và thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau. Vì là tư liệu và phải đối mặt với nhiều nguy cơ như chiến tranh, bạo động xã hội, thiếu các điều kiện bảo quản, loại di sản này cần được thẩm định và xếp hạng vào danh mục các di sản có giá trị toàn cầu.

Ký ức thế giới là hồi ức của các dân tộc trên thế giới được chọn lọc và ghi lại bằng tư liệu, đại diện cho một bộ phận lớn di sản văn hóa thế giới, ghi lại sự phát triển về tư tưởng, ghi lại những khám phá và thành tựu trong xã hội loài người, là di sản của quá khứ để lại cho thế giới trong hiện tại và tương lai.

Chương trình Ký ức thế giới được chia thành 2 cấp độ: Chương trình ký ức thế giới (MOW) và Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình dương (MOWCAP).

Tính đến tháng 10/2016, Việt Nam đã có 6 di sản tư liệu được ghi danh trong danh sách của MOW và MOWCAP bao gồm: Mộc bản Triều Nguyễn (MOW 2009); 82 Bia đá các khoa thi tiến sĩ Triều Lê – Mạc 1442-1779 (MOWCAP 2010, MOW 2011); Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (MOWCAP 2012); Châu Bản Triều Nguyễn (MOWCAP 2014); Mộc bản Trường học Phúc Giang (MOWCAP 2016); Văn thơ trên kiến trúc Cung đình Huế (MOWCAP 2016).

III/- Bộ phận Khoa học :

UNESCO là tổ chức LHQ duy nhất có nhiệm vụ thúc đẩy khoa học, cùng các quốc gia thành viên và các đối tác sử dụng khoa học phục vụ hòa bình, nhân quyền và phát triển bền vững. Kể từ khi thành lập UNESCO luôn đóng vai trò xúc tác trong việc thành lập các tổ chức và liên hiệp khoa học nổi tiếng, đưa ra hai sáng kiến ngay từ những thập kỷ đầu tiên như Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) và Chương trình nước quốc tế.

Cùng với các quốc gia thành viên, UNESCO xác định rõ những nhiệm vụ cần làm :Thúc đẩy khoa học ; Hoạt động như một diễn đàn tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi ý tưởng và thông qua các chuẩn mực ; Cổ vũ đối thoại giữa các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách ;Thúc đẩy và hỗ trợ các sáng kiến đổi mới trên thế giới, nhất là ở châu Phi.

Về đối tượng, UNESCO chú trọng các nước đang phát triển và các tiểu quốc gia biển đảo và ưu tiên  phòng chống thiên tai, đối mặt với những thách thức hiện nay như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, giảm nghèo và phát triển bền vững.

UNESCO thực hiện các hoạt động của mình chủ yếu thông qua các chương trình khoa học quốc tế (ISPs)

1. Các lĩnh vực chuyên môn chính của UNESCO trong khoa học :

Khoa học về nước sạch

Nghiên cứu về vấn đề con người, tính đa dạng sinh học và sinh thái học

Hải dương học

Khoa học về trái đất

Khoa học cơ bản và khoa học chế tạo

Khoa học về các vùng ven biển và các đảo nhỏ

Chính sách khoa học

Khoa học về thiên tai

Vấn đề phụ nữ và khoa học

Nghiên cứu về hệ thống tri thức bản địa

1.1. Ưu tiên:

Tăng cường các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức nhằm định hướng cho việc phát triển khoa học công nghệ và chuyển hóa xã hội

Cải thiện an ninh con người thông qua việc quản lý tốt hơn đối với môi trường sống và sự biến đổi xã hội

Nâng cao năng lực khoa học, kỹ thuật nguồn nhân lực để tham gia vào xã hội tri thức đang hình thành.

1.2.  Mục tiêu chiến lược cụ thể UNESCO trong lĩnh vực khoa học:

Thúc đẩy các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức trong việc phát triển khoa học công nghệ và trong sự chuyển hoá xã hội;

Cải thiện các điều kiện an toàn cho con người nhờ vào việc quản lý tốt hơn những thay đổi môi trường và xã hội;

Nâng cao các điều kiện tham gia cho mọi người về mặt khoa học, kỹ thuật và nhân văn trên con đường tiến tới một xã hội tri thức.

2.Khu Dự trữ Sinh quyển:

Khái niệm: Khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.

3.Công viên địa chất toàn cầu UNESCO:

Là khu vực địa lý thống nhất bao gồm tất cả các khu di sản địa chất, di sản văn hóa, thiên nhiên và cảnh quan có ý nghĩa địa chất quốc tế, được quản lý bằng một khái niệm tổng thể về bảo vệ, giáo dục và phát triển bền vững. Các giá trị địa chất nổi bật mang tính toàn cầu của Công viên địa chất do UNESCO công nhận phải được các chuyên gia khoa học thuộc nhóm các chuyên gia đánh giá của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu xác định. Công viên địa chất toàn cầu được yêu cầu sử dụng di sản địa chất kết nối với tất cả các di sản thiên nhiên và văn hoá, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về trái đất và các tai biến địa chất, phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương, quốc gia và của thế giới.

4.Ủy ban liên chính phủ về Hải dương học (IOC):

Mục đích: thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp các chương trình nghiên cứu, dịch vụ và xây dựng năng lực, để tìm hiểu thêm về bản chất và nguồn lực của các đại dương và các khu vực ven biển và áp dụng kiến ​​thức đó để cải thiện quản lý, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường biển, và các quá trình ra quyết định của Nhà nước thành viên.

Chiến lược trung hạn 2008-2013 ghi nhận vai trò của IOC là cơ quan có thẩm quyền và là cơ quan đầu mối về các vấn đề đại dương trong hệ thống Liên hợp quốc, đáp ứng cụ thể trong các lĩnh vực bắt buộc hoạt động về kế hoạch Johannesburg và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm các công ước liên quan của Liên Hợp Quốc.

Mục tiêu: Thông qua việc thúc đẩy và phối hợp liên chính phủ của khoa học đại dương, dịch vụ, quan sát, quản lý dữ liệu và các hoạt động liên quan, bao gồm cả chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực, ở cấp khu vực và toàn cầu, tính đến tích hợp biển và quản lý vùng ven biển, phù hợp với ưu tiên của UNESCO cho Châu Phi, IOC sẽ giải quyết: Phòng ngừa và giảm các tác động của thiên tai; Giảm thiểu các tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo vệ hệ sinh thái đại dương; Quản lý và chính sách gia tăng bền vững môi trường và tài nguyên ven biển và đại dương.

5.Chương trình Thủy văn Quốc tế (IHP):

Chương trình Thủy văn Quốc tế (IHP) là chương trình liên chính phủ duy nhất của hệ thống Liên Hợp Quốc dành cho việc nghiên cứu về nước, quản lý tài nguyên nước, giáo dục và xây dựng năng lực cho các chuyên gia, quản lý về tài nguyên nước. Kể từ khi thành lập vào năm 1975, IHP đã phát triển từ một chương trình nghiên cứu thủy văn quốc tế thành một chương trình toàn diện, tạo điều kiện giáo dục, xây dựng năng lực, tăng cường quản lý và quản trị tài nguyên nước. IHP tạo điều kiện cho một phương pháp tiếp cận liên ngành và tích hợp để quản lý lưu vực sông và nước ngầm, trong đó kết hợp các khía cạnh xã hội của tài nguyên nước, và khuyến khích và phát triển các nghiên cứu quốc tế về khoa học và thủy văn nước ngọt.

IHP Việt Nam được thành lập từ năm 1985 theo Quyết định số:5691.V10 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, giao cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn chủ trì. IHP Việt Nam tập trung tham gia các hoạt động IHP trong khu vực và có một số đóng góp đáng kể trong các hoạt động chung, chủ yếu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu (BĐKH). Một vấn đề mà cả UNESCO và Việt Nam rất quan tâm là “xây dựng cơ sở dữ liệu nước ngầm, quản lý nước ngầm bền vững vùng khô hạn và bán khô hạn” và nhấn mạnh ưu tiên “Giải quyết mâu thuẫn giữa sử dụng nước ngầm xuyên biên giới”.

IV. Lĩnh vực Văn hóa:

Cho đến nay UNESCO đã thông qua 6 công ước về văn hóa: Công ước bảo vệ các tài sản văn hóa khi có chiến tranh (1954), Công ước chống lại việc buôn bán trái phép các tài sản văn hóa (1970), Công ước bảo tồn di sản văn hóa và  thiên nhiên của thế giới (1972), Công ước bảo tồn di sản văn hóa dưới nước (2001), Công ước bảo tồn văn hóa phi vật thể (2003), Công ước bảo tồn và thức đẩy sự đa dạng về biểu đạt văn hóa (2005). Sự  gia nhập các công ước này   tùy thuộc vào  và mối quan tâm và lợi ích của từng quốc gia.

1.Ủy ban Liên chính phủ thuộc Công ước 1972 (WHC)

Theo điều 8.3 Công ước 1972 và điều 49 Quy chế Ủy ban Liên chính phủ Công ước 1972 ( thường được gọi Ủy ban Di sản thế giới», Đại hội Công ước 1972 được tổ chức trong khuôn khổ ĐHĐ UNESCO hai năm một lần. Đại hội có hai nhiệm vụ quan trọng nhất: xem xét việc thực hiện Công ước, sửa đổi bổ sung Hướng dẫn thự hiện Công ước và bầu bổ sung thành viên Ủy ban Di sản Thế giới. Ủy ban gồm 21 thành viên có trách nhiệm thực hiện Công ước, xác định việc sử dụng Quỹ di sản thế giới và phân bổ hỗ trợ tài chính căn cứ theo hồ sơ của các nước thành viên đệ trình lên. Hàng năm Ủy ban  xét duyệt các hồ sơ xin ghi danh vào danh sách di sản thế giới, xem xét các báo cáo về tình trạng bảo tồn các di sản đã được ghi danh và yêu cầu các quốc gia thành viên tiến hành các biên pháp cần thiết nếu công tác bảo tồn có vấn đề. Đồng thời Ủy ban cũng quyết định việc ghi danh các quần thể vào danh sách các di sản lâm nguy và quyết định rút khỏi danh sách này. Việt Nam hiện là thành viên Ủy ban  nhiệm kỳ 2013-2017.

Theo điều 13.1 Nội quy Đại hội, hồ sơ ứng viên vào Ủy ban phải được gửi đến Ban thư ký Trung tâm di sản thế giới UNESCO chậm nhất là 6 tuần trước khi Đại hội khai mạc.

Được thành lập năm 1992, Trung tâm di sản thế giới có nhiệm vụ phối hợp các hoạt động liên quan đến di sản thế giới, đảm đương chức năng thư ký của Công ước. Cụ thể, Trung tâm tổ chức các  kỳ họp thường niên của Ủy ban và của Thường trực, hướng dẫn các quốc gia thành viên  lập hồ sơ về di sản, triển khai việc thực hiện Quỹ về di sản, phối hợp  quá trình soạn thảo báo cáo về tình trạng di sản và các hành động khẩn cấp cần thiết  khi có một di sản bị lâm nguy. Trung tâm cũng tổ chức các hội thảo chuyên môn, lập, theo dõi Danh sách di sản đã được ghi danh, soạn thảo sách giáo khoa giáo dục thế hệ trẻ về di sản và phổ biến rộng rãi đến mọi người thông tin và kiến thức  liên quan đến di sản.

Đối với Công ước 1972  có ba cơ quan tham vấn được lựa chon.

Hội đồng Quốc tế  về các Di tích và Quần thể (ICOMOS)  là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1965 tại Ba Lan  có có trụ sở tại Paris. Hoạt động chính của ICOMOS là quảng bá lý thuyết, phương pháp và kỹ thuật ứng dụng trong việc bào tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích và quần thể văn hóa. ICOMOS được ghi trong Công ước 1972 là cơ quan thâm vấn trong việc thực hiện Công ước, có vai trò là hội đồng khoa học  của Trung tâm di sản thế giới trong việc ghi danh  các di tích và quần thể văn hóa vào Danh sách di sản văn hóa, kể cả quần thể hỗn hợp văn hóa- thiên nhiên.Thành viên của ICOMOS bao gồm cá nhân , đoàn thể, nhà hảo tâm, thành viên danh dự. Mạng lưới của ICOMOS là các ủy ban quốc gia được lập ra tại các nước.

Liên hiệp Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) được thành lập năm 1948, hiện có 1000 thành viên, trụ sở đặt tại Gland, Thụy Sĩ. Là cơ quan tư vấn trong việc thực hiện Công ước 1972,  IUCN đảm trách hai chức năng: giúp thẩm định các hồ sơ xin ghi danh vào Danh sách di sản thiên nhiên và  giúp xem xét báo cáo thường niên về các di sản đã được ghi danh do các quốc gia gửi đến thông qua hệ thống chuyên gia trải khắp thế giới. 

Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Bảo tồn và Trùng tu tài sản văn hóa (ICCROM) là một tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1956, trụ sở đặt tại Roma, Italia trực thuộc UNESCO được giao nhiệm vụ tư vấn về cách bảo tồn các tài sản văn hóa và tiến hành đào tạo về kỹ thuật trùng tu.

2.Ủy ban Liên chính phủ thuộc Công ước 2003.

Theo điều 4 Công ước, Đại hội các quốc gia thành viên là cơ quan cao nhất của Công ước, họp thường kỳ  02 năm một lần và có thể họp bất thường khi cần thiết nếu Ủy ban Liên chính phủ thuộc Công ước hoặc 1/3 các quốc gia thành viên yêu cầu. Đại hội xác định các định hướng chiến lược trong việc thực hiện Công ước.

Theo điều 6,7,8,9  Đại hội bầu ra  24 thành viên Ủy ban Liên chính phủ có nhiệm kỳ 04 năm và cứ hai năm gia hạn một nửa. Để phán ảnh sự đa dạng về quan điểm cũng như các biện pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới, Đại hội quyết định thể thức bầu cử theo nguyên tắc phân bổ công bằng cho các nhóm khu vực. Cụ thể số lượng thành viên Ủy ban cho mỗi khu vực tùy thuộc số lượng các quốc gia thuộc khu vực đó đã phê chuẩn Công ước. Đại diện các quốc gia thành viên Ủy ban phải là các chuyên gia về các lĩnh vực thuộc di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam là thành viên Ủy ban, nhiệm kỳ 2006-2010.

Ủy ban họp thường kỳ mỗi năm một lần và họp bất thường nếu có ít nhất 2/3 số lượng thành viên yêu cầu. Ủy ban có những chức năng sau:

Thúc đẩy các mục tiêu của Công ước, khuyến cáo các biện pháp và cách làm tốt nhất về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể;

Sử dụng các nguồn thuộc Quỹ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với những chỉ đạo cũng như  kế họach hai năm do Đại hội quyết định;

Ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại hay Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp  theo điều 16 và 17 Công ước các hồ sơ do các quốc gia thành viên đệ trình lên;

Lựa chọn và quảng bá các chương trình, dự án và các hoạt động do các quốc gia thành viên đẹ trình phản ánh tốt nhất những mục tiêu và nguyên tắc của Công ước, phù hợp với điều 18;

Kiến nghị Đại hội chấp thuận các tổ chức phi chính phủ có khả năng làm tư vấn cho Ủy ban.

Công ước cũng quy định bộ phận văn hóa phi vật thể UNESCO đảm đương chức năng thư ký của Công ước (điều 10),  có nhiệm vụ chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội Công ước và các kỳ họp của Ủy ban Ban thư ký.  Để thực hiện Công ước, Ban thư ký cần làm việc với tất cả các quốc gia thành viên UNESCO , chứ không chỉ các quốc gia thành viên Công ước, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của TGĐ phù hợp với Chương trình, ngân sách đã được ĐHĐ UNESCO thông qua.

Đối với Công ước 2003 có hai cơ quan tham vấn:

Cơ quan Tham vấn (The Consultative Body) được lập ra theo điều 8.3 gồm sáu tổ chức phi chính phủ và sáu chuyên gia độc lập do Ủy ban lựa chọn bổ nhiệm theo chuyên môn và theo nguyên tắc đại diện công bằng giữa các khu vực địa lý, có nhiệm kỳ 4 năm và mỗi năm gia hạn ¼.  Cơ quan có nhiệm vụ thẩm định  những hồ sơ xin ghi danh vào Danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp.

Cơ quan Trực thuộc (Subsidiary Body) được Ủy ban lập ra theo Quy chế hoạt động của Ủy ban có nhiệm vụ giúp Ủy ban thẩm định những hồ sơ xin ghi danh vào Danh sách các di sản có giá trị tiêu biểu của nhân loại.

Quy trình xây dựng, thẩm định, xét duyệt các hồ sơ di sản kéo dài hàng năm và có nhiều tổ chức, cá nhân quốc gia và quốc tế liên quan trực tiếp.[6]  Để giúp các Ủy ban liên chính phủ có đủ cơ sở quyết định, UNESCO thiết lập các mối quan hệ với các cơ quan tham vấn chuyên môn.

CÁC BƯỚC XÂY DỰNG MỘT HỒ SƠ DI SẢN

A - Công tác chuẩn bị xây dựng hồ sơ:

Sở Văn hóa địa phương sở hữu Di sản có công văn gửi Ủy ban Nhân dân Tỉnh kiến nghị xây dựng hồ sơ khoa học của di sản muốn đệ trình UNESCO.

Ủy ban Nhân dân Tỉnh cần có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đồng gửi Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) đề nghị xây dựng hồ sơ khoa học cho di sản.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Quốc gia UNESCO thống nhất xem xét, quyết định tổ chức Hội thảo Khoa học nhằm xác định các giá trị khoa học của Di sản.

Sau khi tổng hợp ý kiến của Hội đồng di sản quốc gia và Ủy ban Quốc gia UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Tờ trình trình Thủ tướng Chính Phủ xin phép xây dựng hồ sơ khoa học di sản để trình UNESCO.

Sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn trả lời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có công văn chỉ định cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp xây dựng, viết hồ sơ.

Sau khi hồ sơ xây dựng xong, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam có Công hàm gửi UNESCO đệ trình hồ sơ.

B - Công tác vận động sau khi trình hồ sơ:

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với địa phương sở hữu di sản và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Tổ chức đoàn đi công tác vận động cho hồ sơ đã đệ trình

Tổ chức các hoạt động giới thiệu di sản tới Đoàn Ngoại giao và bạn bè quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn

Tổ chức đoàn tham dự kỳ họp thường niên của UNESCO tổ chức để bảo vệ hồ sơ đã trình.

C - Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi di sản được UNESCO vinh danh:

Địa phương sở hữu di sản phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch Quốc gia và thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.

Ban Thư ký phối hợp với Tiểu ban Văn hóa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam theo dõi và đôn đốc công tác bảo vệ di sản nhằm xây dựng báo cáo định kỳ theo yêu cầu của UNESCO.

V.  Cơ chế phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với các Bộ/ngành và địa phương triển khai công tác UNESCO:

1- Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam:

Thành phần bao gồm Chủ tịch Ủy ban là một thứ trưởng Bộ Ngoại giao và các phó Chủ tịch là Thứ trưởng các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam có 5 Tiểu ban hoạt động theo lĩnh vực thuộc thẩm quyền và Ban thư ký.

Ban Thư ký là trực thuộc Bộ Ngoại giao.

2 - Tiểu ban bao gồm:

(1) Tiểu ban Giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Hợp tác quốc tế);

(2) Tiểu ban Văn hóa trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Hợp tác quốc tế)

(3) Tiểu ban Thông tin trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Hợp tác quốc tế)

(4) Tiểu ban Khoa học Tự nhiên trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (Vụ Hợp tác quốc tế)Tiểu ban Khoa học Tự nhiên của UBQG UNESCO Việt Nam hiện nay do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Tiểu ban Khoa học Tự nhiên phụ trách. Ban Thư ký hỗ trợ cho Trưởng Tiểu ban gồm Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng các Vụ Hợp tác Quốc tế và Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên.

Các Tiểu ban chuyên môn được thành lập dựa trên các chương trình hoạt động chính của UNESCO. Hiện nay UBQG UNESCO Việt Nam có 05 Tiểu ban chuyên môn gồm:

- Ủy ban Quốc gia Hải dương học Liên Chính phủ Việt Nam (UBQG IOC Việt Nam)

- Ủy ban Quốc gia Chương trình Thủy văn học Quốc tế Việt Nam (UBQG IHP Việt Nam)

- Ủy ban Quốc gia Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế Việt Nam (UBQG IGCP Việt Nam)

- Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (UBQG MAB Việt Nam)

- Tiểu ban chuyên môn Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO tại Việt Nam

5. Tiểu ban Khoa học Xã hội trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (Ban Hợp tác quốc tế).

Phần IV:

THÔNG TIN, TÀI LIỆU THAM KHẢO LIÊN QUAN


THỦ TƯỚNG CHÍNH  PHỦ 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
---------------

Số: 208/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2011


QUYẾT ĐỊNH


VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ


Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


QUYẾT ĐỊNH


Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020” kèm theo Quyết định này.


Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.


Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


  Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (5b)

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Gia Khiêm

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

 

 

Số: 33/2010/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 2010

 


 


QUYẾT ĐỊNH


BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC NGÀY VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ


Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


QUYẾT ĐỊNH:


Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức Ngày Việt Nam ở nước ngoài.


Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2010.


Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


 


 

 

Nơi nhận: 
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (5b).

THỦ TƯỚNG 




Nguyễn Tấn Dũng

        BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

   BAN CÁN SỰ ĐẢNG BỘ NGOẠI GIAO 

*

Số: 53-ĐA/BCSĐ-VHĐN-UNESCO


     ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

          Hà Nội, ngày tháng năm 2009

ĐỀ ÁN 

 

“TÔN VINH CHỦ TICH HỒ CHÍ MINH – ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VIỆT NAM, NHÀ VĂN HÓA KIỆT XUẤT, Ở NƯỚC NGOÀI”

 

CĂN CỨ XÂY DỤNG ĐỀ ÁN:

Căn cứ lịch sử:

      Ngày 05/06/1911, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng lên con tàu A-mi-ran La-tút-sơ Tơ-rê-vin bôn ba khắp năm châu đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Sau 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

    Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân tới nhiều nước trên thế giới ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương. Ở bất cứ đâu, Người cũng sống hòa mình với nhân dân lao động và nêu cao tấm gương của người chiến sỹ đấu tranh kiên cường cho độc lập tự do của dân tộc. Người luôn coi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân với chủ nghĩa yêu nước chân chính. Người cũng là hiện thân một nhân cách lớn của một nhà văn hoá kiệt xuất.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (ngày 02/9/1945), trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã đi thăm nhiều nước bạn bè trên thế giới, nhằm mở rộng quan hệ giữa Việt Nam với các nước, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Tấm gương đạo đức cách mạng cao cả của Người đã để lại trong lòng bạn bè và nhân dân thế giới tình cảm sâu đậm. Đây là cơ sở vững chắc để triển khai đề án này.

Trên thế giới, một số quốc gia cũng đẩy mạnh việc tôn vinh các vị Lãnh tụ hoặc danh nhân văn hoá của đất nước bằng nhiều hình thức. Trung Quốc đã thành lập Tổng bộ Học viện Khổng Tử với 226 viện Khổng Tử tại 66 nước và khu vực, xây dựng các Quỹ Khổng Tử, để khuyến khích học tiếng Hán và truyền bá hình ảnh Khổng Tử và Nho giáo trên thế giới. Nga cũng đang xem xét khả năng đặt lại các tượng đài của các nhà tư tưởng, triết học, danh nhân như Các-Mác và Lê Nin tại những nới trang trọng nhất nhằm tạo nét “thẩm mỹ và văn hoá” cho các thành phố lớn. Ấn Độ đẩy mạnh việc đặt tượng hoặc công viên mang tên Ma-hát-ma Gan-di ở một số nước trên thế giới và vinh danh Ma-hát-ma Gan-di như một danh nhân văn hoá thế giới, bên cạnh vai trò là Lãnh tụ của đất nước Ấn Độ. Một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Pháp đều chủ trương đề cao và quảng bá mạnh mẽ những đóng góp của các nhân sĩ nổi tiếng của đất nước cho châu Âu và thế giới như Gớt, Lu-i Pát-xơ-tơ, Séc-van-tét…

Cơ sở pháp lý:

Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hoá kiệt xuất, ở nước ngoài” nhằm triển khai Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về việc tăng cường công tác Ngoại giao Văn hóa - Tạo động lực mới cho Ngoại giao Việt Nam trong tiến trình Hội nhập quốc tế.

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH TÔN VINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH Ở NƯỚC NGOÀI:

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất” vào năm 1990. Đồng thời, UNESCO cũng kêu gọi các nước thành viên tham gia kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Đây là danh hiệu cao quý của một tổ chức chuyên phụ trách các vấn đề văn hoá, khoa học, giáo dục của Liên Hợp Quốc nhằm ghi nhận và tôn vinh đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách một danh nhân văn hoá kiệt xuất. Năm 2000, UNESCO cũng đã tổ chức Hội thảo ghi nhận công lao đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hoà bình nhân dịp năm “vì hoà bình” (năm 1999) và kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Người.

Hưởng ứng Nghị quyết của UNESCO và căn cứ vào quan hệ giữa Việt Nam với các nước cũng như tình cảm của chính quyền và người dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã có các hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tại những nơi Người đã từng sống, làm việc hoặc đến thăm. Một số quốc gia đã đặt tên Hồ Chí Minh cho các trường học, quảng trường, đường phố lớn hoặc có các hình thức tưởng niệm. Theo tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mặt tại 19 quốc gia và 01 thành phố. Cụ thể tại Châu Á: Cam-pu-chia, Thái Lan, Ấn Độ, Mông Cổ, Trung Quốc, Xinh-ga-po; tại Châu Âu: Pháp, Liên bang Nga; Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Ba Lan, Hung-ga-ri, U-crai-na, Bốt-xơ-ni-a Hét-xê-gô-vi-na; tại Châu Mỹ: Cu Ba, Ni-ca-ra-goa; tại Châu Phi: Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích, Ma-đa-gát-xơ-ca.

Bên cạnh đó, một số quốc gia như Lào, Trung Quốc đã phối hợp với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tiến hành sưu tầm, nghiên cứu tư liệu, tổ chức Hội nghị, Hội thảo, Toạ đàm, xuất bản sách...về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc xác minh lại thông tin liên quan đến việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sinh sống, làm việc hoặc đến thăm các nước sở tại.

Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng vận động chính quyền sở tại có các hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc tiếp tục duy trì, tôn tạo các công trình đã có. Kết quả bước đầu một số nước trên thế giới đã và đang tích cực triển khai các hoạt động cụ thể để đề cao Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể: Mê-hi-cô đã xây dựng và khai trương tượng đài Bác Hồ tại Thủ đô Mê-xi-cô và tại thành phố A-ca-pun-cô; Mông Cổ đang xúc tiến việc thành lập Trung tâm Văn hoá Hồ Chí Minh và đặt tượng Bác Hồ trong khuôn viên Trường Trung học số 14 tại Thủ đô U-lan-ba-to; Đại sứ quán Việt Nam tại Bun-ga-ri đã xuất bản cuốn sách Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Việt Nam- Bun-ga-ri bằng tiếng Việt Nam và tiếng Bun-ga-ri, Thành phố Sô-phi-a của Bun-ga-ri gắn bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và đổi tên 01 đường phố thành Phố Hồ Chí Minh; Lào tổ chức hội thảo về Bác Hồ và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đồng ý về nguyên tắc việc xây dựng các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Khăm-muộn, tỉnh Sa-va-na-khét và tại Thủ đô Viêng Chăn và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đậm tính dân tộc Việt Nam tại bản anh hùng Xiêng Vang, huyện Nỏng-bốc, tỉnh Khăm-muộn; thành phố Vơ-la-đi-vốt-xơ-tốc xúc tiến việc đặt biển lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phố Ve-rờ-khờ-nhe-pô-rờ-tô-vai-a thuộc khu trung tâm Ga xe lửa và Ga cảng biển của thành phố…

MỤC TIÊU, Ý NGHĨA, PHẠM VI, NGUYÊN TẮC VÀ KHÓ KHĂN, THUẬN LỢI:

 Mục tiêu:

Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất, ở nước ngoài” nhằm tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng việc tuyên truyền vận động Chính quyền địa phương, nhân dân sở tại, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại các quốc gia trên thế giới, những nơi Người đã từng sống, học tập, làm việc hoặc đến thăm, có các hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm lưu giữ và bảo vệ những dấu tích của Người, qua đó quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới qua hình ảnh của một con người Việt Nam tiêu biểu và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam với các nước này.

 Ý nghĩa:

Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hoá kiệt xuất, ở nước ngoài” có ý nghĩa quan trọng nhằm thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát động. Đề án sẽ góp phần tôn vinh hình ảnh và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với tư cách là một Nhà văn hoá kiệt xuất và Anh hùng giải phóng dân tộc, một nhân cách lớn của một con người Việt Nam tiêu biểu, đối với chính quyền và người dân các quốc gia trên thế giới và nhất là với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo ảnh hưởng tốt đối với đời sống tinh thần của cộng đồng này.

Đề án này cũng là một trong những hoạt động đối ngoại lớn trong năm Ngoại giao Văn hóa 2009 của Bộ Ngoại giao kỷ niệm 40 năm ngày mất, tiến tới lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 40 năm thực hiện di chúc của Người.

Qua việc triển khai Đề án này, ta sẽ có dịp kiểm kê, đánh giá thực trạng, bổ sung, chỉnh lý lại hồ sơ lưu trữ và các tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bảo tàng Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan, tạo cơ sở dữ liệu để có thể đưa các tư liệu quý và duy nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, đặc biệt khi hồ sơ “Vừa đi đường vừa kể chuyện” do chính Bác Hồ viết đang có nhiều khả năng được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại. Hồ sơ đã bước đầu được các chuyên gia của UNESCO về di sản tư liệu đánh giá cao tại lớp Tập huấn về chương trình Ký ức Thế giới tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng 02/2009. Hồ sơ này sẽ được xem xét chính thức tại Hồng Kông và sau khi thông qua tại Ma Cao tháng 3/2010 sẽ được Tổng giám đốc UNESCO công bố vào tháng 5/2010 đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác.

Phạm vi:

Đề án sẽ được triển khai ở các quốc gia nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống, học tập, làm việc hoặc đến thăm và tại các quốc gia có quan hệ hữu nghị với Việt Nam, kể cả những nơi Bác Hồ chưa từng đặt chân đến nhưng chính quyền và người dân sở tại bày tỏ thiện chí mong muốn có các hình thức tưởng niệm Người.

Nguyên tắc thực hiện:

Đa dạng hoá các hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hiện nay, trên thế giới chưa có mô hình chung về các hình thức tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hoá kiệt xuất. Tuỳ theo thiện chí và quan hệ của nước sở tại với Việt Nam cũng như sự nhiệt tình và lòng kính trọng của nước sở tại đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà các nước có nhiều hình thức tưởng niệm khác nhau như tổ chức Hội nghị, Hội thảo, Toạ đàm, xuất bản sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sưu tầm, lưu trữ và dịch sang tiếng địa phương các tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ hay đặt tượng đài, bia tưởng niệm, biển đồng, đặt tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cho trường học, đường phố hay các công trình lớn tại các địa phương...Đồng thời, tuỳ theo mức độ quan hệ giữa Việt Nam với nước sở tại và khả năng cũng như sáng kiến của mình, các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng tuyên truyền và vận động chính quyền địa phương, nhân dân và cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại để họ chủ động có hình thức tôn vinh Bác Hồ phù hợp.

Khó khăn và thuận lợi:

Hiện nay, việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới nhiều hình thức có nhiều thuận lợi. Hầu hết các nước trên thế giới, dù theo chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa, cũng đều bày tỏ thiện chí đối với việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là với tư cách Nhà văn hoá kiệt xuất. Tuy nhiên, trong tương lai cũng cần tính đến khả năng sẽ có một số khó khăn nhất định đối với việc vận động chính quyền sở tại có các hình thức tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc duy trì, phát huy các hình thức đã có tại một số nước khác biệt về chính trị với Việt Nam, nhất là khi có sự thay đổi chính quyền tại các nước này.

Ngoài ra, việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài trong thời gian vừa qua cũng không gặp phải các hành động cản trở của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại, dù lập trường chính trị của họ ủng hộ hay không ủng hộ Việt Nam. Mặc dù vậy, ta cũng cần đề phòng khả năng một số thế lực thù địch có thể có hành động phá hoại hoặc luận điệu xuyên tạc đối với việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO công nhận là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hoá kiệt xuất” nên việc tôn vinh Người trên thế giới theo hai tiêu chí trên là phù hợp. Đối với các nước có cùng chế độ chính trị hoặc ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam sẽ dễ dàng được chính quyền sở tại chấp thuận. Còn đối với các nước có khác biệt về chế độ chính trị, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là danh nhân văn hoá sẽ làm cho hình ảnh Bác Hồ dễ dàng đi vào lòng bạn bè quốc tế và người dân.

Việc lựa chọn các hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách phù hợp sẽ tạo thuận lợi cho công tác vận động chính quyền, nhân dân và người Việt Nam ở nước sở tại. Đồng thời, đa dạng hoá các hình thức tôn vinh (toạ đàm, hội thảo, xuất bản sách, dựng tượng, biển đồng, đặt tên đường phố...) sẽ tránh được một số khó khăn đã nêu ở trên như thay đổi chế độ ở nước sở tại, các điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi làm hư hại công trình tưởng niệm...và cũng nhằm phản bác luận điệu xuyên tạc và các hành động phá hoại có thể có của các thế lực thù địch ở nước sở tại.

 NỘI DUNG:

Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện các tài liệu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các nước trên thế giới. Đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân người nước ngoài và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thiện cảm, hoặc quan hệ tốt với Việt Nam tham gia.

Xây dựng bộ tài liệu (viết, ảnh, phim DVD...) bằng tiếng địa phương để giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về tình cảm và hoạt động của Người đối với các nước sở tại.

Biên tập và giới thiệu ấn phẩm về các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các nước và các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, tư liệu, hiện vật về Bác Hồ ở ngoài nước.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm tranh, ảnh, các đợt giới thiệu cho chính quyền, nhân dân và báo chí tại các nước, địa bàn liên quan về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó phát hiện và tập hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài có cảm tình với Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiện cảm với Việt Nam để quảng bá, giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam, đồng thời tiến hành vận động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các nước này.

Gắn việc thực hiện Đề án này với Kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở nước ngoài, nhất là việc phát động cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí và sưu tầm tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngoài nước.

Đối với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, căn cứ vào mối quan hệ với chính quyền sở tại (cấp trung ương hoặc cấp địa phương) và bối cảnh quan hệ song phương, vận động, thuyết phục, theo kênh chính thức hoặc quan hệ cá nhân để có thể có các hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách phù hợp với điều kiện khách quan. Trước mắt, rà soát trên thực địa những công trình tưởng niệm và căn cứ vào tài liệu do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp, thông báo sớm về nước những thay đổi nếu có để chỉnh lý, cập nhật; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm duy trì và phát huy các công trình tưởng niệm đã có; nghiên cứu các hình thức tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu chính quyền sở tại bày tỏ thiện chí...

TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Lộ trình:

Đây là một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, được triển khai theo lộ trình nhiều năm, lấy “Năm Ngoại giao Văn hóa 2009” của Bộ Ngoại giao là năm khởi điểm.

Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ thống kê, cập nhật, chỉnh lý tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh và thăm dò khả năng có các hình thức tưởng niệm Bác Hồ.

Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lựa chọn một số địa bàn trọng điểm (các địa bàn ưu tiên trong quan hệ của Việt Nam, một số nước lớn, địa bàn có cộng đồng người Việt Nam đông đảo…), để ưu tiên tuyên truyền, vận động chính quyền sở tại có các hình thức tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành sơ kết đánh giá Đề án vào dịp 19/5/2010, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kinh phí:

Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài vận động chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại hỗ trợ kinh phí tổ chức các hình thức tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng kinh phí chủ yếu sẽ được cung cấp từ Ngân sách Nhà nước theo quy định.

3. Phân công:

Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao xin kiến nghị Ban Bí thư:

- Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án này.

- Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính phối hợp với Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan cung cấp kinh phí từ Ngân sách nhà nước cho việc triển khai Đề án này.

- Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai Đề án này.

- Đảng uỷ Ngoài nước chỉ đạo các đơn vị có liên quan tuyên truyền việc thực hiện Đề án này ở nước ngoài.

- Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao chủ trì tổng kết đánh giá tình hình triển khai Đề án này và kiến nghị các biện pháp để vận động chính quyền sở tại tiếp tục có các hình thức tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài đồng thời duy trì và phát huy các hình thức tưởng niệm đã có và báo cáo Ban Bí thư.

Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao kính trình Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo...

 

 

Nơi nhận

Ban Bí thư;

Đ/c Bí thư BCSĐ (để báo cáo);

Các đ/c Ủy viên BCSĐ;

Văn phòng Trung ương Đảng

Lưu: BCSĐ, VHĐN-UNESCO.

 


 


 


 


Danh mục các di sản thế giới của Việt Nam

Di sản thiên nhiên thế giới

Vịnh Hạ Long: Được công nhận là di sản thế giới hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1994 theo tiêu chí (Niii) về giá trị cảnh quan và năm 2000 theo tiêu chí (Nii) về địa chất, địa mạo. Triển vọng Hạ Long tiếp tục được công nhận theo các tiêu chí khác (Đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa).

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng: Được công nhận vào năm 2003 theo tiêu chí (Ni) là một minh chứng về quá trình hình thành và phát triển của vỏ trái đất (hệ núi đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng nằm trong vùng địa máng Trường Sơn tiêu biểu nhất cho hệ đá vôi Cacbon-Pecmi. Đây là một trong những vùng Karst cổ rộng lớn, bị chia cắt mạnh và phát triển liên tục, được hình thành trên 400 triệu năm). Được công nhận lần 2 theo tiêu chí hệ sinh thái và đa dạng sinh học (7/2015).

Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên và văn hóa (2014)

Di sản văn hóa thế giới:

Quần thể Di tích Cố đô Huế: Được ghi tên vào Danh mục các di sản thế giới vào năm 1993 theo hai tiêu chí (Ciii) là biểu trưng cho sự nổi bật về uy quyền của một đế chế phong kiến đã mất của Việt Nam vào thời kỳ hưng thịnh nhất của nó đầu thế kỷ 19 và (Civ) là một điển hình nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông, gồm 16 hạng mục, trong đó đáng chú ý là hệ thống Cung điện trong Tử Cấm Thành, Hoàng Thành, Kinh Thành, các lăng tẩm, đàn Nam Giao, Văn Miếu, Võ Miếu, Chùa Thiên Mụ, Hồ Quyền...

Khu Đô thị cổ Hội An: Được công nhận vào năm 1999 theo hai tiêu chí (Cii) là minh chứng vật chất nổi bật về sự giao lưu giữa các nền văn hóa trong lịch sử, và tiêu chí (Cv) là ví dụ điển hình về truyền thống định cư của loài người.

Di tích Mỹ Sơn: Được công nhận vào năm 1999 theo tiêu chí (Cii) là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hóa và tiêu chí (Ciii) là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh ở Châu Á đã bị biến mất.

Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long: Được Ủy ban Di sản Thế giới ra Nghị quyết công nhận tại kỳ họp thứ 34 tại Brasilia (thủ đô Brazil) ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.

Thành Nhà Hồ (6/2011): Được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới tại kỳ họp lần thứ 35 Ủy ban Di sản Thế giới (19 -29/9/2011) theo các tiêu chí (ii) và (iv).

Di sản văn hóa Phi vật thể:

Nhã nhạc Cung đình Huế: được công nhận là Kiệt tác Văn hoá Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại năm 2003.

Không gian Văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên: được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2005.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh được công nhận là di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009.

Hát Ca trù được công nhận là di sản văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2009.

Hội Gióng (Đền Phù Đổng và Đền Sóc) được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010.

Hát Xoan được công nhận là di sản văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012.

Đờn ca tài tử Nam Bộ được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể đại diễn của nhân loại năm 2013.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG):

Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh: được công -nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2000. Khu này có tổng diện tích là 71.370 ha và dân số là 57.403 người.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắc Lắc, được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2001. Khu này có tổng diện tích là 728.756 ha và dân số là 170.500 người.

Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng, được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004. Khu này có tổng diện tích là 26.241 ha và dân số là 10.673 người. 

Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng thuộc 5 huyện: Thái Thụy, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), Giao Thủy, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) và Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004. Khu này có tổng diện tích là 105.557 ha và dân số là 128.675 người.

Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang thuộc tỉnh Kiên Giang, được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2006. Khu này có tổng diện tích là 1.188.105 ha và dân số là 352.893 người.

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Đây là khu DTSQ thứ 6 của Việt Nam được UNESCO công nhận vào tháng 9/2007  với trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát.

Khu DTSQ miền Tây Nghệ An là khu DTSQ có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285ha, thuộc địa bàn 9 huyện trong đó Vườn quốc gia Pù Mát là trung tâm đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động thực vật với đầy đủ đại diện của 4/5 lớp quần hệ (rừng thưa, rừng kín, cây bụi và cây thảo).

Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau,  năm 2009 . Khu DTSQ Mũi Cà Mau có diện tích 371.506 ha. Nơi đây có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như:Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng tràm trên đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển… mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ các nguồn taifn guyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao.

Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, năm 2009. Cù Lao chàm là một cụm đảo xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15km và bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai và Hòn Ông. Dân số trên các hòn đảo này gồm khoảng 3.000 người.

Cù Lao Chàm là một di tích văn hóa lịch sử gắn với sự hình và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Bản đồ “TaayPhuowng” xưa ghi là Cù Lao Chàm tên là “Champello” lấy từ tiếng Nam Ấn “Pulau Champa”. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt với công trình kiến trúc cổ người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang, năm 2015. Đây là Khu DTSQTG đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên hùng vĩ với diện tích 275.439 ha nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực Nam Tây Nguyên. Đây là một vùng ruengf nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Núi Bà, nơi được đánh giá là một trong bốn bốn trung tâm đa dạng sinh học Việt Nam/ Các nhà khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và 154 loài costeen trong Danh Lục đỏ IUCN (2010).

Công viên địa chất toàn cầu:

Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu năm 2010, tái đánh giá vào tháng 9/2014.

Di sản Tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới (MOW)

Mộc bản Triều Nguyễn được công nhận là Di sản Tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới năm 2009.

82  Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê- Mạc 1442 -1779 được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2010 và Di sản Tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới năm 2011.

Châu Bản Triều Nguyễn được công nhận là Di sản Tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình dương năm 2014.

Trung tâm dạng 2 dưới sự bảo trợ của UNESCO

UNESCO công nhận Trung tâm Toán học và Vật lý là 2 Trung tâm dạng 2 dưới sự bảo trợ của UNESCO năm 2015

Danh nhân văn hóa:

Nguyễn Trãi: UNESCO đã công nhận Nguyễn Trãi là Danh nhân Văn hoá Thế giới và tổ chức kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Ông vào năm 1980.

Chủ tịch Hồ Chí Minh : Năm 1987, Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 đã ra Nghị quyết 24C-18.65 về việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị “Anh hùng Giải phóng dân tộc và Nhà Văn hóa lớn”. Nghị quyết khuyến nghị các nước thành viên UNESCO cùng tham gia tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người và trên thực tế, trong năm 1990, hàng loạt các hoạt động đã được tổ chức long trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn tại Trụ sở chính UNESCO tại Paris và ở nhiều thủ đô của các nước trên thế giới.

Các giải thưởng của UNESCO:

Hà Nội được UNESCO trao giải thưởng “Thành phố vì Hoà bình” (1999) và được chọn là nơi tổ chức Lễ phát động Năm quốc tế Văn hoá Hoà bình của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (14/9/1999).

 Đại hội đồng UNESCO lần thứ 30 đã thông qua Nghị quyết Kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội (2000) hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (2010).

V/- Các đầu mối liên hệ

Địa chỉ liên hệ của Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO:


            Địa chỉ: số 8 Khúc Hạo, Ba Đình, Hà Nội


            Điện thoại:


                 -    Cấp Vụ:  (84-4) 37993605/ 37993113


Tổ Tổng hợp : (84-4) 37993517


Tổ Văn hóa đối ngoại : (84-4) 37993603/ 37993509


Tổ UNESCO: (84-4) 37993612/ 37993514/ 37993604


Fax: (84-4) 8230702


Email: unescovn@mofa.gov.vn/


Địa chỉ liên hệ Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch.


     Địa chỉ: 51-53 Ngô Quyền, Hà Nội


            Điện thoại: (84)39439513


            Fax: (84-4) 39437101.


Địa chỉ liên hệ các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài:


STT

NƯỚC

CƠ QUAN

ĐỊA CHỈ

SĐT

1

Pháp

Trung tâm Văn hóa

Việt Nam tại Pháp

19 - 19 bis Rue Albert,

5013 Paris, France

ĐT: 0153824842

Fax: 0145845322

Mobile: 0963653155

2

Lào

Trung tâm Văn hóa

Việt Nam tại Lào

 

 


Địa chỉ các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam:


STT

NƯỚC

CƠ QUAN

ĐỊA CHỈ

SĐT

1

Mỹ

American Club

Address: 21 Hai Bà Trưng,

Tràng Tiền, Hoàn Kiếm,

Hà Nội

ĐT: 04 3824 1850

2

Ý

Casa Italia

Address: 18 Lê Phụng Hiểu, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

ĐT: 0166 457 4202

3

Pháp

L’Espace

Address: 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

ĐT: 04 3936 2164

4

Đức

Goethe Institute

56-58 Nguyen Thai Hoc
Hanoi, Vietnam

ĐT:+84437342251
Fax +84 4 37342254

5

Hàn

Quốc

Korean Culture Center

49 NguyễnDu, HàNội,

Hai Bà Trưng Hanoi

ĐT: 04 3944 5980

6

Nhật

Japan Foundation Center for Cultural Exchage

27 Quang Trung street, Hoan Kiem district, Hanoi, Vietnam

ĐT: +844 3944 7419/20

Fax: +844 3944 7418

7

Nga

Trung tâm khoa học văn hóa Nga

Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội
Địa chỉ: 501 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

ĐT:+84437719937
Fax: +844 3771-99-38

8

Anh

British Council

20 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ

ĐT: +84 1800 1299

Fax: +84 (0)4 3843 4962


 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

[2] Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, “Ngoại giao đa phương - khẳng định thế và lực của đất nước”, /vi/mofa/nr040807104143/nr111027144142/ns120120214353

[3] Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, “Ngoại giao đa phương - khẳng định thế và lực của đất nước”, đã dẫn.

[4] http://www.itu.int/wsis/docs/geneva/official/dop-fr.html

[5] http://www.itu.int/wsis/docs/geneva/official/poa-fr.html

[6] Tham khảo hai công ước và văn bản hướng dẫn  về di sản văn hóa trên mạng http://fr.unesco.org/themes/


 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer