TLCB Kenya tháng 3/2020
BỘ NGOẠI GIAO ------- |
|
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA KENYA
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
1. Khái quát:
- Tên nước: Cộng hòa Kenya (Republic of Kenya)
- Thủ đô: Nai-rô-bi (Nairobi)
- Vị trí địa lý: Kenya nằm ở Đông Phi, trên đường xích đạo, giáp Ê-thi-ô-pi-a (Ethiopia), Xu-đăng (Sudan), U-gan-đa (Uganda), Tan-da-ni-a (Tan-da-ni-a), Xô-ma-li (Somali) và Ấn Độ dương. Miền Bắc chủ yếu là sa mạc, miền Nam và vùng bờ biển phía Đông đất đai mầu mỡ, tập trung phần lớn dân cư.
- Diện tích: 580.646 km2
- Dân số: 51,2 triệu người (2018)
- Dân tộc: khoảng 95% số dân là người Phi, số còn lại là người châu Á, châu Âu và Arập.
- Tôn giáo: Đạo Thiên Chúa (Christian 82,5%), đạo Hồi (11%), còn lại theo tôn giáo cổ truyền
- Ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Swahili
- Đơn vị tiền tệ: đồng Shilling Kenya (1 USD = 101 KES ; 2018)
- Ngày độc lập: 12/12/1963
- Tổng thống : Uhuru Kenyatta (từ 4/2013, tái đắc cử 2017)
- Bộ trưởng Ngoại giao (Foreign Affairs Cabinet Secretary): Bà Raychelle Omamo (từ tháng 01/2020).
2. Lịch sử:
Từ đầu Công nguyên, các bộ lạc người Phi đã sinh sống ở vùng đất là Kenya ngày nay. Thế kỷ thứ 7, các nhà buôn A-rập và Ba tư đến Kenya và đến kiểm soát toàn bộ khu vực vào thể kỷ thứ 10. Tiếp đó, Kenya rơi vào tay thực dân Bồ Đào Nha và Anh. Đầu những năm 1920, Hội thanh niên Ki-quin được thành lập, chống sự thống trị của thực dân Anh. Liên minh dân tộc Phi Kenya (Kenya African National Union - KANU) đã lãnh đạo nhân dân Kenya giành độc lập từ Anh ngày 12/12/1963.
3. Chính trị:
a. Nội trị:
Chế độ chính trị: Cộng hòa Tổng thống, nhiệm kỳ 5 năm, được bầu qua phổ thông đầu phiếu. Tổng thống là người đứng đầu Chính phủ.
Tháng 8/2010, Hiến pháp mới thông qua bằng trưng cầu dân ý được coi là bước tiến quan trọng đối vơi Kenya thể hiện qua cải cách thể chế nhằm tái cân bằng quyền lực (lập Thượng Viện, bãi bỏ chức Thủ tướng, chú trọng hơn đền quyền chính trị và xã hội) và cải cảch bầu cử (lập Ủy ban bầu cử độc lập, thông qua đạo luật về các đảng phái…).
Năm 2013, Kenya tổ chức tổng tuyển cử với thắng lợi ngay từ vòng đầu (50,07%) thuộc về ông Uhuru Kenyatta, người đứng đầu liên minh “Jubillee” và là con trai của người lập quốc Kenya, ông Jomo Kenyatta.
Hiện Kenya được coi là khá thành công về ổn định chính trị và dân chủ tại châu Phi, cửa ngõ vào khu vực Đông Phi.
b. Đối ngoại:
Về hội nhập khu vực châu Phi, bên cạnh việc phát huy vai trò tích cực tại Liên minh châu Phi (AU), Kenya là thành viên sáng lập của Cộng đồng Đông Phi (East African community – EAC), tổ chức liên chính phủ gồm 5 nước Đông Phi: Burundi, Kenya, Rwanda, Tanzania và Uganda. EAC đã có những bước đi tích cực để thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế trong khu vực Đông Phi nói riêng, và toàn châu Phi nói chung. Trong đó phải kể đến việc thành lập liên minh thuế quan Đông Phi (tháng 3/2004), gia nhập khu vực mậu dịch tự do COMESA (Thị trường chung Đông và Nam Phi) vào năm 2008.
Về đối ngoại, Kenya là thành viên LHQ, Khối Thịnh vượng chung, giữ quan hệ chặt chẽ với Anh. Bên cạnh đó, Kenya quan hệ tốt với Mỹ và là đồng minh thân cận của Mỹ trong chiến dịch chống khủng bố ở khu vực châu Phi. Gần đây, Kenya có xu hướng “Hướng Đông”, thúc đẩy quan hệ với các nước lớn ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ (cộng đồng người Ấn tại Kenya có trên 100 nghìn người)[1].
4. Kinh tế
Kenya là quốc gia phát triển khá năng động, một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Phi (sau Ethiopia) và lớn thứ chín châu Phi . Từ năm 2009-2018, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt gần 5,7%. Kinh tế của Kenya chủ yếu dựa vào dịch vụ và nông nghiệp.
Cơ cấu kinh tế: dịch vụ (47,7%); nông nghiệp (35%), công nghiệp (17,6%)… 62% dân số Kenya sống về nghề nông. Các nông sản chính có lúa mì, ngô, kê, khoai tây, chuối, cà phê, chè, bông, đường...Công nghiệp Kenya khá phát triển, các ngành công nghiệp chính là công nghiệp thực phẩm, hoá dầu (Kenya nhập dầu thô để lọc), điện và vật liệu xây dựng.
Bạn hàng thương mại chính của Kenya gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả-rập (UAE), Nam Phi, Trung Quốc, Hà Lan, Tan-da-ni-a, U-gan-đa... Hiện nay Anh là nhà đầu tư lớn nhất vào Kenya với khoảng 1,5 tỷ USD.
Ngoài ra, Kenya cũng được hưởng các ưu đãi thương mại với EU (hiệp định EBA - Everything but arms), Mỹ (Đạo luật về Tăng trưởng kinh tế và cơ hội cho châu Phi, AGOA).
Một số thông tin cơ bản năm 2018: GDP (tính theo PPP): 163.4 tỷ USD; thu nhập bình quân: 3.500 USD; tăng trưởng GDP: 5%; tỉ lệ lạm phát: 8%.
5. Quan hệ Việt Nam - Kenya
a. Quan hệ chính trị-ngoại giao:
- Ta và Kenya lập quan hệ ngoại giao ngày 21/12/1995.
- Trao đổi đoàn: chưa có trao đổi đoàn cấp cao. Về phía ta: Chủ tịch tỉnh Nghệ An Hồ Xuân Hùng (1995); Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình (2003); Thứ trưởng Đào Việt Trung (2004); Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm theo dự án phòng chống HIV/AIDS (2010); Phó Tổng Cục truởng Tổng Cục Du lịch (5/2011); Trợ lý BTNG Vũ Quang Minh dự HN UNTACD14 (7/2016), Thứ trưởng BNN Lê Quốc Doanh dự TICAD 6 (8/2016), Trợ lý BTNG Phạm Sanh Châu (11/2016). Về phía bạn: Tháng 4/2015, Thư ký Văn phòng Bộ Ngoại giao Kenya sang Việt Nam đề nghị Việt Nam mở Lãnh sự Danh dự Việt Nam ; Bộ trưởng Ngoại giao thăm Việt Nam (tháng 12/2019).
- Các văn kiện hợp tác: Hai bên chưa ký Hiệp định hợp tác; hiện đang trao đổi, đàm phán ký: Hiệp định vận tải hàng không, Hiệp định khung, Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.
b. Quan hệ kinh tế: Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 45,2 triệu USD trong đó ta xuất 39,3 triệu USD ; trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt 19,9 triệu USD trong đó ta xuất 14 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là điện thoại di động và linh kiện, clanke, và sản phẩm dệt may...; nhập khoảng 6 triệu USD chủ yếu là thức ăn gia súc và hóa chất…
c. Hợp tác nông nghiệp: Năm 2016, Bộ Thủy sản Kenya mong muốn hợp tác với ta trong lĩnh vực thủy sản. Năm 2018, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) của Kenya đã chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để hợp tác phát triển chăn nuôi kỹ thuật ở một số tỉnh của Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Tan-da-ni-a kiêm nhiệm Kenya. Đại sứ quán Kenya tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam.
ĐSQ Việt Nam tại Tan-da-ni-a kiêm nhiệm Kenya
Plot 11, Bongoyo Road, Oysterbay, Dar es Salaam, P.O Box 9724, Dar es Salaam, Tan-da-ni-a
ĐT: +255 (22) 2664535 máy lẻ 21, 22, 23, 24, 25; Fax: +255 (22) 2664537
Email: vnemb.taz2009@yahoo.com.vn; vnemb.tz@mofa.gov.vn
ĐSQ Kenya tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam
62 Thong Lor Soi 5, Sumkhuvit 55 Road
Khlong Tan, Watthana, Bangkok 1011, Thailand
Tel: 0066-21853679 ; Fax:0066-21853680
Tháng 3/2020
[1] Năm 2013, Tổng thống U-hu-ru Kê-ni-át-ta thăm Trung Quốc, ký một loạt các thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD. Năm 2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm Kenya và ký các thỏa thuận trị giá 17 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đầu tư nhiều dự án cơ sở hạ tầng. Kenya cũng giữ vững quan hệ với Ấn Độ. Kim ngạch thương mại song phương đạt 2,4 tỷ USD. Cộng đồng người Ấn tại Kenya có trên 100 nghìn người.
Back Top page Print Email |